THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:15

Thị trường vé online tăng trưởng nhờ thanh toán điện tử

 

Tiềm năng thị trường này có thể thấy ở doanh thu ngành du lịch lên đến 15 tỉ USD (2015); hoặc ngành hàng không hàng chục tỉ USD, chỉ hai mảng này đã là miếng bánh lớn cho bất cứ nhà kinh doanh nào.
Tuy nhiên quy mô thị trường đặt vé, mua dịch vụ trực tuyến còn lớn hơn nhiều, bởi liên quan đến nhiều lĩnh vực tiêu dùng, từ du lịch, các loại hình giải trí (điện ảnh, âm nhạc) cho đến vé xe tàu, các loại vé điện tử trong tương lai (như xe buýt, metro…). Nếu như trước đây, hầu hết giao dịch được thực hiện tại các cửa hàng, đại lý, thì nay một số lượng lớn khách hàng đã chuyển dần sang mua trực tuyến.
Giao diện một trang bán vé cho phép thanh toán trực tuyến - Ảnh chụp màn hình
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng giám đốc VietUnion – đơn vị chủ quản của Payoo  cho biết, thị trường mua sắm các gói du lịch, vé máy bay, tàu xe và mở rộng ra là vé xem phim, vé sự kiện... là một thị trường lớn và ngày càng phát triển. Với tình hình kinh tế ổn định, thu nhập của người lao động ngày một tăng kéo theo nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi, giải trí của khách hàng cũng tăng theo.
"Qua đó, các công ty du lịch, công ty vận tải và các doanh nghiệp trong lĩnh vực sự kiện, giải trí liên tục có các loại sản phẩm mới, đa dạng và hấp dẫn. Đa phần các doanh nghiệp này cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của mình qua các kênh trực tuyến như qua Website hay ứng dụng di động. Do đó, vai trò của các đơn vị trung gian thanh toán, trong đó có Payoo, là rất quan trọng thông qua việc đảm bảo các giao dịch mua sắm được thanh toán dễ dàng và an toàn", ông Lĩnh chia sẻ với ICTnews.
Payoo đang nắm thị phần lớn trong việc thanh toán hóa đơn như điện, nước, Internet, di động, thu phí bảo hiểm, trả góp,… nhưng ông Lĩnh không giấu ý định mở rộng thị phần sang các dịch vụ mua vé trực tuyến khác. Hiện công ty này đã kết nối với nhiều nhà cung cấp dịch vụ này như Jestar, Traveloka.com,  Vemaybay.vn, Vexere.com, Click1bus.com; 123go.vn, 123phim, Ticketbox.vn, Carmudi.vn… nhằm cung cấp giải pháp thanh toán cho khách hàng.
Theo đó, ngoài thanh toán trực tuyến, khách hàng cũng có thể đến hàng ngàn điểm thanh toán là các cửa hàng tiện ích để thanh toán trực tiếp khi cần mua dịch vụ. Các cửa hàng tiện ích với mô hình hoạt động 24/7 là nơi khách hàng có thể thanh toán bất cứ lúc nào, kể cả ngoài giờ hành chính.
Tuy có quy mô thị trường lớn, khách hàng trẻ đang dịch chuyển nhiều sang thanh toán online, nhưng điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội để nhảy vào, do đó cạnh tranh sẽ gay gắt.
Ông Nguyễn Văn Phong, CEO trang atadi.vn – chuyên về dịch vụ "săn" vé máy bay giá rẻ và booking khách sạn, cho rằng, bản thân ngành du lịch được dự báo tăng trưởng mạnh. Trong đó thói quen người tiêu dùng sẽ dịch chuyển từ offline sang online. Vì vậy các công ty cung cấp các sản phẩm dịch vụ trực tuyến về vé máy bay, khách sạn, tour tuyến…  sẽ tăng trưởng mạnh và dĩ nhiên tạo tiền đề cho nhiều bên tham gia thị trường, dẫn đến cạnh tranh rất lớn.
Ông Phong cho biết đối tượng khách hàng của ATADI hiện nay đa phần chưa có thói quen thanh toán online, hơn nữa giá trị vé máy bay khá lớn, nên khách hàng vẫn có tâm lý giao tiền cho con người thay vì cho máy móc. Vì vậy, để mở rộng thanh toán online, cả công ty du lịch lẫn nhà cung cấp trung gian thanh toán trực tuyến phải giải quyết tốt các vấn đề như bảo mật, an toàn, dễ dàng cho khách hàng.
Mặc dù các hình thức thanh toán online đã phát triển mạnh, lượng người sở hữu thẻ thanh toán trực tuyến tại Việt Nam đã đủ lớn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố niềm tin vẫn đang là rào cản khiến việc trả tiền qua mạng Internet vẫn chưa cao. Đó là lý do vì sao đơn vị trung gian thanh toán đã phát triển mạng lưới điểm chấp nhập thẻ POS ở các chuỗi cửa hàng tiện ích, các hệ thống siêu thị hay trung tâm điện máy, điện thoại
Ông Phong cho biết, từ khi kết nối đơn vị trung gian thanh toán, số khách hàng thanh toán qua kênh cửa hàng tiện lợi tăng trưởng trung bình 25%/tháng. Việc thanh toán online qua cổng thanh toán khá dễ dàng tuy nhiên đối với những khách hàng ở các tỉnh muốn đến các điểm offline của đơn vị trung gian thì hạn chế là các điểm này vẫn chưa nhiều, hầu hết tập trung ở các thành phố lớn.
Để thúc đẩy các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến phát triển, ông Phong cho biết, ngoài yếu tố giá cả hợp lý thì tính tiện lợi cho khách hàng khi thanh toán là yếu tố quyết định. Tuy nhiên hiện nay các cửa hàng tiện lợi chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nên chưa nhiều khách hàng ở tỉnh tiếp cận được tới dịch vụ này. "Nếu mạng lưới cửa hàng tiện lợi ngày càng rộng khắp sẽ thúc đẩy dịch vụ booking nói riêng và thị trường thanh toán nói chung qua kênh này tăng trưởng nhanh chóng hơn", theo ông Phong.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh