THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:47

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do bão số 5

Ngày 3/11, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định đã ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở kè biển xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn). Lý do bão số 5 vào đêm 30 đến rạng sáng 31/10 đã làm sạt lở hoàn toàn hơn 100m kè biển và làm sập 14 căn nhà ở xã Nhơn Hải, nguy cơ gây hư hỏng thêm 1,1km kè khác và uy hiếp hàng trăm hộ dân sống dọc kè.

Sau khi xảy ra sự việc, Chủ tịch tỉnh đã thị sát hiện trường, yêu cầu địa phương sớm khắc phục hệ thống nước uống cho người dân và khôi phục hệ thống điện; yêu cầu Ban Quản lý dự án Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đầu tư sửa chữa ngay đoạn kè; hỗ trợ người dân bị thiệt hại theo quy định.

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng do bão số 5 - Ảnh 1.

Một đoạn kè biển bị sóng đánh vỡ tại Quy Nhơn.

Ông Lê Công Trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Hải cho biết, dọc tuyến kè có khoảng 91 hộ nằm trong vùng nguy hiểm. Các hộ đã được đưa vào diện di dời và cấp đất ở Khu tái định cư vùng thiên tai Nhơn Hải. Tuy nhiên, qua vận động mới có 47 hộ rời đi.

Sau đợt mưa bão này, xã sẽ tiếp tục vận động các hộ này rời đi để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. “Từ khi xảy ra thiệt hại, địa phương đã cơ bản san lấp xong những đoạn bị sập, giờ chờ tỉnh đầu tư để xây dựng hoàn thiện. Hiện khu vực vẫn chưa có điện, nước đã có lại phục vụ người dân”, ông Trình cho hay.

Cũng tại Bình Định, hôm qua (3/11), ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Dũng (huyện An Lão, Bình Định) cho biết, sau khi hai nhịp cầu An Liên bắc qua sông Dinh bị nước lũ cuốn trôi hôm 31/10, việc đi lại của người dân gặp rất nhiều cách trở, nguy hiểm.

Cầu An Liên bắc qua sông Dinh dài khoảng 100m, rộng 4m, có 3 nhịp, xây cách đây hơn 20 năm là tuyến giao thông huyết mạch nối xã An Dũng, An Vinh về trung tâm huyện An Lão. Để có thể đi lại, một số người dân liều mình ghép tạm những cây cau để làm cầu tạm vượt sông.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Lão, cho hay Sở Giao thông vận tải đã đồng ý hỗ trợ huyện một số dầm sắt chữ Y làm cầu tạm để xe đạp, xe máy qua lại nhưng tạm thời vẫn chưa thực hiện được do nước sông Dinh dâng cao.

“Hiện 1.200 hộ dân hai xã An Dũng và An Vinh bị cô lập. Hai ngày qua người dân đã ghép cây cau gác lên các nhịp đã gãy để đi bộ qua sông. Đây là con đường độc đạo về trung tâm huyện, biết là nguy hiểm nhưng nhu cầu đi lại của bà con rất lớn nên không còn cách nào khác”, ông Nam nói.

Tại Phú Yên, bão cũng làm hơn 70 xã mất điện. Lãnh đạo tỉnh cho hay sự cố này cơ bản đã khắc phục xong. Tỉnh cũng có 14 nhà bị sập hoàn toàn, gần 20 nhà hư hại một phần.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai, trước khi bão xảy ra, cơ quan chuyên môn đã nhắn tin cảnh báo bão đến hơn 7 triệu máy cá nhân tại các địa bàn dự báo bị ảnh hưởng. Các tỉnh đã chủ động ứng phó, sơ tán khoảng 20 ngàn người. Một số tỉnh cấm biển, cho học sinh nghỉ học.

Theo Minh Hằng/Báo Pháp Luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh