CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:13

Thí điểm đánh giá 2 Trường Cao đẳng theo tiêu chí của Vương quốc Anh

Thứ trưởng Lê Quân khẳng định Việt Nam đang trong lộ trình xây dựng các trường nghề theo mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp để trở thành trường đạt đẳng cấp quốc tế.

 

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng; lãnh đạo các vụ thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, một số Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao và đại diện Hội đồng Anh tại Việt Nam. 

Trong chương trình hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hội đồng Anh về hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường, hai bên đã phối hợp triển khai Dự án đánh giá tổng thể các trường cao đẳng theo tiêu chuẩn của Anh, do chuyên gia Anh thực hiện. Hai Trường Cao đẳng nghề đầu tiên được lựa chọn thí điểm tham gia dự án này là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu và Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội.

 

Quang cảnh Hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Quân ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các chuyên gia Anh quốc cũng như Hội đồng Anh tại Việt Nam đối với việc đánh giá độc lập về chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại 2 Trường cao đẳng nói riêng. Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có trường cao đẳng tiếp cận trình độ quốc tế, chính vì vậy, việc sử dụng bộ tiêu chí đánh giá cơ sở đào tạo của các nước có nền giáo dục phát triển như của Anh để xác định mức độ hiện nay các trường mạnh của Việt Nam đáp ứng như thế nào so với chuẩn quốc tế là rất cần thiết. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hội đồng Anh và 2 trường tham gia dự án đã phối hợp rất chặt chẽ để thực hiện các công việc trước đợt đánh giá cũng như thống nhất đánh giá, lựa chọn chuyên gia, hướng dẫn các vấn đề mang tính kỹ thuật cho các trường.

“Kết quả mà các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm liên quan tới kiểm định chất lượng, tư vấn về đánh giá các trường Việt Nam theo tiêu chuẩn Vương quốc Anh trong tương lai rất quan trọng và hữu ích đối với các trường nghề. Báo cáo kết quả đánh giá sẽ giúp các trường học hỏi được nhiều kinh nghiệm của Anh để hoàn thiện quy trình và các tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục nghề nghiệp đảm bảo có thể tham chiếu được với chuẩn quốc tế. Đặc biệt, những kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia giúp các trường có kế hoạch cụ thể để khắc phục hạn chế nhằm đảm bảo tiêu chuẩn, chỉ số nâng cao chất lượng đào tạo, chỉ số về sự tham gia của doanh nghiệp và chuẩn đầu ra, tạo việc làm ổn định cho học sinh, sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp. Việt Nam đang trong lộ trình xây dựng các trường nghề theo mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp để trở thành trường đạt đẳng cấp quốc tế, nên kết quả đánh giá theo bộ tiêu chí của Anh sẽ vô cùng có giá trị đối với các trường…” – Thứ trưởng Lê Quân chia sẻ.

 

Bà Angela Whiteside, chuyên gia Anh 

Tại hội thảo, bà Angela Whiteside, chuyên gia Anh quốc trao đổi: Bộ tiêu chí sử dụng đánh giá thuộc Khung kiểm định chung (Common Framework) mục tiêu, phạm vi của Ofsted. Ofsted là cơ quan độc lập với Chính phủ Anh, báo cáo trực tiếp cho Quốc hội, là cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra và quản lý chất lượng toàn bộ cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Anh. Điểm đáng chú ý liên quan đến bộ tiêu chí của Osted là chỉ gồm các tiêu chuẩn mang tính định tính (không có tiêu chuẩn mang tính định lượng như ở nhiều bộ tiêu chí khác) và chỉ đánh giá các yếu tố cốt lõi để đảm bảo chất lượng đào tạo, không đánh giá sự tuân thủ các quy định mà chỉ quan tâm đến “bảo đảm chất lượng thực sự”.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết: " Hội thảo đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ quý báu của các chuyên gia thảo luận xu hướng của kết quả, cho thấy các thách thức, cơ hội mới có thể gắn kết với doanh nghiệp"


Mỗi trường, chuyên gia đã tiến hành khảo sát thực tế khoảng 4 ngày với lịch trình làm việc dày đặc, như: gặp chung với cán bộ quản lý của nhà trường, trưởng các phòng, khoa và gặp riêng với từng lãnh đạo khoa, dành thời gian tới doanh nghiệp để quan sát, phỏng vấn học sinh đang học, thực tập hoặc đã tốt nghiệp, phỏng vấn đại diện doanh nghiệp và dự giờ rất nhiều lớp học tại trường... Qua đó, nắm bắt và đánh giá vấn đề tuyển sinh, làm rõ các thông tin chi tiết liên quan đến các chương trình đào tạo và sự gắn kết với doanh nghiệp; thảo luận xu hướng của kết quả, các thách thức, cơ hội mới có thể gắn kết với doanh nghiệp; thảo luận về hành trình của người học, bao gồm từ tuyển sinh đến quá trình học tập…

 


Bà Angela Whiteside, cho biết thêm: Ở Anh quốc, Chính phủ thường dành ngân sách cho việc đánh giá độc lập tại các trường và cũng cấp ngân sách hỗ trợ các trường cao đẳng hoạt động, nếu các trường hoạt động không hiệu quả sẽ bị cắt kinh phí hỗ trợ và đến nay chưa có trường nào bị cắt giảm. Do đó, vấn đề quan tâm của chúng tôi ở đây không phải là diện tích hay khuân viên nhà trường mà là chỉ số trường nghề đào tạo chất lượng cao phải đảm bảo sự tham gia của doanh nghiệp, tiêu chuẩn đào tạo và sinh viên ra trường có việc làm. 

QUÝ ĐỨC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh