THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:13

Thế giới dạy tiếng Anh cho trẻ như thế nào?

 

Tại hội thảo tiếng Anh trong trường mầm non - thực tiễn và giải pháp do Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương tổ chức mới đây, TS Đặng Lộc Thọ, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết, ngày nay sinh viên các nước châu Âu (mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ) có thể sử dụng tiếng Anh để giao lưu văn hóa, kinh tế, du lịch.

Tại Australia, một quốc gia có cộng đồng dân cư đa văn hóa, dân nhập cư đến từ 200 quốc gia, nói hơn 300 ngôn ngữ, những đứa trẻ ở các gia đình nhập cư xem tiếng Anh không phải là môn học mà được lồng ghép trong mọi hoạt động. Khi đến trường tiểu học, trẻ được học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.

Ngay tại các nước nói tiếng Anh bản ngữ như Mỹ, Canada, Anh và khối thịnh vượng chung, có một bộ phận đáng kể dân nhập cư học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai để sinh sống, học tập và làm việc. Với những gia đình nhập cư, trẻ dưới 5 tuổi học tiếng bản ngữ thông qua việc chơi với trẻ e. Điều này giúp chúng phát triển ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh cho đến khi đi học tiểu học, từ đó có thể hòa nhập được với người bản ngữ.

 

Ở nhiều nước trên thế giới tiếng Anh được dạy cho trẻ mầm non như một ngôn ngữ thứ hai.

Các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippines, coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai bên cạnh tiếng mẹ đẻ, được sử dụng bắt buộc trong trường học và trẻ học tiếng Anh cùng tiếng mẹ đẻ ngay từ bậc mầm non. Ở Singapore, các nhóm trẻ và vườn trẻ cung cấp chương trình học tập bằng hai thứ tiếng: tiếng Trung (hoặc Mã lai, Tamil) và tiếng Anh. Trẻ 4-5 tuổi không những học tiếng Anh ở các kỹ năng nghe và nói mà còn học đọc và viết theo mô hình. 

Trẻ học nửa thời gian ở trường với tiếng Anh và nửa thời gian còn lại với tiếng mẹ đẻ. Phương pháp tiếp cận ngôn ngữ thứ hai ở trường mầm non là được giảng dạy như môn học hoặc được lồng ghép vào các hoạt động đa dạng của trẻ ở trường. Trẻ chơi mà học, được phát triển ngôn ngữ thông qua các hoạt động hát, nhạc, đọc thơ, nghe kể chuyện, chơi trò chơi, đóng kịch (thường được sử dụng các sách truyện, bảng chữ cái, một số sử dụng phần mềm như Learning Media, Sunshine, Magic box...) với thời lượng học tiếng Anh khá cao (3-5 giờ mỗi ngày). Ngoài ra, giáo viên còn luyện tập phát âm thường xuyên cho trẻ và cho các em xây dựng góc học tập trong lớp để hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ thứ hai.

Thầy Thọ cho hay, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh của châu Á cũng có chính sách về tầm quan trọng của tiếng Anh. Hàn Quốc đã có chiến lược nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho tới năm 2015, các môn học được coi là quan trọng gồm Toán, Khoa học, tiếng Hàn và tiếng Anh. Các trường tư thục cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ bậc học mầm non.

"Hiện thực trên cho thấy trẻ ở lứa tuổi mầm non có khả năng học thêm ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ nếu có điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, môi trường gia đình và xã hội", Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm trung ương nhận định.

Thạc sĩ Lê Thị Luận (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, ở Việt Nam hiện nay, qua thực tế khảo sát trực tiếp tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện từ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên các cơ sở giáo dục mầm non đều là tự phát và đang được áp dụng trong các trường mầm non như một môn học ngoại khóa, tương tự các môn năng khiếu. Các trường chỉ cho trẻ làm quen với tiếng Anh khi phụ huynh có nhu cầu. Tổ mầm non, các phòng giáo dục quận, huyện và ban giám hiệu các trường thực hiện việc kiểm tra, theo dõi thường xuyên.

Đội ngũ giáo viên tham gia vào việc hướng dẫn trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ tại các trường đều tự hợp đồng với các trung tâm ngoại ngữ nên họ hoặc là giáo viên chuyên ngữ, người nước ngoài, nhưng chưa có chứng chỉ về sư phạm mầm non. Ngoài ra, để phù hợp với hoạt động của trẻ mầm non, các giáo viên đều có trợ giảng. Đây là những cô giáo mầm non được đào tạo thêm về ngoại ngữ.

"Chưa có văn bản chính thức quy định chương trình, lứa tuổi cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong trường mầm non do chưa có nghiên cứu chính thức nào về một chương trình tiếng Anh dành cho trẻ em Việt Nam một cách phù hợp, chỉ áp dụng chương trình của nước ngoài nên các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng thực hiện chương trình dạy trẻ làm quen với ngoại ngữ", cô Luận cho hay.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh