Thêm quận, huyện tại TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19
- Y học 360
- 19:13 - 25/09/2021
Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 quận 5 (TPHCM) đến nay quận đã cơ bản kiểm soát được dịch theo các tiêu chí của Bộ Y tế.
Trong đó, số ca mắc mới tại cộng đồng trên địa bàn quận 5: Tuần 23/8 đến 29/8 ghi nhận có 2.597 ca (tuần có số ca cao nhất); Tuần 30/8 đến 5/9 giảm xuống còn 1.523 ca; Tuần từ 6/9 đến 12/9 giảm tiếp còn 1.513 ca và tuần từ 13/9 đến 19/9 giảm xuống còn 820 ca. Như vậy số ca mắc giảm 68% so với tuần phát sinh ca cao nhất của đỉnh dịch (2.597 ca). Tuần 13 đến 19/9 giảm liên tục so với 2 tuần trước đó.
Từ 6 đến 22/9, quận 5 đã xét nghiệm tổng cộng 166.448 người, trong đó có 1.327 ca xét nghiệm RT-PCR dương tính, tỷ lệ 0,86%. Tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người được lấy mẫu xét nghiệm trong 14 ngày qua chưa giảm liên tục theo tuần 14 ngày. Tuy nhiên số ca nhiễm giảm gần 50% so với tuần trước đó. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn quận 5 không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Đến nay toàn quận 5 có 68% tổ dân phố xanh, 15% tổ dân phố cận xanh, 9% tổ dân phố vàng, 6% tổ dân phố cam, đỏ. Đặc biệt quận 5 không còn phường nào nằm trong nhóm nguy cơ rất cao, có đến 10/14 phường trở thành “vùng xanh, cận xanh”. Quận 5 cũng hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người dân cư trú trên địa bàn đối với người trên 18 tuổi. Người được tiêm vaccine mũi 2 đạt tỷ lệ 39%, trong đó có 3 phường (Phường 3, 10, 13) đã hoàn thành tiêm 2 mũi cho người dân.
Theo lãnh đạo quận 5 cho biết thêm, nếu được phân bổ vaccine sớm để quận 5 tiêm cho người dân thì trước ngày 30/9 đạt 100% người dân tiêm xong mũi 2. Ngoài ra, quận 5 dự kiến mở cửa chợ truyền thống sau ngày 30/9 nếu được phân bổ thêm vaccine tiêm mũi 2 cho các tiểu thương sớm.
Liên quan đến trẻ mồ côi khi có cha, mẹ mất do dịch Covid-19, hiện tại quận 5 có 38 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Quận đã vận động các nhà hảo tâm chăm lo 5 triệu đồng/trẻ/hộ. Mỗi trẻ được nhận quà trung thu (gồm sữa, bánh trung thu và tiền mặt 1 triệu đồng). Thời gian tới quận tiếp tục vận động các gói bảo trợ cho các cháu học đến đại học với mức học bổng 2 triệu đồng/tháng/trẻ đối với trẻ học hết cấp 2 và 3 triệu đồng đối với em học từ cấp 3 trở lên.
Huyện Nhà Bè đạt các tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19
Đoàn công tác số 4 kiểm tra thẩm định công tác TP. HCM vừa có báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá kiểm soát dịch Covid-19 tại UBND huyện Nhà Bè. Theo kết quả thẩm định, trong 3 tuần từ ngày 23/8 đến 12/9, số ca mắc mới Covid-19 của huyện giảm từ 2.756 xuống 1.635 ca và tuần cuối cùng còn 1.144 ca. Tỷ lệ giảm là 58% tại tuần thứ ba so với tuần cao điểm nhất.
Tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày. Từ ngày 6 đến 12/9, huyện ghi nhận 1.144 ca cộng đồng. Tuy nhiên, trong vòng 7 ngày này, huyện không ghi nhận chùm ca nhiễm mới.
Bên cạnh đó, huyện cũng đạt các tiêu chí thuộc nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm; giảm tối thiểu 30% các xã mức độ nguy cơ và nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Đến ngày 12/9, huyện đã chuyển hóa toàn bộ 7/7 xã, thị trấn thuộc vùng nguy cơ rất cao trở thành các vùng có mức nguy cơ thấp hơn.
Với kết quả trên, Đoàn kiểm tra công tác kiểm soát dịch bệnh Covid-19 TP. HCM đánh giá huyện Nhà Bè đạt các tiêu chí thuộc nhóm chỉ số về nguy cơ lây nhiễm; đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM công nhận và công bố huyện Nhà Bè về cơ bản đã kiểm soát được dịch Covid-19.
Như vậy, tính từ 17g ngày 23/9 đến 17g ngày 24/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.786 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 362.493 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Tiếp nối các hoạt động chung tay phòng chống COVID-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động triển khai chương trình “ATM Yêu thương” kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đăng ký nhận bảo trợ cho các trẻ em mồ côi cha mẹ tại TPHCM do dịch COVID-19. Chương trình sẽ hỗ trợ trung bình cho mỗi em từ 120 đến 216 triệu đồng trong thời gian là 10 - 18 năm (khoảng 1 triệu đồng/em/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi).
Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất 3 phương thức vận chuyển đường bộ đối với người lao động từ các tỉnh trở lại Thành phố, chi phí vận chuyển do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động hoặc người lao động tự trả. Giai đoạn 1, từ ngày 1/10 đến ngày 31/10, triển khai theo phương thức 1 (đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức) và 2 (Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao làm đầu mối, xây dựng kế hoạch vận chuyển). Giai đoạn 2, từ ngày 1/11 trở đi, triển khai cả 3 phương thức, với phương thức 3 là tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành chở người lao động đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây.