Thế giới ghi nhận trên 719.000 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua
- Y học 360
- 09:17 - 19/05/2022
Theo trang mạng worldometer.info, 3 quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là: Đức (64.582 ca), Mỹ (63.257 ca) và Australia (56.259 ca).
3 quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là: Mỹ (177 ca), Đức (166 ca) và Italy (136 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 84,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,7 triệu ca mắc và trên 665.000 ca tử vong.
Theo dữ liệu cập nhật mới nhất của Viện Hàm lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi của Mỹ, gần 13,2 triệu trẻ em tại nước này có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.
Trong tuần kết thúc vào ngày 12/5, Mỹ ghi nhận hơn 93.000 trẻ em mắc COVID-19, tăng 76% so với 2 tuần trước đó, đưa tổng số trẻ mắc mới COVID-19 lên hơn 246.000 ca trong 4 tuần trở lại đây và gần 5,3 triệu ca từ đầu năm đến nay. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở trẻ em tăng cao ở Mỹ.
Ngày 18/5, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cho biết, số ca mắc COVID-19 mới ở khu vực châu Mỹ đang có xu hướng tăng trở lại trong bối cảnh nhiều nước đã chấm dứt các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội và tỷ lệ tiêm vaccine ở một số nước vẫn chưa đạt yêu cầu.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Giám đốc PAHO Carissa Etienne thông báo, trong tuần qua, số ca mắc COVID-19 đã tăng 27,2% so với tuần trước đó. Trong tổng số 918.000 ca mắc COVID-19 mới được ghi nhận ở khu vực châu Mỹ trong tuần qua, 33% số ca là ở Mỹ. Đáng chú ý, việc số ca bệnh mới đã tăng tới 80% ở khu vực Trung Mỹ, trong khi tại Brazil, quốc gia đông dân thứ hai ở khu vực có số ca mắc mới tăng 9%.
Theo thông tin từ cơ quan phòng chống dịch bệnh khẩn cấp Triều Tiên, tính đến 18h ngày 17/5, nước này đã ghi nhân thêm hơn 232.880 người có triệu chứng sốt, nâng tổng số người bị sốt kể từ cuối tháng 4 lên 1.715.950 người. Trong số đó, hơn 1.024.720 bệnh nhân bình phục và vẫn còn ít nhất 691.170 người đang được điều trị. Nước này cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong liên quan dịch bệnh này, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 62 người.
Làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra tại Đức đã vượt qua giai đoạn đỉnh. Số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho thấy, tỷ lệ mắc COVID-19 đã giảm từ mức kỷ lục gần 1.600 ca/100.000 người xuống hơn 300 ca/100.000 người. Đặc biệt, sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở hai nhóm trẻ em từ 12-18 tuổi và mới nhất là 5-11 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở những đối tượng này đã giảm đáng kể so với mức cao chưa từng có được ghi nhận hồi tháng 2 là hơn 3.000 ca/100.000 trẻ em.
Theo dõi về tốc độ lây nhiễm trong trẻ em và thanh thiếu niên, ông Jakob Armann - bác sĩ cấp cao về chăm sóc nhi khoa tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật ở Dresden và ông Jörg Dötsch - Giám đốc Nhi khoa và trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Đại học Cologne nhận xét biến thể Omicron gây ra tình trạng gia tăng mạnh số mắc COVID-19 song không tác động đến số ca nhập viện.
Cùng với tuyên bố của các Hiệp hội nhi khoa Đức chỉ ra rằng, biến thể Omicron gây ra những triệu chứng bệnh ở mức độ nhẹ hơn nhiều so với biến thể Delta, ở tất cả nhóm tuổi, nghiên cứu của bác sĩ Armann cũng cho thấy quyết định triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em đã đạt được hiệu quả cao, khi số ca nhập viện hàng ngày tại các bệnh viện nhi giảm hẳn, chỉ còn trung bình 1 ca/cơ sở y tế/ngày.
Trong khi đó, Giám đốc Nhi khoa và trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Đại học Cologne khẳng định với việc báo cáo của Tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và Công ty Công nghệ sinh học BioNTech (Đức) chỉ ra, 2 mũi tiêm vaccine Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả chống hội chứng COVID-19 kéo dài hoặc viêm đa hệ ở trẻ em (PIMS) tới 91% đối với nhóm 12-18 tuổi, thì chiến dịch tiêm chủng là cần thiết. Ông Dötsch khuyên tất cả trẻ em và thanh thiếu niên trên 12 tuổi nên tiêm chủng. Ngoài nhóm đối tượng này, Ủy ban thường trực về tiêm chủng của Đức (StiKo) cũng khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, trong đó, ngoài những trường hợp mắc bệnh nền, có thể tiêm theo nguyện vọng với những em có điều kiện sức khỏe tốt. Theo Bác sĩ Armann, trẻ em từ 5-11 tuổi thậm chí dung nạp vaccine tốt hơn so với thanh thiếu niên.
Trước đó, từ tháng 12/2021, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngay sau khi nhậm chức cũng đã thành lập nhóm cố vấn cho chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với thành phần gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu dịch tễ học, xã hội học và tâm lý học.
Với phương châm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là trong nhóm đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên, Thủ tướng Đức đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ưu tiên hàng đầu cho lợi ích của trẻ em.
Theo các chuyên gia, đại dịch COVID-19 gây ra gánh nặng đặc biệt lớn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Không chỉ lây nhiễm, dịch bệnh còn để lại những hậu quả tiềm ẩn đối với trẻ từ những tác động gián tiếp của đại dịch như: Phong tỏa, các vấn đề gia đình như căng thẳng, sợ hãi, bệnh tật, tử vong hoặc mất kế sinh nhai, mất tương tác với xã hội... Vì vậy, chính sách đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để giảm tỷ lệ mắc bệnh và những hậu quả đáng tiếc ở trẻ em là hết sức cần thiết.
Theo số liệu cập nhật của Chính phủ Đức, quốc gia châu Âu này đến nay đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ cho 19,5% nhóm trẻ 5-11 tuổi và 66,7% cho nhóm trẻ 12-17 tuổi. Riêng nhóm trẻ 12-17 tuổi, 31% được tiêm mũi tăng cường thứ nhất. Trên toàn quốc, nhóm đối tượng 18-59 tuổi đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ là 82%, trong đó 63,4% đã tiêm mũi tăng cường thứ nhất; nhóm trên 60 tuổi đạt 90,9%, trong đó 79,9% tiêm mũi tăng cường thứ nhất. Hiện nay, Đức đứng thứ 17 trên thế giới về tỷ lệ tiêm chủng toàn dân.
Các bác sĩ và chuyên gia y tế của Australia kêu gọi chính phủ và chính quyền địa phương ở nước này khẩn trương áp đặt trở lại quy định đeo khẩu trang bắt buộc, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát trở lại ở một số địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Australia (AMA), Giáo sư Omar Khoshid cho biết, hệ thống y tế của bang Tây Australia sẽ không thể ứng phó với nguy cơ 25.000 ca mắc mới COVID-19/ngày, căn cứ tình hình lây lan dịch bệnh thực tế hiện nay.
Trong khi đó, Chủ tịch AMA tại bang Victoria, Tiến sĩ Roderick McRae cho biết Australia đang bước vào mùa Đông với dịch cúm thường xuất hiện rộng khắp. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, mùa cúm năm nay có thể tồi tệ hơn so 2 năm trước do các lệnh hạn chế đi lại đã được nới lỏng và người dân có nguy cơ tiếp xúc nhiều hơn với các loại virus cùng các biến thể khác nhau, bao gồm cả virus cúm thường và virus gây bệnh COVID-19.
Tại bang Victoria, AMA khuyến nghị chính quyền tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên các phương tiện công cộng, taxi, tại sân bay, bệnh viện, tòa án, trung tâm chăm sóc người cao tuổi và một số khu vực công cộng. Tiến sĩ McRae cũng khuyến nghị người dân nên tự bảo vệ sức khỏe bản thân bằng các biện pháp hết sức đơn giản, như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
Theo Giáo sư Adrian Esterman, nhà dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Nam Australia, dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát mạnh ở Australia với số ca mắc lên tới vài chục nghìn ca/ngày.
Mặc dù là một trong những quốc gia có độ phủ vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới nhưng rõ ràng virus SAR-CoV-2 vẫn đang khiến nhiều người dân Australia mắc bệnh, thậm chí tử vong, đặc biệt với một số người có vấn đề về sức khỏe.
Giáo sư Esterman thừa nhận, người dân giờ đây có thể không muốn áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch như trước bởi dịch bệnh đã kéo dài trong thời gian dài. Tuy nhiên, giáo sư nhấn mạnh, đó là điều cần thiết vì lợi ích sức khỏe của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Tỷ lệ mắc COVID-19 bình quân trên đầu người của Australia hiện vẫn rất cao, với trung bình hơn 40.000 ca mắc mới/ngày. Theo đó, nước này nằm trong nhóm các quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.
AMA dự báo số ca mắc COVID-19 có khả năng sẽ tăng đột biến trong những tháng tới, khi thời tiết chuyển sang mùa đông. Tại bang Victoria, ngày 16/5 đã có 20 người tử vong do COVID-19, trong khi tại bang New South Wales có 16 người tử vong.
Các bang của Australia hiện đã dỡ bỏ gần như hoàn toàn mọi quy định bắt buộc liên quan dịch bệnh COVID-19. Bộ trưởng Y tế Australia Grey Hunt tháng 3 vừa qua tuyên bố đã đến lúc nước này quay trở lại trạng thái bình thường. Do đó, ngày càng ít người dân Australia tự giác đeo khẩu trang tại các nơi công cộng.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Australia (ABS), tuần trước, khoảng 78% người có mặt tại các khu vực công cộng ở nước này đeo khẩu trang, ít hơn đáng kể so với tỷ lệ 90% trong tháng 3.