THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:03

Thêm nhiều quy định mới với người cai nghiện

Nghị định 136/2016 vừa được ban hành, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 221/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 30/10. Nghị định này quy định cụ thể hơn về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và một số chế độ dành cho người cai nghiện.

Cụ thể đối tượng phải cai nghiện

Phóng viên: Thưa ông, Nghị định 136/2016 quy định về đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thế nào?

+ Ông Huỳnh Thanh KhiếtPhó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Nghị định 221/2013 chỉ quy định đó là người đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nên chưa giới hạn rõ ràng và thiếu thống nhất khi xác định đối tượng.

Nghị định 136/2016 xác định cụ thể các đối tượng như sau: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định. 

Đó còn là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, trong thời hạn hai năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn một năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện. Ngoài ra, còn có người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy; người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định.

Hồ sơ gồm những gì?

+ Theo quy định cũ thì phải có nơi cư trú ổn định của người nghiện và cần tới chín thành phần hồ sơ. Theo quy định mới thì chỉ cần bốn loại giấy tờ: Bản tóm tắt lý lịch của người bị đề nghị; bản tường trình của người đại diện hợp pháp của họ; biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính; bản sao giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Học viên cai nghiện đang sản xuất mành trúc trong một cơ sở tại TP.HCM.  Ảnh: HTD

Bên cạnh đó, Nghị định 136/2016 đã tháo gỡ một trong những khó khăn của quy định cũ là cụ thể hơn cơ quan có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện như cơ sở y tế quân y, y tế quân dân y, các cơ sở khám chữa bệnh của ngành công an...

Được kiếm tiền khi đang cai nghiện

Trước đây, chế độ ăn, mặc và sinh hoạt của học viên hằng tháng được cụ thể bằng vật phẩm nhưng Nghị định 136/2016 thì quy thành mức lương cơ sở. Vì sao có sự thay đổi này?

+ Nghị định 221/2013 quy định cụ thể về vật phẩm (mỗi tháng được hưởng chế độ ăn bao nhiêu lạng thịt, cá, rau xanh; định mức chăn màn theo quý... - PV). Thực tế, mỗi cơ sở đóng ở một địa bàn khác nhau, giá vật phẩm có phần chênh lệch và mỗi lần đơn vị tính quyết toán là cả một vấn đề. Quy định mới giúp các cơ sở chủ động hơn. Cụ thể, chế độ ăn, mặc hằng tháng của mỗi học viên bằng 0,8 mức lương cơ sở, được tính là 968.000 đồng và tiền dồ dùng sinh hoạt bằng 0,9 mức lương cơ sở là bằng 1.089.000 đồng.

Quy định mới cho phép học viên làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Vậy thành quả mà họ lao động được sẽ hưởng bằng tiền hay bằng vật chất và được chi trả ra sao?

+ Đây cũng là điểm mới so với những quy định trước đây. Nếu những học viên có nhu cầu lao động thêm sẽ được hưởng thành quả lao động. Sau khi trừ chi phí sản xuất, học viên được hưởng 70%-80% tiền công lao động. Số tiền này được quy ra tiền phiếu để học viên mua thêm đồ ăn thức uống, sinh hoạt cá nhân. Trường hợp khi chấp hành xong quyết định, nếu học viên còn tiền phiếu thì chuyển thành tiền mặt để học viên mang về, trang trải việc học nghề, tìm việc làm...

Xin cám ơn ông.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh