Thấy gì từ cách “chống dịch” của Đà Nẵng?
- Y học 360
- 01:05 - 19/05/2021
Thần tốc, quyết liệt và đầy sáng tạo
Cuối tháng 7/2020, khi cả nước đã trải qua nhiều tháng ngày bình yên nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trong đợt 1, Đà Nẵng bất ngờ trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước với số ca dương tính tăng nhanh từng ngày. Chỉ trong hơn 1 tháng, đã có tới 389 ca bệnh dương tính, hai bệnh viện lớn nhất của Đà Nẵng bị tấn công, phong tỏa… Thời điểm đó, ít ai dám tin Đà Nẵng có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, và đưa thành phố trở lại bình yên chỉ trong chưa đầy 2 tháng. Và ngày 23/9/2020, bệnh nhân Covid-19 cuối cùng của đợt 2 tại Đà Nẵng đã được công bố khỏi bệnh.
Để có được kết quả phi thường đó, toàn bộ hệ thống chính trị thành phố và người dân đã đồng lòng "chiến đấu" thần tốc. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", Đà Nẵng đã kịp thời, quyết liệt cách ly toàn thành phố; thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch với hơn 60 "điểm nóng"; thiết lập 61 cơ sở cách ly y tế để tổ chức cách ly tập trung cho gần 12.000 người có tiếp xúc gần với những người bị nhiễm bệnh; tổ chức xét nghiệm cho hơn 320 nghìn người dân, chiếm 1/3 dân số toàn thành phố; thiết lập hai bệnh viện dã chiến… Không chỉ kiểm soát dịch thành công, Đà Nẵng còn chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có bệnh nhân 1536, được coi là trường hợp mắc Covid-19 nặng nhất cả nước.
Đà Nẵng cũng là địa phương tiên phong có nhiều cách làm sáng tạo trong phòng chống dịch, điển hình nhất là sáng kiến lấy mẫu gộp 5 trong xét nghiệm Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng, giúp đẩy nhanh tiến độ và tiết kiệm đến 20 lần chi phí so với cách xét nghiệm thông thường. Sáng kiến này đã được Thủ tướng trao bằng khen và đề nghị nhân rộng ra nhiều địa phương. Trong một buổi làm việc với Đà Nẵng đầu tháng 4/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nhận định: "Thành công của Đà Nẵng là bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cả nước".
Cũng nhờ có nhiều kinh nghiệm trong xử lý đợt dịch trước, Đà Nẵng chủ động, bình tĩnh và đưa ra nhiều quyết sách hợp lý hơn trong chiến dịch ứng phó với đợt dịch mới đang tấn công thành phố. Theo đó, thành phố chủ động khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm thần tốc, nhưng không phong toả diện rộng mà chỉ khoanh vùng, phong toả "diện hẹp" để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống người dân. Phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10 cũng được cải tiến nhằm nâng cao công suất xét nghiệm. Có ngày Đà Nẵng thực hiện lên đến hơn 22.000 mẫu- một con số kỷ lục chưa địa phương nào làm được.
Chỉ trong vòng 2 tuần kể từ khi phát hiện đợt dịch mới, Đà Nẵng liên tiếp nâng cấp độ phòng chống dịch, từ khoanh vùng đến mở rộng xét nghiệm và dừng các hoạt động không thiết yếu. Hàng loạt các chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt đưa ra như: Dừng toàn bộ các lễ hội, nghi lễ tôn giáo; các dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, karaoke, message; cấm tắm biển; tụ tập quá 30 người; cấm các cửa hàng ăn, uống bán ăn tại chỗ; người dân Đà Nẵng quay lại đi chợ bằng "tem phiếu"; xét nghiệm diện rộng ngẫu nhiên theo hộ gia đình…
Chủ động, bình tĩnh và sáng tạo, Đà Nẵng đã và đang thể hiện tinh thần "tổng tiến công" chứ không để mình bị động trong cuộc chiến chống dịch.
"Tay phải" dập dịch, "tay trái" hỗ trợ người dân, tỉnh bạn
Tối 17/5, khi cả thành phố vẫn đang "oằn mình" chống dịch với hàng loạt nhiệm vụ cấp bách, Đà Nẵng công bố quyết định hỗ trợ 12.000 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, tương đương 6 tỷ đồng cho Bắc Giang và Bắc Ninh – hai địa phương đang là tâm dịch với số ca dương tính mỗi ngày lớn nhất cả nước.
Đây không phải lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng có hành động đẹp, thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" trong cuộc chiến chống dịch suốt 2 năm qua. Trong các đợt dịch, mỗi quyết sách đưa ra đều được cân nhắc kỹ, đảm bảo "thấu tình đạt lý", để vừa đạt hiệu quả phòng chống dịch, vừa chăm lo cho cuộc sống người dân.
Gánh nặng chống chọi với dịch bệnh, song Đà Nẵng vẫn không ngần ngại nhận nhiệm vụ tiếp nhận hàng trăm chuyến bay giải cứu đồng bào về nước, lo xét nghiệm, cách ly và chữa trị cho những ca dương tính. Có khoảng 80% công dân được giải cứu về nước qua sân bay Đà Nẵng. Từ đầu năm 2021 đến nay, Đã Nẵng đã phối hợp đón 85 chuyến bay giải cứu với hơn 16.000 đồng bào về nước, trong đó, cách ly tại địa bàn thành phố Đà Nẵng là hơn 14 ngàn người.
Không chỉ lo cho dân mình, Đà Nẵng cũng luôn thể hiện nghĩa tình đồng bào, chăm lo cho quyền lợi của người dân tỉnh bạn, du khách đến với thành phố. Khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội để phòng chống dịch năm 2020, một số lượng lớn người lao động, học sinh, sinh viên, người dân ngoại tỉnh bị "kẹt" lại, không thể trở về nơi cư trú. Đà Nẵng đã ngay lập tức trình Thủ tướng cho phép và bố trí phương tiện đưa người dân trở về địa phương theo nguyện vọng. Khi Hải Dương bùng phát dịch, Đà Nẵng cũng ngay lập tức thống nhất, cho phép Tập đoàn Sun Group – đơn vị tài trợ và thi công- tháo dỡ một phần bệnh viện dã chiến (BVDC) tại Cung Thể thao Tiên Sơn để hỗ trợ tỉnh bạn xây BVDC phòng chống dịch.
Chống dịch, cần sự chủ động, quyết liệt và sáng tạo, nhưng chống dịch cũng cần lắm những trái tim ấm nghĩa tình đồng bào. Đà Nẵng đang chống dịch như thế.