THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:28

Thiêng liêng, tự hào dưới lá cờ Tổ quốc

Đội tiêu binh gồm 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Đội tiêu binh gồm 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình

Ý tưởng về nghi lễ “Thắp sáng Quốc kỳ trên Quảng trường lịch sử” do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất và được Chính phủ phê duyệt đúng dịp kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Bác Hồ. Đã  21 năm qua, kể từ ngày 19/5/2001, Lễ thượng cờ, hạ cờ tại Quảng trường Ba Đình trước Lăng Bác đã trở thành nghi lễ cấp quốc gia được thực hiện đều đặn và trang trọng.

Cứ đúng 6 giờ sáng mùa hè và 6 giờ 30 phút sáng mùa đông, Đoàn 275 của Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại thực hiện nghi lễ thượng cờ để bắt đầu một ngày mới trên dải đất hình chữ S. Nghi lễ thiêng liêng này từ lâu đã trở thành khoảnh khắc xúc động mà nhiều người dân Thủ đô và du khách thường đón đợi để được chứng kiến không chỉ một mà nhiều lần. Đặc biệt là vào những ngày lễ lớn của đất nước như: Quốc khánh 2/9, Ngày sinh nhật Bác 19/5... hình ảnh thường thấy là nhiều người dân quần áo chỉnh tề tập trung xung quanh Quảng trường Ba Đình để được xem nghi lễ thượng cờ trang nghiêm gợi lên bao cảm xúc đặc biệt của tình non nước.

 3 chiến sĩ của Đội hồng kỳ nghiêm trang bước lên bục để chuẩn bị thực hiện các nghi thức chính.

3 chiến sĩ của Đội hồng kỳ nghiêm trang bước lên bục để chuẩn bị thực hiện các nghi thức chính.

Nghi lễ sẽ bắt đầu từ khoảng 5 giờ 55 phút sáng khi đoàn thượng cờ khởi hành từ phía sau Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn đầu đoàn là quân kỳ Quyết thắng. Theo sau đội tiêu binh gồm 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, đoàn thượng cờ sẽ di chuyển đến chân cột cờ, chuẩn bị thực hiện nghi lễ.

Khi ba chiến sĩ đội hồng kỳ nghiêm trang bước lên bục, Lăng Chủ tịch cũng bắt đầu mở cửa, dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nổi bật bên trong. Ngay sau hiệu lệnh chào cờ, tiếng Quốc ca Việt Nam vang lên hào hùng và lá cờ được chiến sĩ đội Hồng kỳ dần thả ra. Lá cờ được kéo lên từ từ cho tới khi bài Quốc ca kết thúc cũng là lúc lá cờ được kéo lên cao nhất trên cột cờ cao 29m, tung bay trước hừng đông bên Lăng Bác Hồ. Trong giây phút thiêng liêng thượng cờ, người dân trên khu vực Quảng trường Ba Đình được đề nghị dừng mọi hoạt động, đứng tại chỗ, hướng về phía cột cờ để nghi lễ được thực hiện trang trọng. Sau lễ thượng cờ, đội tiêu binh diễu hành một vòng trước cửa Lăng Bác rồi trở về vị trí cũ, kết thúc nghi lễ thượng cờ. 21 giờ hằng ngày, nghi lễ hạ cờ lại được Đội tiêu binh thực hiện tương tự như lễ thượng cờ.

Là người dân Thủ đô thường xuyên được chứng kiến nghi thức thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình nhưng cảm xúc của bác Nguyễn Văn Học ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình vẫn giữ nguyên như ngày đầu. Bác Học kể: Ngày trước còn bận đi làm nên chỉ dịp đặc biệt bác và gia đình mới có thể vào Lăng viếng Bác. Nhưng từ khi về hưu, có nhiều thời gian hơn, sáng nào bác cũng ra Quảng trường Ba Đình đi bộ tập thể dục và dự lễ chào cờ tại đây. “Đúng 6 giờ sáng, sau tiếng nhạc lệnh, khẩu lệnh “Chào cờ…. chào” vang lên, lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên cùng với nhạc và lời bài Quốc ca. Thời điểm nghi lễ chào cờ được tiến hành, cả Quảng trường im phăng phắc, thời gian như ngừng trôi, không gian như lắng lại. Trong giây phút thiêng liêng, tất cả mọi người có mặt tại Quảng trường Ba Đình đều nghiêm trang nhìn về phía lá cờ Tổ quốc đang được kéo lên với tấm lòng thành kính hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là hình ảnh ấn tượng sâu sắc, khơi gợi niềm tự hào dân tộc đối với mỗi người dân Việt Nam khi được tham gia nghi lễ thiêng liêng này”, bác Học chia sẻ.

Đúng 6 giờ, khi Quốc ca vang lên, người lính tung cờ và lá Quốc kỳ được kéo lên cột cờ cao 29m.

Đúng 6 giờ, khi Quốc ca vang lên, người lính tung cờ và lá Quốc kỳ được kéo lên cột cờ cao 29m.

Là người con của Hà Nội nhưng sau khi kết hôn, anh Trần Hà vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống và công tác. Lần này, anh ra Hà Nội đã đưa gia đình vào Lăng viếng Bác. “Ngày xưa, mỗi khi được bố mẹ đưa vào Lăng viếng Bác là cả nhà đều dậy rất sớm để là những người đầu tiên được vào Lăng. Cũng lâu lắm rồi mới quay trở lại Hà Nội, nên cả nhà quyết định đến Lăng Bác để dự lễ chào cờ. Ai cũng háo hức, mong đến 6 giờ sáng. Lăng Bác với hình ảnh Bác Hồ kính yêu chính là trái tim của Thủ đô Hà Nội. Hãy một lần đến với Lăng Bác vào một buổi sáng sớm, tham dự lễ thượng cờ… bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp rất khác của Hà Nội. Và chắc chắn rằng bạn sẽ thêm yêu và muốn gắn bó hơn với Hà Nội”, anh Trần Hà chia sẻ.

Thiêng liêng lá cờ tung bay nơi địa đầu Tổ quốc

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng thuộc huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Cột cờ Lũng Cú là cột cờ Quốc gia, nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng 1.470m so với mực nước biển. Cột cờ Lũng Cú thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang), nơi Đài vọng cảnh cực Bắc Việt Nam, cách cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3km theo đường thẳng. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 2 ao nước hai bên núi quanh năm không bao giờ cạn. Nước ở đây được gọi là nước mắt rồng, là nguồn nước cho người dân sử dụng.

Có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo, cột cờ mới hình bát giác có độ cao trên 30m được khánh thành ngày 25/9/2010. Được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt, ban đầu cột cờ chỉ làm bằng cây sa mộc. Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc năm 1887. Những năm sau đó như năm 1992, 2000, cột cờ tiếp tục được trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m. Cột cờ được xây dựng hình bát giác, có chiều cao 33,15m, xung quanh thân cột gắn hình 8 mặt trống đồng Ðông Sơn, dưới chân cột cờ là 8 tấm phù điêu minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước. Bước qua 839 bậc đá, đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt thấy cả một vùng giang sơn cẩm tú của Việt Nam. Ngước nhìn lên, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam đang tung bay trong gió - biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nghi lễ chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang.

Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH thực hiện nghi lễ chào cờ tại Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang.

Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Cú tự hào: “Rất vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội và tỉnh Hà Giang giao cho nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn Cột cờ quốc gia Lũng Cú. Đây là vị trí, là điểm du lịch có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn. Chính vì vậy, đơn vị luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Trung tá Nhiệm cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú chính là đảm bảo lá cờ Tổ quốc thiêng liêng luôn tung bay 24/24 giờ trên cột cờ quốc gia Lũng Cú ở đỉnh núi Rồng.  Không có kỳ hạn nào, bất kể thời điểm, thời tiết, hễ quan sát thấy cờ bị bạc màu hay bị rách do gió to mưa lớn là các chiến sĩ lập tức thay lá cờ mới, mưa lớn cũng mặc áo mưa mà thay cờ để đảm bảo hình ảnh Quốc kỳ luôn được trang trọng nhất ở nơi cả nước luôn hướng về đầy yêu thương.

Lễ chào cờ dưới cột cờ Lũng Cú vào những ngày lễ trọng đại của đất nước, dù thường kỳ đến hẹn lại làm nhưng Trung tá Nhiệm và các chiến sĩ ở đây mỗi lần thực hiện nghi lễ lại như dày thêm niềm cảm động trong trái tim người lính. "Hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay dù ở đâu giữa "trời của ta, đất của ta" cũng đều khiến mỗi người dân Việt Nam lại nghèn nghẹn nơi trái tim, nhưng với người lính thì niềm xúc động tưởng như càng thấm thía hơn, đặc biệt là với những người lính làm nhiệm vụ canh giữ, bảo đảm an ninh cho cột cờ nơi biên giới. Tuổi trẻ của chúng tôi, hoài bão, lý tưởng của chúng tôi gửi vào lá cờ thiêng liêng ấy và cũng nhờ lá cờ ấy mà chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh", Đồn trưởng Đồn Biên phòng trải lòng.

Lần đầu được đặt chân đến Hà Giang - mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, dưới lá cờ Tổ quốc ở cột cờ Lũng Cú, anh Nguyễn Văn Xuân (du khách đến từ Vũng Tàu) rưng rưng xúc động: “Đây là Tổ quốc Việt Nam nơi địa đầu biên giới. Đứng giữa trời đất bao la, lần đầu tiên tôi được giang tay ôm lá cờ Tổ quốc và hôn lên hình ảnh sao vàng năm cánh giữa mây trời vời vợi. Tự hào hơn khi được là người dân đất Việt và càng thêm trân trọng những giá trị truyền thống, những hy sinh của thế hệ cha anh để có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay”.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh