'Thiên nhãn' tìm người ngoài hành tinh bắt đầu hoạt động
- Công nghệ mới
- 18:17 - 26/09/2016
Kính thiên văn lớn nhất thế giới tìm người ngoài hành tinh: Trung Quốc vừa công bố hình ảnh về "Thiên nhãn", kính thiên văn lớn nhất thế giới được đặt tại Quý Châu, với kỳ vọng nghiên cứu về nguồn gốc vũ trụ và sự sống ngoài hành tinh.
Cuối tuần qua, dự án kính thiên văn FAST đặt tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, đã bước vào giai đoạn thử nghiệm đầu tiên.
"Hôm nay tôi vô cùng phấn khích. Trước đây chúng tôi phải ra nước ngoài để quan sát vũ trụ. Bây giờ chúng tôi đã có kính thiên văn lớn nhất. Mọi người rất nóng lòng sử dụng nó", giáo sư Peng Bo, phó trưởng ban quản lý dự án FAST, nói với BBC.
Đại diện dự án cho biết kính thiên văn đã bắt đầu chụp những bức ảnh đầu tiên về vũ trụ và phát hiện các tín hiệu từ 3 ẩn tinh (những ngôi sao không nhìn thấy được bằng mắt thường, có thể được phát hiện qua các tín hiệu).
Cụ thể, Qian Lei, thành viên Đài quan sát Thiên văn Trung Quốc và thuộc nhóm phát triển dự án, nói kính thiên văn đã nhận được những sóng điện tử chất lượng cao từ một ẩn tinh ở vị trí cách 1.351 năm ánh sáng.
Các nhà khoa học hy vọng kính thiên văn sẽ phát hiện ra gấp đôi số lượng ẩn tinh được biết đến hiện tại.
Bên cạnh đó, FAST được kỳ vọng sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin chưa từng biết đến về nguồn gốc của vũ trụ thông qua việc xác định sự phân bổ nguyên tố hydro trên trái đất.
Tuy nhiên, điều làm các nhà khoa học hào hứng nhất là "Thiên nhãn" có thể giúp phát hiện sinh vật ngoài hành tinh.
Theo ông Bo, các nhà khoa học cần 3 năm để giám sát việc thử nghiệm kính thiên văn trước khi nó đi vào hoạt động đầy đủ.
FAST là kính thiên văn lớn nhất thế giới do Trung Quốc phát triển, diện tích bằng 30 sân bóng đá. Dự án mất 5 năm để triển khai và tốn kinh phí chỉ 180 triệu USD.
Với đường kính lên đến 500 m, kính thiên văn này sẽ có thể phát hiện các tín hiệu vô tuyến và thậm chí cả dấu hiệu về sự sống ở những hành tinh cách xa trái đất.