CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:25

Thiếu đường khó thành đô thị đặc biệt

 

Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia ngày 18/9 cùng UBND TP HCM và nhiều đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Hội nghị Quốc tế về ATGT khu vực Đông Á (EASTS) lần thứ 12. Vấn đề về thực trạng, giải pháp trong việc phát triển hệ thống giao thông vận tải (GTVT) đã được các chuyên gia, nhà quản lý mổ xẻ.

Hạ tầng cản lối đi lên

Tại phiên khai mạc hội nghị, nhiều chuyên gia và các nhà quản lý đánh giá thực trạng GTVT ở Việt Nam còn tồn tại một điểm nghẽn, đó là sự hạn chế của kết cấu hạ tầng. TP HCM là nơi dễ thấy nhất, bởi dù là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng vẫn bị kìm hãm rất lớn do cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm thẳng thắn nhìn nhận thực trạng trên và đánh giá TP không thể trở thành đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ,... nếu không có hệ thống hạ tầng hoàn thiện. Theo đó, TP đã phải đối mặt nhiều thách thức lớn, trong đó có ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT)... Một trong nhiều giải pháp để từng bước cải thiện những vấn đề này, phó chủ tịch UBND TP cho biết thời gian qua, các sở - ngành đã thường xuyên phối hợp với Ủy ban ATGT quốc gia xây dựng các chương trình chuyên đề, tập trung vào 4 chủ đề chính: Quản lý nhu cầu giao thông cá nhân; phát triển hệ thống giao thông thông minh; nâng cao ATGT đường bộ và đổi mới phát triển hệ thống giao thông công cộng. Những giải pháp trên, theo ông Liêm, TP đã lựa chọn chi tiết, phù hợp với nhu cầu thực tế nên rất cần được nhận thêm sự tư vấn, chia sẻ từ các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế thông qua hội nghị này.

 

Hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện khiến ùn tắc tại TP HCM ngày càng trở nên nghiêm trọng Ảnh: GIA MINH.


Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong 3 khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Việt Nam. Trong đó, kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Dù vậy, theo ông Đông, lĩnh vực GTVT trong nước còn gặp nhiều thách thức và kết cấu hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn rất lớn, làm hạn chế sự phát triển. Cụ thể như nhu cầu đầu tư lớn nhưng huy động nguồn lực khó, đầu tư chưa cân đối giữa các lĩnh vực, chi phí xây dựng lớn; quy hoạch xây dựng, sử dụng đất và quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, làm phát sinh nhu cầu đi lại cao hơn năng lực của hạ tầng giao thông...

Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng ở TP HCM mạng lưới vận tải hành khách công cộng (HKCC) còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm là vai trò chủ đạo. Trong khi đó, lượng xe cá nhân lại tăng không ngừng, khiến tình hình ùn tắc và TNGT ngày càng trở nên trầm trọng. Vì vậy, những giải pháp quản lý phương tiện cá nhân, lộ trình áp dụng và song song đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng, giảm thiểu TNGT,… ở TP HCM nói riêng rất cần được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế.

Hạ tầng thiếu, cao ốc vẫn dày đặc

Tại phiên thảo luận với chủ đề "Quản lý phương tiện cơ giới cá nhân: Kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng vào Việt Nam", chuyên gia giao thông Lâm Thiếu Quân thẳng thắn đặt vấn đề với riêng TP HCM, mô hình đô thị nén có phù hợp hay không. Ông Quân dẫn chứng một số tuyến đường tại TP như Phổ Quang (quận Tân Bình), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)... hàng loạt công trình cao ốc đang mọc lên, trong khi hệ thống hạ tầng đã quá tải, giao thông công cộng lại chưa thể đáp ứng. Ông Quân cũng đặt thêm câu hỏi ở một số TP lớn như Seul (Hàn Quốc) có thu phí chống ùn tắc hay không và việc tăng phí sử dụng phương tiện thì ảnh hưởng như thế nào đến việc người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang các loại hình vận tải HKCC.

Ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải đường bộ Sở GTVT TP, thừa nhận việc xây dựng các chung cư cao tầng đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông và khiến nhiều tuyến đường trở nên quá tải. Theo ông Đức, TP quy hoạch theo định hướng xung quanh các đầu mối giao thông như nhà ga, trạm xe buýt, chung cư,... đều gắn với vận tải HKCC. Tuy nhiên, nếu xây dựng đô thị nén quá nhiều sẽ dẫn đến số lượng người, phương tiện, nhu cầu đi lại... tăng thêm và càng khó giải quyết bài toán ùn tắc. Ông Đức đánh giá nhiều khu vực tại TP HCM, hạ tầng giao thông đang trở thành "nạn nhân" của việc quy hoạch kiến trúc, không gian đô thị chưa phù hợp. Và vấn đề đặt ra, ông Đức cho rằng cần có giải pháp, phương án khả thi trong quy hoạch và cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hiện hữu. Riêng TP HCM, nhất thiết phải hạn chế lượng xe cá nhân, song song là phát triển vận tải HKCC thì mới mong có đường cho xe chạy.

Ông Surya Rajacharya (Nepal) cho biết ở nhiều nước trên thế giới, chi phí sử dụng xe hơi bằng 200% so với sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo đó, chi phí đỗ, gửi xe, nhiên liệu, phí cầu đường... sẽ trở thành gánh nặng của chủ xe chứ không phải số tiền ban đầu bỏ ra sở hữu. Chuyên gia này cho rằng việc tập trung tăng phí vận hành của loại phương tiện này là một giải pháp hiệu quả giúp hạn chế xe cá nhân. Còn ông Sungwon Lee (Viện Giao thông Vận tải Hàn Quốc), cho rằng TP HCM phải tính toán lại việc quy hoạch đô thị với quy hoạch giao thông, nhất là phát triển các khu đô thị, TP mới ở khu vực cửa ngõ.

 

Gắn giao thông với biến đổi khí hậu

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường - Bộ GTVT, cho rằng cần phải lồng ghép bản đồ ngập lụt của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào bản đồ giao thông để nhận diện vị trí dễ bị sụt lún, khảo sát đánh giá các vị trí sạt lở, từ đó đưa ra giải pháp thích ứng. Việc này cũng giúp quá trình phát triển dự án, xây dựng kết cấu hạ tầng có giải pháp linh hoạt hơn. Ngoài ra, nhà nước cần kết hợp hệ thống dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn với các dự án giao thông để đưa ra cảnh báo sớm...



CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh