THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:53

Thích ứng linh hoạt để phục hồi và phát triển

“Gỡ nút thắt” cho doanh nghiệp, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới

Sau nhiều tháng căng mình chống dịch COVID-19 bằng các biện pháp giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến chuỗi cung ứng nhiều ngành hàng bị đứt gãy, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp,

Đánh giá về Nghị quyết 128, tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể là chủ trương đúng đắn của Chính phủ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, trong khi tỷ lệ bao phủ vaccine đang được đẩy nhanh nhưng chưa đạt độ bao phủ toàn dân và các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được phát triển, đưa vào sử dụng nhưng chưa có thuốc đặc trị thì việc đảm bảo sự thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành là điều cần thiết. Đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới. Không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.

Nghị quyết 128 đã gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, đưa xã hội về trạng thái bình thường mới

Nghị quyết 128 đã "gỡ nút thắt" cho doanh nghiệp, đưa xã hội về trạng thái "bình thường mới"

Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã góp phần “gỡ nút thắt” cho doanh nghiệp; là bước đầu tiên quan trọng để Việt Nam trở về trạng thái bình thường mới, phù hợp với bối cảnh thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn cho rằng, với việc ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ đưa việc phòng, chống dịch sang giai đoạn “bình thường mới” có điều kiện sẽ giải quyết tình trạng ách tắc cục bộ ở các địa phương thời gian qua.

 “Nghị quyết 128/NQ-CP đã thay đổi quan điểm và giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. “Mở cửa” không có nghĩa là không tiếp tục phòng, chống dịch mà chuyển sang phòng, chống dịch với một tinh thần mới. Chống dịch nhưng không “khóa chặt”, “chôn chân” người dân một chỗ mà kiểm soát lưu thông một cách khoa học, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh và doanh nghiệp trở lại hoạt động một cách an toàn", ông Trương Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khi bắt tay vào phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp rất cần biết trước các chính sách cụ thể, nhất là chính sách phòng, chống dịch để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rất rõ các điều kiện mở cửa khác nhau tùy theo các cấp độ dịch và các cấp độ dịch cũng quy định các tiêu chí để xác định.

 “Điểm tích cực nhất của Nghị quyết 128 là trong mọi tình huống, diễn biến của dịch COVID-19 đều có thể tổ chức sản xuất được, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu an toàn phòng dịch. Việc ban hành một Nghị quyết với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thống nhất trên phạm vi cả nước, công khai cho người dân, doanh nghiệp cho thấy Chính phủ đã trao sự chủ động cho doanh nghiệp nên hiệu quả khôi phục kinh tế sẽ nhanh hơn”, ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.

Trong khi đó, ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK) lại cho rằng, một điểm nổi bật khác của Nghị quyết là việc nhấn mạnh các biện pháp bổ sung của địa phương trong công tác phòng, chống dịch không được gây cản trở luân chuyển hàng hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc di chuyển của người dân giữa các tỉnh, thành phố. Quy định này rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp tránh khỏi việc tạm ngừng kinh doanh và gián đoạn chuỗi cung ứng…

5 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính  cho biết, qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng. Hiện Chính phủ và các cơ quan liên quan tích cực hoàn thành việc xây dựng dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch COVID-19.

Đối với Dự thảo Đề án Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu đề án cần bám sát vào Kết luận 20 của Ban Chấp hành Trung ương, trên quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong toàn dân và lấy cấp cơ sở là nền tảng. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình phù hợp; chú trọng nâng cao năng lực điều trị, giảm chuyển nặng và tử vong; sớm đưa học sinh trở lại trường học gắn với bảo đảm an toàn phòng dịch.

Từ nay đến cuối năm 2022, ưu tiên bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng. Nội dung Đề án cũng cần quan tâm, làm rõ một số vấn đề lớn như: đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực y tế gắn với rà soát, sắp xếp lại để sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế hiện có; nghiên cứu, thành lập Quỹ phòng, chống dịch; phát triển và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước; tăng cường hợp tác công tư, có cơ chế phù hợp để huy động hiệu quả nguồn lực và phát huy hơn nữa vai trò của y tế tư nhân; đẩy mạnh thông tin, truyền thông và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch.

Trên cơ sở tổng kết công tác phòng chống dịch thời gian qua, đề án cần phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, khu vực và trong nước để xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn.

Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế

Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế

Về Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu chương trình này phải gắn với việc thực hiện lộ trình mở cửa từng bước nền kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Mục tiêu đặt ra là thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội, nhưng phải đảm bảo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, chú trọng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng, Thủ tướng đề nghị đề án quan tâm đến hạ tầng chiến lược, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn… Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, không ngừng cải thiện đời sống của người dân; khẩn trương thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, giải quyết được các vấn đề về xã hội, môi trường cả trước mắt và lâu dài.

Về nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, phải sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, phạm vi, mức độ, lộ trình và thời điểm phù hợp gắn với tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nhất là đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài, phục vụ hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển Kinh tế xã hội của đất nước.

Thông tin thêm Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết 2 quan điểm quan trọng và cốt lõi của chương trình là kết hợp cả phục hồi và phát triển. Do vậy, các giải pháp đưa ra cũng kết hợp giữa ngắn hạn và căn cơ trong dài hạn

Nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường. Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác.

Nhóm giải pháp thứ 2 liên quan đến an sinh xã hội, đây là vấn đề thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước, phát triển hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhóm giải pháp thứ 3 liên quan đến hỗ trợ cho DN, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 thời gian qua, để có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như có các nguồn lực cần thiết để phục vụ cho chặng đường dài sắp tới.

Nhóm giải pháp thứ 4 mang tính dài hơi liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, đầu tư công trung hạn, có đề xuất các điểm nhấn trong việc thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Nhóm giải pháp thứ 5 mang tính chất quản lý, điều hành, đặc biệt hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 “5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch", ông Phương phát biểu.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh