CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

Thèm bóng phù sa

Anh Rồi là anh họ tôi ở Đồng Tháp, có nghề phun thuốc trừ sâu trên lúa. Đó cũng là công việc giúp anh nuôi cả gia đình trong sáu tháng mùa khô. Khi nước lũ về, thường là vào tháng bảy âm lịch, không còn nhiều lúa để phun thuốc, anh chuyển qua giăng lưới, đặt lọp trên đồng, bán tôm cá thu về.

Thèm bóng phù sa - Ảnh 1.

Vợ anh, chị Mai, hái bông Điên điển ra chợ bán. Một ký bông Điên điển giá 40-50 nghìn đồng, mỗi bông súng bán được 200 đồng. Có lũ, cả hai vợ chồng thu khoảng 400-500 nghìn đồng mỗi ngày.

Nhưng năm nay nước vẫn chưa về, cũng không có người nhờ phun thuốc lúa. Gia đình anh mất đi nguồn sống chính. Trên mâm cơm chỉ có đĩa rau muống luộc, vài con cá khô chị phơi và cất đi từ mùa nước năm trước.

Nhìn chiếc xuồng nằm khô trên đất trước nhà, anh nói với tôi, ráng tìm mối đi bốc vác hoặc chạy xe ôm. Chị bảo, đêm nào cũng mơ tiếng nước về. Rồi lại quay sang lo, "cây Điên điển chỉ trổ bông khi nước ngập, vài năm tới không biết tụi nhỏ có còn được thấy màu vàng của nó ở xứ này nữa không".

Chẳng riêng anh Rồi chị Mai, làm việc trong ngành nông nghiệp nhiều năm, tôi thấy phần lớn người miền Tây có sinh kế dựa vào nhịp thay đổi của thiên nhiên. Bao năm qua, cứ đến độ tháng 6 âm lịch, khi lũ sắp về cũng là lúc bà con sẽ bắt đầu vụ nuôi cá lóc mới. Khác với hình thức nuôi trong ao đất, đa phần người ta nuôi cá lóc trong bè hoặc lồng lưới đặt trên các tuyến kênh rạch. Đó là để tận dụng nước lũ chất lượng tốt - trong dòng lũ có nguồn cá tạp là thức ăn tự nhiên dồi dào cho cá lóc. Chi phí nuôi vì vậy khá thấp, lợi nhuận cao.

Vậy mà đã gần hết tháng bảy âm lịch, mực nước lũ đang thấp hơn cùng kỳ đến gần 2 mét. Câu nói của bà con "tháng bảy nước nhảy khỏi bờ" đã không còn đúng nữa. Có cả những dự đoán năm nay nước lũ sẽ không về. Bà con nháo nhác hỏi nhau, nên mạo hiểm bắt đầu vụ nuôi mới hay không.

Mùa nước nổi từ bao đời đã trở thành văn hóa của vùng đất này. Cái tên "nước nổi" hàm ý nước dâng rất chậm và theo chu kỳ, người dân thay vì phải "chống lũ" thì chỉ cần sống chung (một cách vui vẻ) với lũ. Bởi lũ là nguồn sống. Chỉ cần một chiếc xuồng, vài tay lưới là một người có thể nuôi cả gia đình. Vào mùa nước, tuy không thể trồng trọt, chăn nuôi, song bù lại người miền Tây có thu nhập từ những món quà trời cho như thủy sản tự nhiên, thu hái các loại rau đồng đem bán. Người mua cũng vui lây.

Nước nổi còn có vai trò quan trọng với nông nghiệp. Sau hai vụ lúa chủ lực là Đông xuân và Hè thu, đất đai cần được bồi đắp chất dinh dưỡng từ phù sa, nước lũ cũng giúp rửa trôi các chất độc hữu cơ trong quá trình canh tác, giúp cho vụ lúa năm sau bội thu. Ở Đồng Tháp, lũ còn giúp nông dân phát triển nghề nuôi tôm càng xanh, nuôi cá lóc bè. Năm nào lũ tràn bờ, năm đó tôm, cá trúng lớn.

Mùa lũ đang dần biến mất cùng với tình trạng biến đổi khí hậu và việc lạm dụng xây dựng đập thủy điện tại thượng nguồn. Tôi thấy cỏ dại lên nhiều, lũ chuột đang sinh sôi ào ạt trên những ruộng đồng khô nước. Lo ngại hơn, một số người canh tác vụ lúa thứ ba, vắt kiệt chất dinh dưỡng trong đất, vì vậy năng suất cũng không cao. Trẻ con thiếu tiền mua sách vở, người lớn phải chạy từng bữa ăn.

Dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan, ta phải thừa nhận rằng miền Tây đã không còn được thiên nhiên yêu chiều như trước. Thay vì trông chờ những mùa nước đầy may rủi, nhà nước và nông dân phải chủ động thích ứng với tình hình mới.

Tôi cho rằng ứng dụng các thành tựu khoa học mới để can thiệp vào quy trình canh tác truyền thống là cách khôn ngoan nhất để giảm bớt tác động tiêu cực đến nông nghiệp miền Tây. Ví dụ như tại Israel, nơi nền nông nghiệp đang phát triển hiện đại và bền vững trên sa mạc, công nghệ cao đã tạo ra điều kiện phù hợp cho cây trồng, vật nuôi bất chấp thời thiết khắc nghiệt.

Tương tự, với miền Tây, thay vì chờ phù sa bồi đắp, chính quyền có thể chỉ cho người dân cách làm gì để đất ruộng được luân canh, sử dụng quy trình hữu cơ, công nghệ vi sinh, cơ giới hóa thay cho sức lao động, khuyến khích và phổ biến công nghệ mới. Có như thế, người dân vùng lũ mới có thể yên tâm sản xuất trong một tương lai không còn nước phù sa.

Không quá khó để thay đổi thực trạng này. Ở huyện Tam Nông, mô hình cây đậu nành rau thay cho vụ lúa bắt đầu chứng minh là một giải pháp thiết thực. Sản phẩm đậu nành không những bán được giá cao mà các loại vi khuẩn có lợi trong rễ cây còn giúp đất đai màu mỡ, giúp vụ lúa tiếp theo đạt năng suất cao. Hay mô hình nuôi tôm trong bể lót bạt, ứng dụng các công nghệ mới như sục khí đáy, xử lý nước tuần hoàn, mái che, giúp người nuôi hoàn toàn có thể kiểm soát môi trường trong bể nuôi một cách chủ động.

Lũ không về. Để thích ứng với một tương lai có thể khắc nghiệt, nông dân cần nhiều hành động từ phía nhà nước. Ví dụ ngay lập tức chính quyền địa phương có thể tạo ra việc làm mới bằng cách thu hút các doanh nghiệp - không cần quy mô lớn - đầu tư, song song với đẩy mạnh dạy thêm nghề mới cho nông dân. Anh Rồi biết đâu sẽ trở thành kỹ thuật viên trên nông trang thay vì phải chạy xe ôm cho từng bữa ăn đã mất đi bát canh cá linh, bông điên điển.


theo Vnepress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh