THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:28

Thiên tai làm 4 người chết, gây thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng tại Thừa Thiên Huế

Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Thiên tai gây nhiều thiệt hại tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 9 tháng năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chịu ảnh hưởng của 15 đợt không khí lạnh, gây ra các đợt rét; vùng núi A Lưới đêm và sáng có rét đậm, rét hại; có 16 đợt nắng nóng diện rộng.

Tổng lượng mưa trong 9 tháng năm 2022 ở vùng đồng bằng và thành phố Huế là 1.379mm, A Lưới 2.756mm và Nam Đông 2.405mm; đã xảy ra 4 đợt mưa lớn diện rộng, 2 đợt mưa lớn cục bộ. Lượng mưa trong 9 tháng cao hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và so với cùng kỳ, vượt từ 100 - 200% so với trung bình nhiều năm. 

Đáng chú ý là đợt mưa bất thường từ ngày 31/3 đến 3/4, đợt mưa từ 30/4 - 2/5 là các đợt mưa có lượng và cường độ lớn, lũ trái mùa, mưa to ở vùng núi kết hợp với vùng đồng bằng đã gây ra đợt lũ trên diện rộng trên sông các sông. Mưa lũ đã gây thiệt hại giảm năng suất lúa Đông Xuân 30%, mất 61.800 tấn thóc, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp -7,49%.

Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 4 (Noru), khu vực ven biển, đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế có gió mạnh, kèm theo lốc xoáy, sóng lớn trên 4m, triều cường, nước dâng +1,2 đến +1,3m, đã làm xâm thực sạt lở mạnh nhiều đoạn bờ biển với chiều dài trên 2km. 

Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 4 người chết do thiên tai (2 do mưa lũ và 2 người do sét đánh), 13 người bị thương; thiệt hại năng suất lúa bị giảm 30% của tổng số 28.193 ha; rau màu bị hư hại, rừng trồng bị gãy. Có 6 nhà sập, 452 nhà tốc mái, hệ thống điện bị cắt khi có gió bão số 4; hệ thống viễn thông bị gián đoạn. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ 9 tháng và cơn bão số 4 là 1.102,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, thiên tai đã tiếp tục làm sạt lở hơn 21,7km bờ sông, bờ biển, 38km đê bao nội đồng, 20km kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp cùng các công trình phụ trợ khác, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng, sản xuất nông nghiệp và giao thông đi lại của người dân.

Các lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, phương tiện hỗ trợ người dân phòng, chống, khắc phục thiên tai, cứu hộ cứu nạn, di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Các huyện, thị xã và thành phố Huế huy động các lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị tốc mái, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại. Đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn.

Từ ngày 10 - 12/10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, UBND huyện Phú Vang, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã huy động 150 cán bộ chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ và người dân địa phương, 500 bảo tải loại 1,5 tấn, 700m2 vải lọc, 100 rọ đá 100m3 hộc, cùng với phương tiện tham gia xử lý khẩn cấp bờ biển đoạn qua xã phú Thuận.

Tính đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện 2 đợt phân bổ giống cây trồng cho người dân từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các huyện, thị xã và thành phố Huế để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể, phân bổ 120 tấn giống lúa được Bộ NN&PTNT cấp tháng 1/2022 để hỗ trợ bà con nông dân khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022; phân bổ 1.500 tấn hạt giống lúa và 5 tấn hạt giống ngô từ nguồn dự trữ quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (tháng 5/2022) hỗ trợ bà con nhân dân phục vụ sản xuất vụ Hè Thu.

Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế đã có phương án dự trữ cấp tỉnh về lương thực thực phẩm, công nghệ phẩm, vật tư thiết yếu phục vụ phòng chống thiên tai với số lượng: 100 tấn mỳ ăn liền, 100 tấn gạo. Ngoài ra, các địa phương tự dự trữ tại cấp huyện, xã và vận động người dân dự trữ lương thực thực phẩm đảm bảo 7 ngày khi có thiên tai xảy ra.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022 cho các dự án đã đủ điều kiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021. Đó là các Dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp đoạn Thuận An - Tư Hiền (xử lý kè chống sạt lở bờ biển đoạn qua xã Giang Hải, huyện Phú Lộc với chiều dài 900m) nguồn vốn phân bổ 30 tỷ đồng; công trình xây lắp đoạn 140m kè chắn cát phía nam cửa biển Thuận An thuộc dự án Xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển Hải Dương nguồn vốn phân bổ 20 tỷ đồng; Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang nguồn vốn phân bổ 10 tỷ đồng.

CAO TIẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh