THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:09

Thị trường nước uống đóng chai có đảm bảo chất lượng?

  

 

Ngoài những thương hiệu nước đóng chai đã quá quen thuộc như: Lavie, Aquafina, Dasani,Vital... thì hàng trăm loại nước uống đóng chai khác như: Bono, Aqua, Đại Dương, Biển Xanh,... xuất hiện và len lỏi vào từng ngõ hẻm của thành phố cũng như vùng sâu vùng xa. Không chỉ được bán tại các đại lý phân phối, nước đóng chai còn được bán tại khắp các cửa hàng tạp hóa lớn nhỏ. Từ hàng tạp hóa, đại lý gas – gạo đến đại lý nước, đâu đâu người tiêu dùng cũng có thể mua một bình nước uống 21 lít với giá chỉ từ 15.000 – 20.000 đồng.

Giá của nước uống đóng chai trên thị trường hiện nay chênh lệch khá nhiều. Các nhãn hiệu có uy tín như Lavie, Vital, Miru, Kim Bôi… thường có giá ổn định. Cùng loại 19 lít, trong khi Kim Bôi, Vital có giá thành khoảng 50.000đ/bình thì Fresh được bán với giá 15.000đ/bình, Milowa 20.000đ/bình. Các loại nước khác cũng có giá từ 15.000đ-20.000đ/bình khi giao tận nhà. Với mức giá chênh lệch lớn như trên, nhiều người tiêu dùng tiết kiệm đã chọn ngay sản phẩm rẻ tiền mà không cần đắn đo.

 

 Tại 1 hàng tạp hóa ở khu vực Vĩnh Tuy, Hà Nội, anh Quang Hiếu chủ quán cho biết, hiện anh đang bán 2 loại nước đóng chai là Lavie và Aquanadi. Nhưng nước đóng chai Aquanadi lúc nào cũng bán chạy hơn vì giá thành rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân sinh sống quanh đây hơn. Cụ thể, 1 bình nước 19 lít Aquanadi chỉ có giá 20.000 đồng nhưng đối với Lavie, người mua phải trả mức giá lên đến 50.000 đồng cho 1 bình 19 lít.

Khi tung ra thị trường, cơ sở nước uống đóng chai nào cũng quảng cáo rằng sản phẩm được sản xuất theo quy trình tiên tiến hay thiết bị hoàn toàn hiện đại khép kín, như hệ thống xử lý RO, thanh trùng bằng ozone, tiệt trùng bằng tia cực tím, quy trình thực hiện qua nhiều bộ phận lọc, trao đổi ion làm mềm nước,v.v… Tuy nhiên, trên thực tế, ngoại trừ các loại nước uống đã khẳng định thương hiệu trên toàn quốc như: Vĩnh Hảo, Kim Bôi, Dasani, Laive, Aquafina… được sản xuất và đóng chai trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO 9001:2008, HACCP), phần lớn các loại nước khác đều được sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và khó có thể kiểm chứng chất lượng.

Tại địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội, được biết, với chi phí chưa đến 100 triệu đồng là có thể xây dựng được cơ sở sản xuất nước lọc được cho là hoàn toàn tự động, siêu lọc, tiệt trùng, bao gồm: giếng khoan, bể lọc và máy sục. Đây cũng là địa bàn ghi nhận nhiều cơ sở sản xuất nước đóng chai bẩn, không đạt chuẩn như An Sinh, Trung Anh... Hầu hết các cơ sở vi phạm đều sử dụng nguồn nước đầu vào không bảo đảm vệ sinh, hệ thống bể lọc nước không đạt tiêu chuẩn, địa điểm đóng bình nước mất vệ sinh… Mặc dù quy trình sản xuất đơn giản, ít tốn kém nhưng lợi nhuận thu về từ các cơ sở sản xuất này lại rất lớn. Mỗi chai nước 500ml được bán từ 3.000 đến 5.000 đồng, mỗi bình nước 20 lít giá từ 15.000 đến 20.000 đồng, trong khi chi phí đầu vào rẻ hơn nhiều lần. 

 

Khách hàng của các loại nước rẻ tiền, kém chất lượng này chủ yếu là sinh viên và người lao động phổ thông. Những người này thường có tâm lý chung là chọn loại nào rẻ tiền thì sử dụng. Chị Lê Hương, người dân sống tại khu vực Vĩnh Tuy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi hay sử dụng các sản phẩm nước đóng bình vì tiện lợi mà lại rẻ. Có nhiều loại lắm, giá thành hơn nhau ở thương hiệu thôi nên mình thấy cái nào vừa túi tiền hơn thì mình mua”.

Thị trường nước đóng chai nhiễu loạn, người bán lẫn người mua đều lập lờ về sản phẩm mà họ tiêu thụ và người tiêu dùng sẽ là nạn nhân gánh chịu mọi hậu quả. Một cảnh báo sức khỏe đang được đặt ra, người tiêu dùng cần phải sáng suốt trong việc chọn lựa sản phẩm tiêu dùng hàng ngày. Khi mua nước uống đóng chai, chỉ nên chọn sản phẩm của những thương hiệu có uy tín, nước phải trong suốt không màu, không rêu cặn, vỏ chai còn mới, không bị trầy xước, được đóng chai, in và dán nhãn mác cẩn thận. 

NGỌC DIỆP

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh