Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam
- Y học 360
- 13:18 - 01/08/2015
Tháp trống được làm bằng gỗ lim, trống đặt trên giá gỗ được chạm trổ thật công phu, tinh xảo.
Du khách khi đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng trước dáng vẻ độc đáo của ngôi chánh điện, nhà thờ Tổ được xây dựng theo kiến trúc văn hóa Lý – Trần, lợp ngói tám mái theo theo phong cách nhà Trần, Tổ điện lợp ngói bốn mái theo phong cách triều Lý; tháp chuông, tháp trống được xây dựng theo tháp chuông chùa Keo (ở Thái Bình). Đặc biệt, 4 hạng mục trên được làm bằng gỗ lim, khoảng 1.000 m3 được nhập từ Nam Phi. Ngoài ra còn có nhà tổ, bảo tháp chín tầng, hội trường đáp ứng nhu cầu giảng đạo, tu học cho khoảng 500 tăng sinh.
Cổng chính Thiền viện là những vòm mái vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, cửa làm bằng gỗ quí sơn màu nâu bóng loáng. Hai bên cổng đặt 2 bức tượng cao thếp vàng: bên trái là tượng Vi Đà Hộ Pháp (Ông Thiện) với tâm nguyện của ngài là bảo vệ ngôi Tam Bảo; bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Ác, dân gian còn gọi là Ông Tiêu), là vị Bồ Tát chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh.
Bên trong chính điện có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mạ vàng.
Phía trong cổng là sân gạch rộng rãi, thoáng đãng. Khuôn viên được bài trí cân đối như: Quan Âm điện, Di Lặc điện (Thủy tạ), Chùa Một Cột, Giảng đường, Khách đường, Trai đường, Thư viện, phòng Đông y Nam dược…Bên phải là nhà thủy tạ nằm trên mặt hồ tròn vành vạnh gợn sóng lăn tăn, với những bông hoa súng khoe sắc tươi thắm dưới ánh mặt trời. Dẫn vào nhà thủy tạ là một cây cầu sơn màu đỏ, bên trong có bức tượng Phật Di Lặc bằng gỗ quí (màu nâu), với nét mặt vô ưu. Phía bên trái cũng là nhà thủy tạ, với lối kiến trúc giống nhau, duy chỉ khác có bức tượng thờ Phật Bà Quán Âm bằng đá trắng (cao 2 mét) được đặt trang trọng bên trong với vẻ mặt bao dung, thánh thiện như soi rọi hết mọi đau khổ của chúng sinh và sẵn sàng ra tay “từ bi” cứu độ.
Tiếp tục đi bộ trên khoảng sân gạch khá dài và rộng, du khách sẽ đến sân nơi chính điện. Phía bên phải là tháp chuông với mái cong cao vút, bên trong là đại hồng chung (chuông đồng) nặng 1,5 tấn, còn bóng loáng. Bên trái là tháp trống cũng cùng lối kiến trúc như tháp chuông, trong đó trống đặt trên giá gỗ được chạm trổ thật công phu, tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao. Hai công trình nghệ thuật này mô phỏng theo lối kiến trúc tháp chuông Chùa Keo (tỉnh Thái Bình). Kế bên Tháp trống là mô hình Chùa Một Cột thu gọn.
Khi đã chiêm quan thỏa thích những tuyệt tác nghệ thuật bên ngoài nơi Thiền viện. Bên trong chính điện (còn gọi là Đại Hùng Bửu Điện) để chiêm bái, đập vào mắt du khách trước hết là toàn bộ khu chính điện thật thâm nghiêm, cổ kính, nền lót gạch tàu màu đỏ thoáng mát. Chính điện được xây dựng bằng 44 cột gỗ lim to (cỡ vòng tay ôm người lớn) được bào nhẵn và phủ sơn bóng loáng. Tất cả các cột đều được đặt trang trọng trên những tấm tán bằng đá xám vân mây, chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Giữa chính điện là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng mạ vàng, cao khoảng 2 mét (nặng 3,5 tấn) tĩnh tọa nơi tòa sen bóng loáng uy nghi. Phía phải chính điện là bệ thờ: tượng Bồ Tát Văn Thù, Đức Chúa Ông. Phía trái là bệ thờ tượng: Bồ Tát Phổ Hiền, Đức Thánh Hiền tất cả đều làm bằng gỗ thủy tùng (gỗ Du Sam 800 năm), chạm trổ thật tinh vi khéo léo. Và trên mỗi cột có những câu liễn đối (bằng tiếng Việt trên nền vàng chữ đen) toát lên sự trang nghiêm, khiến du khách khi đặt chân vào đây lòng cảm thấy lâng lâng, thanh tịnh...
Tháp chuông được làm bằng gỗ lim, bên trong là đại hồng chung (chuông đồng) nặng 1,5 tấn.
Theo Đại đức Thích Bình Tâm, Trụ trì Thiền viện cho biết: Thiền viện theo phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông – vị vua đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Mông – Nguyên xâm lược. Khi đất nước thái bình, vua nhường ngôi và đến nơi non cao Yên Tử để tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo nên hạt nhân tinh thần cho sự thống nhất tư tưởng, cố kết lòng dân.
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam khởi công xây dựng vào ngày 16/7/2013 (19/6 Quý Tỵ) và hoàn thành sau 10 tháng thi công. Thiền viện được Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đề xuất xây dựng, cũng là trưởng ban vận động đóng góp xây dựng Thiền viện. Đặc biệt một số tượng phật của chùa được các lãnh đạo cấp cao cung tiến: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cung tiến tượng Phật Thích Ca chất liệu ngọc bích Myanma (do nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường – Chủ Công ty Thần Châu Ngọc Việt chế tác); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cung tiến tượng Bồ tát Quán Thế Âm chất liệu ngọc bích Myanma. Ngoài ra các vị quan chức cấp Trung ương Đảng, Nhà nước, đồng bào phật tử thập phương hiến tặng các phẩm vật đến thiền viện nhằm tỏ lòng tôn kính Phật hoàng Trần Nhân Tông, người khai sáng thiền phái Trúc Lâm cùng chư vị Minh quân Thánh triết Hộ Quốc An Dân qua các thời đại.
Chùa Một Cột cũng xuất hiện trong khuôn viên Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam.
Từ nay, trên mảnh đất Tây đô xinh đẹp, có thêm một cơ sở Phật giáo đậm nét Thiền phái Việt Nam trong lòng dân chúng đồng bằng sông Cửu Long, sẽ tạo thêm sức sống mới trong sinh hoạt Phật giáo và lễ hội Tâm linh, tín ngưỡng văn hóa của dân tộc oai hùng, luôn luôn chiến đấu và chiến thắng dựa vào lòng dân, tinh thần đoàn kết hòa hợp của Phật giáo từ xưa đến nay, càng thêm có cơ sở củng cố và không ngừng phát triển ở tầm cao mới.