Thiếu không gian cho trẻ vui chơi an toàn
- Y học 360
- 06:28 - 21/05/2022
Sau khi cô giáo gửi tin nhắn thông báo tới phụ huynh về thời gian bế giảng năm học vào giữa tuần tới (27/5), chị Mai Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo lắng: "Nơi tôi ở không có bất cứ khu vui chơi nào cho trẻ em. Có lẽ như mọi năm, tôi sẽ gửi con về ông bà ở quê một thời gian, chờ đến khi học hè thì đón về. Để con ở nhà một mình, vợ chồng tôi không yên tâm, hơn nữa bé sẽ lại dán mắt vào tivi, máy tính và chơi game”.
Có con gái đang học lớp 1, chị Thu Phương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, vừa đăng ký cho con lớp học bơi trong 2 tuần với giá hơn 2 triệu đồng để học luôn khi vào hè, bên cạnh đó sẽ tìm thêm các lớp kỹ năng sống.
“Cực chẳng đã mới phải cho con đi học để có nơi gửi, thay vì để con ở nhà một mình. Bởi suốt thời gian dịch bệnh con ở nhà nhiều, suốt ngày xem tivi, điện thoại nên giờ phải tìm cách… cai nghiện cho con”, chị Phương chia sẻ.
Cùng có ý định cho con tham gia các khóa trại hè, chị Nguyễn Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) lại đắn đo vì mức phí bỏ ra khá đắt, trung bình mỗi khóa học kỹ năng là 5,8 triệu đồng/học viên, trong khi nhà chị có hai con theo học.
Đau đầu về việc quản lý con mỗi khi hè tới, anh Thanh Sơn (Hà Nội) chia sẻ: Các sân chơi miễn phí cho thiếu nhi dịp hè gần như không có. Khu dân cư có tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu nhưng các hoạt động vẫn chưa phong phú, dập khuôn máy móc dẫn đến nhàm chán. Tôi đã tham khảo một số khóa trại hè nhưng mức phí khá mắc so với thu nhập của gia đình. Các khóa trại hè cũng chỉ tổ chức trong vài tuần hoặc 1 tháng. Còn lại 2 tháng hè, gia đình lại phải gửi con vào các lớp học thêm có bán trú.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh trên địa bàn Hà Nội, hiện nay, điểm vui chơi, sinh hoạt hè hay một không gian mở dành cho sinh hoạt cộng đồng rất thiếu, môi trường và không gian dành riêng cho trẻ em lại càng thiếu. Không gian cho các em chơi, sinh hoạt không phải phường, quận nào cũng có, trong khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con tham gia các lớp học hoặc đi trại hè…
Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình và quan hệ đối tác, Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, chính quyền địa phương tại Hà Nội đã cùng với người dân nỗ lực tìm cách để có thêm nhiều sân chơi ngoài trời cho trẻ em nhưng không đơn giản. Nhiều sân chơi bị người lớn chiếm dụng nên trẻ em không thể tiếp cận; bị hàng quán lấn chiếm; không đảm bảo an toàn cho các em như thiếu ánh sáng, quá gần đường giao thông mà không có rào chắn; xa khu dân cư, dẫn đến nguy cơ trẻ bị quấy rối, bắt nạt, bị xâm hại; thiết kế của sân chơi không phù hợp và chưa đáp ứng cho các em ở các độ tuổi; không bố trí thùng rác và nhà vệ sinh...
Đặc biệt, nhiều sân chơi không đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhóm yếu thế như: Trẻ em gái, trẻ em khuyết tật; chưa tính đến phương án bảo đảm thân thiện để cả trẻ trai, trẻ gái có thể cùng sử dụng. Bà Lan cho rằng, thực tế ở các sân chơi cho thấy, người lớn và các em trai chiếm phần nhiều, trẻ em gái muốn chơi nhưng ngại ngần bởi có rất ít chỗ chơi phù hợp…
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho trẻ em còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.
Ông Lê Quang Đại, Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội thông tin, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh dịp hè với hơn 70 câu lạc bộ, với mức phí từ 50.000 - 100.000 đồng/buổi. Các lớp dạy đàn 1 giáo viên - 1 học sinh có mức phí 200.000 đồng/buổi.