THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:48

Những quái chiêu tuồn rượu lậu từ bên kia biên giới vào Việt Nam

 

Chiêu thức ngụy trang

Những ngày cận Tết, có mặt tại Tây Ninh, PV ghi nhận được sức nóng của thị trường rượu ngoại nhập lậu. Cung đường Quốc lộ 22 nối TP.Hồ Chí Minh với tỉnh Tây Ninh đi Campuchia nhộn nhịp hơn hẳn. Đến cửa khẩu Mộc Bài lúc trời quá trưa, PV ghé một quán nước “lân la” làm quen chị C., chủ quán và ngỏ ý đặt vấn đề muốn tìm mối để lấy hàng rượu ngoại nhập lậu bán.

 

Một nài hàng lậu trên cung đường mòn vào biên giới Việt Nam.

Sau một hồi tỉ tê trò chuyện, chị C. đồng ý giới thiệu cho chúng tôi gặp một người quen chuyên lấy hàng - tức rượu ngoại bên Cam (Campuchia – PV). Nói xong, chị C. lập tức bốc máy gọi cho người này: “Anh đang ở đâu vậy? Có rảnh không lại đây có chút việc? Có người muốn lấy hàng về bán... nhanh nha... người ta đang chờ ở quán”.

Sau cuộc gọi, chị C. bắt đầu giới thiệu sơ qua về anh N.M.B., người PV sắp được gặp. Chị C. cho biết, anh B. đã có nhiều năm làm việc này, anh ta chuyên vận chuyển từ bên kia biên giới cho các đầu nậu để họ mang về TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tiêu thụ, nhưng chủ yếu vẫn là thị trường TP.Hồ Chí Minh. Không lâu sau cuộc trò chuyện của chúng tôi, anh B. tới quán. Chúng tôi đặt thẳng vấn đề cần nguồn hàng ổn định để buôn bán và đề nghị anh B. giúp.

Như vớ được miếng mồi ngon, B. đáp ngay: “Không thành vấn đề”. Sau khi “tạo được lòng tin”, B. tiết lộ: “Nguồn rượu có được là do các đầu nậu ở bên kia gom lại, thuê người vận chuyển sang đây, rồi giao cho các điểm tập kết. Thế nên, em khỏi cần lo về nguồn hàng”.

Về giá cả, tùy theo đơn hàng, nhưng không cao quá 70% giá thị trường. Ví như, trên thị trường giá bán một chai Chivas 18 khoảng 1,6 triệu đồng, anh B. sẽ bán lại cho tôi khoảng 1,2 triệu đồng. “Nếu thỏa thuận xong, bên anh sẽ có người đưa rượu đến điểm hẹn (tại một con đường mòn bên phải cánh gà cửa khẩu Mộc Bài -PV) và hai bên giao tiền, hàng. Rồi từ đó, em đưa đi đâu thì tùy, anh hết trách nhiệm”, B. thẳng thừng nói về cách giao dịch.

Thấy chúng tôi có vẻ lăn tăn, B. trấn an: “Chỉ có chỗ anh mới có rượu thật còn lại những điểm khác là rượu giả hết”. PV thắc mắc thì được B. giải thích: “Nhiều nơi ở đây sản xuất rượu giả tại vùng biên rồi gắn mác rượu nhập lậu để bán kiếm lời. Đánh vào tâm lý ai cũng nghĩ đến đây sẽ mua được rượu lậu giá rẻ, do vậy nếu không biết chỗ chắc chắn sẽ mua phải rượu giả”. PV đề nghị “chỉ điểm”, B. lắc đầu: “Muốn lấy hàng thì lấy còn không hỏi làm gì mấy cái đó”.

Cũng theo tìm hiểu của PV, những chai rượu không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ được các đầu nậu “phù phép” để trở thành rượu mang mác ngoại rồi thẳng tiến về bãi đáp ở TP.Hồ Chí Minh. Về phương thức, thủ đoạn, theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi hàng hóa được đưa về khu tập kết, các tay buôn lậu sẽ dùng xe ô tô hoặc thuê xe máy vận chuyển về địa điểm tiêu thụ. Đối với xe ô tô, các đối tượng buôn lậu vô cùng cẩn trọng. Hàng được ngụy trang rất kỹ lưỡng để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Thường là hàng được giấu trong gầm xe hoặc trong các lốp xe dự phòng.

Riêng với phương thức vận chuyển bằng xe máy, các đối tượng thường vận chuyển số lượng ít, nhỏ lẻ, mỗi lần vài chục chai. Các đối tượng buôn lậu cho rượu vào các thùng giấy, bên ngoài ghi nhãn hàng là bánh kẹo, gói kín để cơ quan chức năng khó phát hiện. Với phương thức vận chuyển bằng xe máy, thường “người vận chuyển” là những “tay lái có nghề”, thông thuộc đường để khi bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ rút vào những đường nhỏ để dễ dàng chạy trốn sự truy đuổi.

Ông Phạm Hồng Đức, Phó cục trưởng Cục Hải quan Tây Ninh cho biết, lợi dụng đường biên giới giữa Tây Ninh và nước bạn dài (khoảng 240km), quân số các lực lượng chống buôn lậu mỏng, hàng lậu, đặc biệt là rượu tìm cách tuồn vào thị trường Việt Nam. Theo ông Đức, chính vì sự phức tạp trên mà việc phòng chống buôn lậu không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của người dân, nhất là thời điểm cận Tết như hiện nay.

Đánh đố người tiêu dùng

Trở lại TP.Hồ Chí Minh, nhóm PV chúng tôi tiếp tục lần theo đường đi của số rượu lậu nói trên. Và, không nằm ngoài dự đoán, nguồn hàng được tuồn vào các gian hàng rượu tại đây. Tại gian hàng rượu trong một cửa hàng ở Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh), nhân viên bán hàng cho biết, mấy ngày gần đây người đến mua sắm ở gian hàng rượu nhiều hơn so với bình thường. Họ thường chọn các sản phẩm có thương hiệu để làm quà biếu. Về nguồn hàng, nhân viên này cho biết cũng không nắm được và bảo phải hỏi chủ cửa hàng.

 

Một xe hàng lậu là rượu ngoại trên đường vào Việt Nam bị bắt giữ.

Nhóm PV chúng tôi tiếp tục ghé thăm cửa hàng rượu H.P., trên đường Võ Thị Sáu (quận 3). Tại đây, PV được chào mời mua những chai rượu ngoại với giá rẻ hơn phân nửa so với giá trên thị trường. Ông Nguyễn Đình Thái, Giám đốc một công ty nhập khẩu, phân phối rượu ngoại tại quận Bình Thạnh cho biết, quan trọng nhất để có giá rẻ chính là rượu nhập lậu. Theo đó, các cơ sở này nhập rượu từ đầu nậu đưa về từ bên kia biên giới, nên giá rẻ hơn. Thậm chí đó là rượu giả, rượu kém chất lượng được gắn mác ngoại...”.

“Thực tế, rượu ngoại được nhập về bằng con đường hợp pháp, có nguồn gốc hẳn hoi thì giá cả sẽ phải cao hơn. Vì một chai rượu ngoại, nếu về nước ta bằng con đường chính ngạch phải tốn nhiều chi phí, giá bắt buộc phải cao hơn. Mà giá cao sẽ rất khó bán hàng. Chính vì vậy, nhiều cơ sở nhập rượu ngoại không có nguồn gốc, xuất xứ để bán sẽ dễ dàng hơn”, ông Thái nói thêm.

Theo anh N.A.K. – người từng làm công trong một cơ sở sản xuất rượu giả đã bị triệt phá ở quận Bình Tân, những chai rượu này chỉ có vỏ chai là thật còn phần rượu là giả. A.K. kể, để sản xuất rượu giả, sau khi thu gom các loại vỏ chai về, người làm sẽ đưa vào máy rửa sạch bụi bẩn, thổi khô và đưa rượu giả vào. Rượu này thường là cồn, cộng thêm phẩm màu và hương liệu. Cuối cùng là đưa vào máy cán nắp chai và dán các loại nhãn mác, thậm chí cả tem chống giả. Nhìn vào rất khó phát hiện rượu giả.

Trao đổi với PV về tình hình rượu giả, rượu nhái đang diễn biến phức tạp, ông Phan Hoàng Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.Hồ Chí Minh cho biết,: "Thời điểm này là cao điểm trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái... vì nó rất phức tạp. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Ngoài kế hoạch kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tiến hành tập trung kiểm tra các loại mặt hàng trọng yếu, trong đó có rượu để góp phần đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng”

Bắt vụ buôn lậu rượu ngoại nhập lậu tại Tây Ninh

Mới đây, Công an huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh đã bắt quả tang 5 đối tượng về hành vi vận chuyển rượu ngoại nhập lậu. Tang vật thu giữ gồm: 1 xe ô tô tải, 2 điện thoại di động và 272 thùng rượu ngoại chứa gần 3.200 chai rượu hiệu: Chivas, Bacardi; St Remy; Martini & Rossi. Trị giá ban đầu ước tính trên 1,5 tỉ đồng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh