THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:26

Thiên tai và nhân tai

Trước đó cũng đã liên tiếp xảy ra các vụ lở đất trong cơn "đại hồng thủy" ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, khiến hàng chục người chết.

Bàn về nguyên nhân của lở đất, nhiều ý kiến cho rằng đó là hậu quả của nạn tàn phá thiên nhiên, cụ thể là phá rừng để làm các công trình hạ tầng, làm thủy điện. Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng chuyện thiên tai, lũ lụt hay lở đất là… chuyện của trời chứ không hẳn là "nhân tai" và dẫn chứng hồi năm 1979, chưa có các thủy điện nhỏ, cũng chưa có nạn phá rừng, miền Trung vẫn phải hứng chịu một trận lụt "lịch sử" với mức nước dâng rất cao, thiệt hại cũng rất nặng nề.

Thiên tai và nhân tai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đặc điểm địa hình và khí hậu khiến vùng duyên hải miền Trung luôn phải hứng chịu những trận lụt từ xa xưa. Những người cao niên ở đây cho biết, từ thuở nhỏ họ đã được cha mẹ, ông bà truyền dạy những "bài học" về sống chung với lụt lội. Cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lụt được coi như một "đặc sản" của miền Trung, không hẳn là một thiên tai, mà với ĐBSCL những trận lụt có năm cao, năm thấp, chủ yếu diễn ra một cách "hòa bình", nước dâng mang theo phù sa cho ruộng đồng cùng nhiều sản vật đặc sắc, sau vài ngày nước rút.

Còn những năm gần đây, dường như không còn những trận lụt "hiền hòa" như vậy nữa, mà thay vào đó là những trận lũ ống, lũ quét với sức công phá kinh hoàng. Kèm theo đó là những vụ lở đất vùi lấp nhà cửa, làng mạc, con người cũng không thể chạy thoát. Xét về bản chất, những cơn lũ dữ hiện nay không hề giống với những trận lụt theo mùa trước kia. Những trận lũ và lở đất ngày nay thể hiện cơn cuồng nộ của thiên nhiên, là hậu quả của việc thiên nhiên bị tàn phá đến cùng kiệt!

Rừng nguyên sinh bị triệt hạ không thương tiếc, khiến cho các triền núi cao không còn khả năng giữ nước khi xảy ra các cơn mưa lớn. Cũng vì rừng bị tàn phá, nên đất đá trên các triền núi không còn độ kết dính, là nguyên nhân dẫn tới liên tiếp các vụ lở đất kinh hoàng. Vì những mối lợi kinh tế trước mắt mà người ta đã khiến cho cuộc sống của cả cộng đồng cư dân hàng chục triệu người sống ở ven các triền núi và vùng hạ du trở nên bất ổn, thiếu an toàn.

Vì thế, không thể nói là các thủy điện hay nhiều công trình hạ tầng được xây dựng một cách bừa bãi, thiếu nghiên cứu và quy hoạch một cách khoa học trong suốt những năm qua, là vô can trước những thiệt hại to lớn mà người dân miền Trung đang phải gánh chịu hiện nay!

Trước tình thế cấp bách, có những ý kiến đề xuất việc trồng lại rừng thay thế cho rừng nguyên sinh đã bị phá. Thật ra, việc này là cần thiết nhưng cũng chỉ giải quyết được "phần ngọn" của vấn đề. Bởi rừng trồng, với các cây non cần phải có một thời gian rất dài - có thể mất vài trăm năm, mới có thể thay thế rừng nguyên sinh. Vấn đề đặt ra là cần phải có những nghiên cứu khoa học, kỹ lưỡng để quy hoạch lại địa bàn làm ăn, sinh sống của người dân để đảm bảo an toàn cho họ trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Nếu không hành động kịp thời thì người dân ở đây sẽ còn phải tiếp tục chịu nhiều thiệt hại do thiên tai và nhân tai!

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh