CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Thế giới năm 2019: Diễn biến khó lường

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu leo thang từ khoảng giữa năm 2018 khi chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế 25% lên 800 mặt hàng có tổng kim ngạch 34 tỷ USD từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.

Trước khi đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày, hai bên đã áp thuế lên tổng cộng 360 tỷ USD hàng hóa của nhau, trong đó, Mỹ áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa của Washington.

Thời hạn 90 ngày bắt đầu từ 1/12/2018 (đã được điều chỉnh so với công bố 1/1/2019 trước đó), sẽ là giai đoạn thế giới nín thở chờ Mỹ và Trung Quốc giải quyết mâu thuẫn trong vấn đề thương mại. Hai nền kinh tế đứng đầu thế giới này đã áp hàng trăm tỷ USD thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng thống Trump cảnh báo, sau thời hạn 90 ngày, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, Mỹ có thể áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc

Thỏa thuận "đình chiến" có thể đã tạm khép lại một năm 2018 đầy sóng gió trong quan hệ Mỹ - Trung, song không thể đảm bảo chắc chắn một triển vọng hòa hoãn trong năm 2019. Washington Post dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong năm 2019 thậm chí có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Một số nhà quan sát của Trung Quốc thậm chí lo ngại một cuộc "chiến tranh lạnh mới".

Brexit và mối lo ngại EU tan rã


Nguy cơ về sự tan rã của Châu Âu bắt đầu từ Brexit

 

Brexit sẽ là cụm từ đầu tiên xuất hiện khi nói tới châu Âu của năm 2019. Đây là cách dùng từ ghép để chỉ việc Anh (Britain) rời (exit) Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 29/3 tới là hạn chót Anh rời EU, và tất cả đang cùng chạy đua để nước Anh ra đi với một gói thỏa thuận giữ lại lợi ích tốt nhất cho đôi bên. Nhưng giữa lúc này, cả nội bộ Quốc hội Anh cũng còn chưa thống nhất với nhau về những gì họ sẽ trưng ra cho EU. Nguy cơ “Brexit cứng”, tức một màn chia tay theo kiểu cắt đứt, “cạn tàu ráo máng” là điều có thể xảy ra.

Giới quan sát dự đoán, trong năm 2019, Anh sẽ tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng mới liên quan đến Brexit. Anh có thể sẽ rời EU mà không đạt được một thỏa thuận với EU hoặc Anh sẽ phải tiến hành lại một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về việc có rút khỏi EU hay không - một phương án mà Thủ tướng May đã nhiều lần bác bỏ.

Sau khi “cơn ác mộng” mang tên Catalunya (trưng cầu tách khỏi Tây Ban Nha) tạm qua đi, đến lượt câu chuyện ngân sách nước Ý khiến châu Âu đảo điên. Trong khi châu Âu phải cân đối bài toán tài chính, thì Ý đang lâm nợ. Các ngân hàng Pháp và Đức đang nắm giữ hơn 400 tỷ USD nợ của Ý trong năm 2018. Để so sánh, trong giai đoạn 2010 bị cho là khủng hoảng nợ, Hy Lạp chỉ nợ 115 tỷ USD.

Cho tới nay, Ý vẫn từ chối điều chỉnh ngân sách 2019 theo ý của EU. Việc tranh cãi, căng thẳng diễn ra chỉ tạo điều kiện cho các đảng dân tuý ở Rome có cơ hội khoét sâu vào hiềm khích trong EU. Nên biết, từ năm 2016 tới nay, sau sự kiện ông Trump đắc cử ở Mỹ và trưng cầu Brexit, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tuý đã lan rộng khắp châu Âu.

Bán đảo Triều Tiên chờ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2


Quan hệ Mỹ- Triều liệu có tốt hơn trong năm 2019?


Bán đảo Triều Tiên khởi đầu năm 2018 bằng tín hiệu tích cực khi Triều Tiên để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc. Năm 2019 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tín hiệu tích cực đó khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay đầu năm. Hội nghị lần một đã góp ngăn chặn nguy cơ xung đột vũ trang ở bán đảo Triều Tiên, nhưng vẫn chưa thể gỡ được bế tắc hạt nhân khi hai bên vẫn hoài nghi lẫn nhau.

20/12/2018, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên ra một thông cáo nói rằng, Triều Tiên sẽ không giải trừ hạt nhân cho đến khi Mỹ đồng ý loại bỏ mối đe dọa hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và khu vực.

Vipin Narang, chuyên gia về quan hệ Mỹ - Triều nhận định: "Thông điệp này rất quan trọng, nó ngầm nói rằng: Chúng tôi sẽ không từ bỏ nếu các ngài không từ bỏ".

Nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục khẳng định lại quan điểm này trong bài phát biểu năm mới, chính quyền Tổng thống Trump sẽ càng hoài nghi hơn về cam kết Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Điều này cũng có thể khiến ông Trump mâu thuẫn với chính chính quyền của mình khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Triều Tiên không nghiêm túc với cam kết hạt nhân, trong khi ông Trump luôn tin rằng ông đã tạo được đột phá trong vấn đề Triều Tiên.

Một cuộc chạy đua vũ trang mới?

Ngày 4/12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra thời hạn 60 ngày cho Nga tuân thủ Hiệp ước hạn chế vũ khí tầm trung (INF), bằng không Mỹ sẽ kích hoạt giai đoạn 6 tháng cảnh báo để kết thúc cam kết này.

INF là cam kết có ý nghĩa quan trọng với an ninh ở châu Âu, vì Mỹ và Nga theo đó sẽ không sản xuất tên lửa có bệ phóng đặt dưới mặt đất với tầm bắn 500 - 5.500km. Nếu tháng 2/2019 Nga không tuân thủ, INF sẽ tan tành và đồng nghĩa Mỹ không thể ngăn Nga phát triển các loại vũ khí “có thể bắn tới các nước châu Âu” này.

Bloomberg đánh giá nguy cơ INF sụp đổ rất cao, và hẳn đó là điều châu Âu và cả thế giới không mong muốn. Chỉ được ở chỗ, nó khiến Mỹ và Nga đều có lý do để phát triển vũ khí mà không bị kiềm chế, trong khi Trung Quốc vốn dĩ được tự do làm điều này lâu nay.

Giới chuyên gia quân sự cảnh báo, trong trường hợp Mỹ rút khỏi INF, Nga có thể sẽ chĩa các tên lửa thuộc diện cấm trước đó theo INF vào các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Điều này có thể kéo theo một cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và các nước phương Tây, khiến nội bộ NATO chia rẽ khi các bên khó thống nhất về cách thức đối phó Moscow.

Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp


Trung Đông được dự báo sẽ tiếp tục là điểm nóng trong năm 2019


Trung Đông được dự báo tiếp tục là điểm nóng thế giới trong năm 2019 với các cuộc xung đột chưa có hồi kết và các cuộc xung đột mới.

Mặc dù Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng điều đó không có nghĩa là điểm nóng nhất của Trung Đông đã hạ nhiệt, thậm chí giới chuyên gia cho rằng, tình hình thậm chí sẽ trở nên phức tạp hơn nữa khi Mỹ rút đi. Thực tế, ngay sau khi Mỹ tuyên bố rút quân, các lực lượng tham chiến ở Syria đã sẵn sàng cho một cục diện mới mà ở đó là sự can dự sâu hơn của Thổ Nhĩ Kỳ hay cuộc đối đầu căng thẳng hơn giữa Israel và Iran khi Tehran đang có cơ hội lớn hơn để mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Trong khi đó, tiến trình hòa bình Trung Đông nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine khó có tiến triển khi hai bên không nhượng bộ trong các vấn đề cốt lõi như vấn đề thành lập nhà nước Palestine độc lập, tranh chấp ở Jerusalem...

Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh giữa một bên là nhóm các nước Ả rập do Ả rập - Xê út dẫn đầu và một bên là Qatar cũng khó lòng giải quyết trong năm 2019.

HÀ CHÂU (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh