THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:14

Thiếu nhân lực chất lượng cao ở các khu công nghiệp

Phát triển nguồn nhân lực và nhất là nhân lực trong các KCN đã và đang trở thành một trong những vấn đề hàng đầu mà các doanh nghiệp quan tâm. Tình trạng khan hiếm về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong KCN ngày một gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các KCN cũng như tăng trưởng của các địa phương. Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có những giải pháp để ổn định và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong KCN.

Nhu cầu tuyển dụng LĐ không ngừng tăng 

Thống kê cho thấy tại các KCN, KCX trên cả nước, số LĐ đã qua đào tạo từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm 12%, công nhân kỹ thuật trình độ trung cấp nghề trở lên chiếm 17,2%. Phần lớn LĐ các doanh nghiệp tuyển chọn là LĐ phổ thông, chiếm khoảng 70,8% do các doanh nghiệp FDI hiện nay chủ yếu là gia công, lắp ráp, công nghệ chưa tiên tiến. Hầu hết các doanh nghiệp tuyển công nhân chưa qua đào tạo, sau đó tổ chức đào tạo một số ngày ngay tại dây chuyền sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và tiếp tục vừa làm vừa học tại dây chuyền sản xuất. Mặt khác, kỹ năng làm việc của LĐ đã qua đào tạo cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đa số LĐ có chuyên môn kỹ thuật khi được tuyển dụng đều được doanh nghiệp đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới.

Chất lượng nguồn lực thực sự là yêu cầu cấp thiết hiện nay, khi các KCN trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng LĐ không ngừng tăng. Theo Ban Quản lý các KCX-KCN TP. Hồ Chí Minh (Hepza), với 500 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây, nhu cầu tuyển dụng LĐ trong khu vực này trong năm 2016 là hơn 25.000 người, trong đó nhu cầu tuyển mới phục vụ mở rộng sản xuất là hơn 14.500 người, nhu cầu tuyển để thay thế LĐ nghỉ việc là gần 10.800 người. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều LĐ chủ yếu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử và chủ yếu là LĐ phổ thông.

Còn tại các KCN, KCX Hải Phòng, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của thị trường lao động, nhiều cơ sở dạy nghề “bắt tay” với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các KCN của thành phố, và đây được coi là phương thức nâng cao tay nghề hiệu quả nhất, đáp ứng chất lượng nguồn lực ổn định, đúng chuyên môn theo yêu cầu của từng doanh nghiệp. Tại Hải Phòng, các dự án đầu tư vào các KCN trong thời gian qua đã sử dụng khoảng 45.000LĐ, trong đó đội ngũ quản lý gần 5.500 người, LĐ kỹ thuật gần 8.000 người, còn lại hơn 30.000 LĐ phổ thông chưa qua đào tạo, tỷ lệ của đối tượng LĐ này lên tới trên trên 65% và tỷ lệ LĐ nữ của cả ba đối tượng LĐ có trình độ cao đẳng, đại học, công nhân kỹ thuật và LĐ chưa qua đào tạo cũng rất cao, chiếm tỷ lệ trên 67,4%. 

Trên đây là số liệu về nhu cầu nguồn nhân lực tại thành phố Hải Phòng nhưng theo các chuyên gia, cũng phản ánh nhu cầu chung của các KCN trên cả nước, cho thấy một thực trạng là trình độ khoa học công nghệ của các dự án đã và đang hoạt động trong các KCN Hải Phòng chỉ đạt ở mức độ nhất định.

“Nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vì vậy, việc đảm bảo đủ số lượng, chất lượng LĐ thì việc tạo cơ hội phát triển nguồn nhân lực là việc làm rất quan trọng trong các KCN. Tình trạng căng thẳng về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong KCN ngày một gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các KCN cũng như tăng trưởng của các địa phương. Do đó, Chính phủ cần sớm có những giải pháp để ổn định và thu hút nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong KCN”, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định. 
Biến động LĐ, thay đổi công việc khá lớn

LĐ trong các KCN chủ yếu từ khu vực nông thôn hoặc các tỉnh lân cận di chuyển đến. Lực lượng LĐ này bao gồm những thanh niên nông thôn chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, ý thức nghề nghiệp còn yếu, tính tùy tiện, vi phạm kỷ luật LĐ lại rất cao. Do đó, sự biến động LĐ (vào-ra) của các doanh nghiệp KCN chủ yếu là do LĐ tự ý bỏ việc, chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ KCN này sang KCN khác. Tỷ lệ biến động LĐ của các doanh nghiệp từ 15% đến 20%, đặc biệt là các doanh nghiệp tập trung đông LĐ phổ thông như Cty TNHH Yazaki Hải Phòng-Việt Nam; Cty TNHH Tohoku Pioneer Việt Nam…

Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN, KCX Hà Nội, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và nguồn nhân lực cho KCN Hà Nội nói riêng cần hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo những ngành nghề có nhu cầu cao và cấp thiết. Cũng theo ông Hùng, hiện tại số LĐ làm việc tại các KCN của Hà Nội là trên 14 vạn người, trong đó 15,35% số lao động có trình độ Đại học và Cao đẳng; 11,20% LĐ có trình độ Trung cấp nghề, còn lại hơn 73% là LĐ phổ thông không qua đào tạo. LĐ chuyên môn có trình độ kỹ thuật cao tập trung chủ yếu tại khu vực đô thị, quận nội thành và tại một số KCN như: Nội Bài, Thăng Long, Sài Đồng B, Quang Minh I… 

Theo quy hoạch dự kiến của Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, toàn Thành phố sẽ có 33 KCN, KCNC đi vào hoạt động. Bình quân, mỗi năm các KCN của Hà Nội giải quyết việc làm cho 7.000 - 10.000 LĐ, trong đó sẽ cần đến một số lượng lớn LĐ có trình độ, trong khi hiện nay một số doanh nghiệp FDI trong KCN còn tình trạng thiếu LĐ. Đấy là chưa kể sự biến động LĐ do người LĐ thường xuyên dịch chuyển công việc như đã nói trên.

Do đó, theo ông Hùng, để thu hút phát triển nguồn nhân lực ổn định cho các KCN, KCNC trong cả nước, cần tập trung vào những giải pháp sau: Hoàn thiện hệ thống chính sách và công cụ khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực; thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đào tạo chất lượng cao; Đổi mới công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; Về chính sách tài chính và sử dụng ngân sách cho phát triển nhân lực, nên ưu tiên đầu tư ngân sách cho phát triển nhân lực; Thực hiện tốt các chế độ bảo hiểm, bảo trợ xã hội; thành lập Quỹ cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; xây dựng kế hoạch, đề án dạy nghề theo đặt hàng…

Nguyễn Thanh / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh