THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:15

Thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua về nhóm vấn đề LĐ-TB&XH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua về nhóm vấn đề LĐ-TB&XH.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động-TB&XH Đào Ngọc Dung vừa ký báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với hơn 80 trang, báo cáo của Chính phủ nêu rõ kết quả, cũng như hạn chế, tồn tại trong phòng chống xâm hại trẻ em; thị trường lao động; chế độ, chính sách trợ giúp xã hội; quản lý, giám sát hoạt động thiện nguyện; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025…

Kết nối cơ sở dữ liệu về lao động việc làm gắn với cơ sở dữ liệu dân cư

Đề cập đến công tác thực hiện các giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động … Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về các kết quả đạt được, trước hết phải kể đến việc tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 06/NQ- CP, Quyết định số 176/QĐ-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 về đảm bảo việc làm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện các hoạt động phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

Theo đó, đến nay, Bộ trưởng thông tin, đã triển khai xây dựng dự án “Tăng cường kết nối cung – cầu lao động” thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Triển khai các hoạt động thu thập thông tin qua điều tra, khảo sát, báo cáo hành chính, tổng hợp của các tỉnh, thành phố;

Từ hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm, tổ chức thu thập thông tin về thị trường lao động thông qua các phiếu đăng ký tư vấn, tìm việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Thông tin từ cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động giúp cho việc quản lý lao động và doanh nghiệp tại địa phương, là cơ sở tính toán, báo cáo định kỳ các chỉ tiêu về thị trường lao động.

Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an phối họp từng bước kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về lao động việc làm gắn với cơ sở dữ liệu dân cư.

Đồng thời, đến nay cũng đã triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển và nâng cao năng lực các hoạt động dịch vụ việc làm để tăng cường kết nối cung - cầu lao động; tổ chức thực hiện các gói hỗ trợ kết nối việc làm thành công để nâng cao hiệu quả, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm; hiện đại hoá hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm.

Ngoài ra, đã tổ chức các hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động để cung cấp thông tin định hướng cho các chủ thể tham gia thị trường lao động, cho hoạt động đào tạo - giáo dục gắn với nhu cầu của thị trường lao động; xây dựng các sản phẩm báo cáo, dự báo thị trường lao động.

Đáng chú ý, trong hoạt động tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, triển khai các hoạt động về phân tích, dự báo thị trường lao động như: xây dựng mô hình, phương pháp dự báo, xây dựng cáo báo cáo phân tích chuyên sâu về các khía cạnh của thị trường LĐ làm cơ sở điều tiết, quản trị thị trường lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi và chia sẻ với người lao động Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi và chia sẻ với người lao động Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An.

Nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn: Thách thức trong giải quyết việc làm

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho “cầu lao động” của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Đến nay, đang có khoảng 38,1 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên; cả nước chỉ có 26,4% người lao động đã qua đào tạo, có bằng, chứng chỉ.

“Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững”, ông Dung cho hay và nhấn mạnh, điều này thể hiện qua các số liệu như tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 51,1 triệu người, trong đó 13,8 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 27,1%); gần 33 triệu lao động có việc làm phi chính thức (chiếm 64,6%).

Thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung- cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung - cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Ngoài ra, hiện tại tốc độ phục hồi và phát triển thị trường lao động còn bị tác động tiêu cực bởi suy giảm kinh tế của các nước trên thế giới, thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát cao xung đột giữa Nga và Ukraina.

Cho biết cụ thể, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng của các chỉ số thị trường lao động đã chậm lại (tốc độ tăng lực lượng lao động quý I/2023 so với quý trước chỉ là 0,2% (quý I/2022 là 0,9%; quý IV/2022 là 0,5%).

Theo thống kê nhanh của các địa phương, trong 5 tháng đầu năm số lao động bị ảnh hưởng phải nghỉ việc hoặc giãn việc (giảm thời gian làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động,...) là hơn 500.000 lao động trong đó thôi việc, mất việc làm là khoảng 280 ngàn người, lao động giảm giờ làm là 195 ngàn người, ngừng việc, lao động ngừng việc, nghỉ việc không lương khoảng 17.000 người,..

Đáng chú ý, số lao động có việc làm giảm ở những địa phương có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như TP. Hồ Chí Minh giảm 0,4%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 2,6%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Bắc Giang giảm 4,5%, Thái Nguyên giảm 2,2%.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ nhìn nhận, “hiện nay mặc dù thị trường lao động vẫn trong tầm kiểm soát được nhưng với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các ngành chủ lực không được giải quyết triệt để, thì nguy cơ thị trường lao động trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề…”

Trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế thế giới khó khăn, lạm phát kéo dài, xung đột Nga - Ukraina, đồng thời thời gian gần đây những ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại khiến cho sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, gây ra nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, tạo ra thách thức lớn trong giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Nguồn lực bố trí cho chính sách trợ giúp xã hội ngày càng giảm

Đề cập đến công tác trợ giúp xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Chính phủ đã xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và công tác cứu trợ, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh.

Tính đến hết tháng 6 năm nay, cả nước có hơn 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 369 nghìn cá nhân, hộ gia đình nhận hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng với tổng kinh phí thực hiện trên 26 nghìn tỷ đồng/năm.

Khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh, thành thực hiện tốt công tác trợ giúp khẩn cấp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Riêng giai đoạn 2020 - 2022, Chính phủ đã ban hành 4 gói chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo đó, trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động đã được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 120 nghìn tỷ đồng. Các bộ, ngành cũng thực hiện tốt công tác quản lý quỹ, hội từ thiện; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ triển khai các chương trình kêu gọi, vận động và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội hỗ trợ người dân như Quỹ vì người nghèo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai...

Dù vậy, Chính phủ nhận định, mức chế độ, chính sách trợ giúp xã hội còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. “Nguồn lực bố trí cho các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội ngày càng giảm”, theo Bộ trưởng Dung trong khi, cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp xã hội còn thiếu, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Cơ chế khuyến khích xã hội hóa để khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội còn nhiều hạn chế…

Trước những điều này, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp. Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; Nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn thiên tai, dịch bệnh tại các địa phương; bảo đảm thực hiện đúng chế độ, chính sách, công khai, minh bạch, công bằng. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cứu trợ, thiện nguyện tại các địa phương..., cũng là giải pháp được Chính phủ đề cập.

Để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 về việc ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030;

Đồng thời lồng ghép triển khai thực hiện gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án và các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực quản lý của ngành LĐ-TB&XH.

Song song, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết sổ 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; đồng thời lồng ghép việc triển khai thực hiện gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030…

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh