Formosa và những ai là thủ phạm gây nên thảm họa cá chết ở miền Trung?
- Tây Y
- 17:20 - 27/04/2016
FORMOSA VÀ NHỮNG DẤU HỎI?
Báo Tuổi Trẻ: Formosa từng tàn phá môi trường nặng nề ở nhiều nước
Năm 2009, tổ chức bảo vệ môi trường của Đức Ethecon đã trao giải "Hành tinh đen" cho Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan.
Một nhà máy của Tập đoàn nhựa Formosa tại Đài Loan (Trung Quốc) - Ảnh: cens
Giải này dùng để bêu tên doanh nghiệp gây ảnh hưởng môi trường lớn nhất trong năm.Tổ chức Ethecon đưa ra lý do trao giải "Hành tinh đen" cho Tập đoàn nhựa Formosa, Đài Loan: "chịu trách nhiệm rất lớn làm cho hành tinh đen thêm vì những hủy hoại đối với trái đất.Ethecon viết: "Tập đoàn nhựa Formosa hành động chỉ vì lợi ích riêng, không chỉ đe dọa đến hòa bình, nhân quyền mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái và loài người nói chung". Tại Đài Loan, Formosa nằm trong top 10 công ty gây ô nhiễm nhất và "đóng góp" đến 25% tổng lượng khí nhà kính của Đài Loan.
Báo điện tử Vietnamnet: Việt Nam nguy cơ thành ‘thiên đường’ dự án ô nhiễm
“Việt Nam có lẽ như đang rất thành công để trở thành “thiên đường” của những dự án ô nhiễm”, ông Đỗ Thiên Anh tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright chia sẻ.
Nhắc đến những đại dự án thép như Formosa Hà Tĩnh, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, chắc chắn không dễ đầu tư sang các nước có những tiêu chuẩn cao về môi trường. Chẳng hạn như Úc, dù có nguồn quặng sắt lớn nhất thế giới nhưng nước này không khuyến khích và chào đón những dự án thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Nếu phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường và chuẩn xả thải đi cùng với nhiều loại thuế và phí môi trường “cao ngất”, các hoạt động sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm sẽ không thể hiệu quả và buộc đóng cửa hoặc di dời ra nước khác. “Với những tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo, Việt Nam có lẽ như đang rất thành công để trở thành “thiên đường” của những dự án ô nhiễm”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhận định.
Báo Thanh Niên: Formosa ‘qua mặt’ người dân
Chính quyền và nhiều người dân thị xã.Kỳ Anh (Hà Tĩnh) không hề được tham gia vào quá trình lấy ý kiến về việc cho phép xây dựng hệ thống đường ống xả thải ra biển nói riêng và ĐTM nói chung.
Đường ống xả thải nối liền từ khu vực dự án Formosa ra biển Ảnh: Nguyên Dũng
Theo ông Trần Xuân Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi, có 298 hộ dân của xã buộc phải di dời để nhường đất cho dự án Formosa nhưng tất cả những hộ dân này đều không được tham vấn về ĐTM của dự án, trong đó có việc xây dựng hệ thống đường ống xả thải ra biển. Ông Trương Công Bình, Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Trinh (thị xã .Kỳ Anh), cũng khẳng định, hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn không được chủ đầu tư và các cơ quan chức năng liên quan triển khai lấy ý kiến về ĐTM của dự án Formosa, trong đó có cả việc xây dựng hệ thống đường ống xả thải ra biển dù phường này nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của dự án.
Báo điện tử VOV: "Biển không phải là cái ao hay bể phốt để xả thải vô tội vạ!"
Ông Hưng cũng nhấn mạnh, trong việc xả nước, súc rửa đường ống này cần xem lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa. Theo ông, việc xả là của Formosa, nhưng xả cái gì ở trong lại cần phải được kiểm soát, dù là nước đã qua xử lý. Trong việc xả nước thải này, Formosa cũng phải có trách nhiệm báo cáo với chính quyền địa phương về thời gian xả thải và việc sục rửa đường ống.
Danh sách 45 loại hóa chất Formosa nhập về để xử lý chất thải, súc rửa đường ống. (Ảnh chụp tài liệu, nguồn Tuổi trẻ)
“Việc báo cáo này là bắt buộc theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Formosa trình. Thế nhưng, đến nay địa phương họ bảo vẫn không nhận được thông báo gì.Chúng ta cần phải hiểu, biển không phải là cái ao hay cái bể phốt để xả thải vô tội vạ. Thứ nữa là, nếu việc xả thải đúng là nguyên nhân làm chết cá thì nước biển ở đây là cực kỳ nguy hiểm. Tôi nghĩ phải có nồng độ độc nhất định nào đó ở trong nước thải lại trùng hợp với hiện tượng cá chết bất thường và lan truyền cả dải bờ biển miền Trung như vậy,” ông Hưng chia sẻ.
Báo điện tử Zing.vn: Formosa từng đổ hàng nghìn tấn chất độc ở Cămpuchia
Theo Phnom Penh Post, quá trình điều tra cho thấy khối chất thải mà Formosa bỏ ở Sihanoukville có nồng độ thủy ngân vượt quá mức giới hạn an toàn đến 20.000 lần. Ngoài ra, các chỉ số về dioxin và chất polychlorinated biphenyls (PCB) cũng đều ở mức nguy hiểm.
Đoàn công tác Campuchia kiểm tra tình hình khu vực Formosa bỏ chất thải ở Sihanoukville. Ảnh tư liệu: BAN
Một số tờ báo cho biết 7 người dân ở Sihanoukville đã thiệt mạng với những lý do bị nghi là có liên quan đến nhiễm độc từ rác thải của Formosa, bao gồm 2 người có triệu chứng nhiễm thủy ngân cấp tính.
Ngoài ra, 4 người chết vì tai nạn giao thông khi trên đường sơ tán khỏi thị trấn.
Đáng chú ý, chủ tịch quốc hội Campuchia, khi đó là Hoàng thân Norodom Ranariddh, nói một số quan chức đã nhận hối lộ khoản tiền đến 3 triệu USD để "bật đèn xanh" cho Formosa đưa chất độc từ Đài Loan vào Campuchia. Formosa đã phủ nhận thông tin này.
Theo BBC, hơn 100 quan chức Campuchia đã bị đình chỉ chức vụ, nhưng chỉ 3 người bị buộc tội gây nguy hại đến tính mạng nhân dân và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tổng giám đốc một công ty nhập khẩu ở Campuchia, 2 đối tác người Đài Loan và phiên dịch viên của họ cũng bị khởi tố.
Báo Tiền Phong: Khuất tất việc xả thải ở Formosa
Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, Sở TN&MT Hà Tĩnh chịu trách nhiệm giám sát việc xả thải của Cty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Tuy nhiên, đại diện Sở này cho biết chưa lắp thiết bị giám sát. Và cứ ba tháng Sở TN&MT mới vào lấy mẫu một lần.
Một góc nhà máy Formosa (ảnh lớn). Ngư dân hoang mang trước việc cá biển chết bất thường (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
Trao đổi với PV Tiền Phong tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với bốn tỉnh ngày 23/4, Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Võ Tuấn Nhân cho biết, giám sát việc xả thải của FHS do Sở TN&MT Hà Tĩnh đảm nhận. Tuy nhiên, đại diện Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết vì điều kiện hạ tầng chưa làm được nên chưa kết nối được với trạm quan trắc tự động mẫu nước của FHS. Như vậy là đã rõ, việc FHS ba tháng đầu năm 2016 nhập về 296 tấn hóa chất sử dụng và xả thải như thế nào chỉ có mỗi đơn vị này biết.
BÌNH LUẬN: Shop Tin đưa những thông tin như vậy để thấy, điều mà lãnh đạo Formosa cần phải làm nếu trung thực là mở toang mọi cánh cửa, mọi tài liệu, mọi góc khuất (nếu có) về quá trình xả thải ở khu vực này để báo chí, các cơ quan chuyên môn có đủ điều kiện để khảo sát, xác tín, chứ không phải chỉ là sự cúi đầu xin lỗi một cách ngoại giao câu nói có vẻ rất ...đúng chứ không sai của ông giám đốc ngoại giao.
Một buổi họp báo để xin lỗi về một câu phát ngôn như là cách xoá bỏ câu nói hôm qua của lanh đạo công ty mình " chọn tôm cá hay chọn nhà máy thép hiện đại" và vẫn tiếp tục úp mở, bịt kín thông tin mà báo chí cần về thông số, giải pháp, quy trình xả thải...thì lời xin lỗi kia vô nghĩa.
2.
CÁ VẪN CHẾT, NGƯỜI ĐÃ CHẾT, NGƯỜI VỪA CẤP CỨU
Báo Người lao động: Thêm 5 thợ lặn ở vùng biển Formosa vào viện
Trong khi đang chờ kết quả giám định pháp y để tìm nguyên nhân cái chết bất thường của một thợ lặn sau khi lặn xuống biển để xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương (Vũng Áng, Hà Tĩnh), thì có thêm 5 thợ lặn khác cũng phải vào viện để kiểm tra sức khỏe, vì có dấu hiệu tương tự.
Cá voi vừa chết bất thường trôi vào biển Thừa Thiên- Huế
Theo Đại tá Sơn, ngoài anh Ngầy thì Cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Trạch cũng đã tiếp nhận được thông tin có thêm 5 trường hợp khác là thợ lặn của Công ty Nibelc cũng có dấu hiệu tương tự. “Hiện 5 thợ lặn này đang được lãnh đạo Công ty Nibelc đưa đi khám sức khoẻ ở Bệnh viện Trung ương Huế. Nghe bảo phải đợi 2 ngày nữa mới có kết quả thông báo. Khi có kết quả chúng tôi mới phối hợp với các ban ngành liên quan điều tra vụ việc”, Đại tá Sơn, cho hay.
Báo Lao Động: Vụ cá biển chết hàng loạt ở miền Trung: Ai là người giám sát việc xả thải ra biển?
Liên quan đến vụ cá biển chết hàng loạt tại một số tỉnh ven biển miền Trung hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân. Trao đổi với Lao Động chiều 25/4, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Khá nói: Các cơ quan chức năng phải sớm làm rõ nguyên nhân và phải xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm.
Bà Trần Thị Khá phát biểu tại Quốc hội (Ảnh: Q.H)
Theo cái thông tin báo chí phản ánh mấy ngày hôm nay về vụ cá chết hàng loạt mấy tỉnh ven biển miền Trung, tôi nghĩ rằng đây là vấn đề này rất bức xúc, cả người dân đánh bắt và cả người tiêu dùng đều bức xúc. Tuy nhiên, đến giờ phút này cũng chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ TN&MT và chính quyền các địa phương sớm tìm ra nguyên nhân để người dân yên tâm sinh hoạt và sản xuất.
Báo Giao thông: Chính thức kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt
Tin mới cập nhật, chiều 25/4, Văn phòng Bộ NN&PTNT có văn bản thông báo Ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại cuộc họp về hiện tượng cá chết bất thường tại ven biển các tỉnh miền Trung vào cuối tuần qua.
Cá chết hàng loạt tại biển miền Trung do độc tố có độc cực mạnh
Nội dung kết luận nêu rõ, qua kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc cực mạnh như: sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác.
Báo Người lao động: Nước biển vùng cá chết bị nhiễm kim loại nặng
Các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Con cá vẩu 35 kg chết trôi vào biển Chân Mây . Ảnh do UBND xã Lộc Vĩnh cung cấp
Hiện Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành khảo sát và lấy 09 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An (gần cửa biển Lăng Cô), huyện Phú Lộc, vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền để phân tích, đánh giá các thông số về môi trường theo Quy chuẩn Việt Nam từ đó tìm hiểu nguyên nhân của sự cố
Báo Lao Động: 40 tấn cá chết vì “trúng độc” đã đi đâu?
Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT, đã có khoảng trên 40 tấn cá, tôm, hải sản các loại chết từ vùng biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Trong đó, Quảng Trị là địa phương có số lượng hải sản chết nhiều nhất (trên 30 tấn). Việc quản lý số lượng hải sản bị chết này được thực hiện như thế nào?
Cá mới chết trôi dạt vào bờ sông Nhật Lệ (TP.Đồng Hới, Quảng Bình)
sáng 25.4. Ảnh: Lê Phi Long
Liệu số cá chết này có bị “đưa lên bàn ăn” bởi những người dân thiếu hiểu biết hoặc… tham lam? Ông Như Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: 40 tấn cá chết chỉ là phép tính chưa đầy đủ, chỉ tính số lượng cá chết và nổi trên mặt nước, dạt vào bờ, chưa tính số cá chết có khả năng đã chìm dưới biển. Như vậy, số lượng cá chết không chỉ dừng lại ở con số 40 tấn. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã giao các tỉnh có cá bị chết hàng loạt thống kê, báo cáo về bộ.
BÌNH LUẬN: Như vậy tới hôm nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng về nguyên nhân cá chết hàng loạt dù các cơ quan chắc năng có đưa ra được một vài tên độc tố gây chết cá, nhưng điều mà dư luận quan tâm các độc tố này xuất phát ở đâu có vẻ như không phải đã không tìm ra mà như là một thông tin chưa được phép...nói?