CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:52

Thất bại sốc của cử tạ Việt Nam

 

Thất bại của Thạch Kim Tuấn thật sự gây sốc bởi anh luôn nằm trong tốp những đô cử hàng đầu thế giới những năm qua.

Trên trang facebook cá nhân, Phó vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao 2 Đỗ Đình Kháng thừa nhận đây là thất bại “kinh hoàng” của bộ môn cử tạ, đặc biệt ở hạng cân 56 kg nam –  nơi Việt Nam có đến 2 đô cử ở tầm thế giới. Trong số này, Thạch Kim Tuấn là trường hợp đáng tiếc nhất bởi anh từng xếp hạng 2 giải VĐTG 2014.

Kết quả rạng sáng 8/8 (giờ VN) cho thấy, VĐV đoạt HCĐ hạng cân 56 kg là Sinphet Kruaithong của Thái Lan chỉ đạt tổng cử 289 kg (132 cử giật, 157 cử đẩy). Đây là mức mà Thạch Kim Tuấn vẫn thường vượt qua khi tập luyện. Cách đây 2 năm, đô cử sinh năm 1994 này luôn vượt mức tổng cử 290 kg khi thi đấu những giải lớn. Trong đó, thành tích nổi bật nhất của anh là đứng hạng 2 giải VĐTG khi nâng thành công 296 kg (135 kg cử giật, 161 kg cử đẩy). Còn vào năm ngoái dù không có thể trạng tốt nhất, anh vẫn vượt qua được mức 287 kg để giành HCĐ thế giới.

Tuy nhiên bước vào tranh tài ở Olympic, Thạch Kim Tuấn chỉ vượt qua mức cử đẩy 130 kg, thất bại ở mức 133 kg. Còn ở cử giật, anh thất bại trong cả 3 lần nâng tạ với 2 mức 157 kg và 160 kg. Chỉ cần nâng thành công, anh sẽ ẵm huy chương đồng. Trước giải, HLV Huỳnh Hữu Chí cũng khẳng định, Thạch Kim Tuấn sẽ cầm chắc huy chương nếu đạt 95% phong độ.

Hai đô cử đứng đầu hạng cân này không phải là những cái tên xa lạ đó là Long Qingquan của Trung Quốc (tổng cử 307 kg) và Om Yun Chol của CHDCND Triều Tiên (303 kg). Mức tạ này, Thạch Kim Tuấn vẫn vượt qua trong những buổi tập nhưng vốn không chịu nhiều áp lực cũng như chưa phải “ép cân”. Việc Tuấn thi đấu dưới sức nhiều khả năng cũng chịu ảnh hưởng của việc tái phát chấn thương đầu gối dai dẳng, vốn khiến anh không thể phát huy hết tiềm năng suốt thời gian qua.

Trước giờ lên đường sang Mỹ tập huấn chuẩn bị cho Olympic 2016, bản thân Thạch Kim Tuấn rất tự tin vào việc tranh chấp HCV khi tình trạng thể lực đã hồi phục 95%. "Hiện tại, chỉ số tập luyện của tôi khá tốt, cử giật chừng 140 kg và cử đẩy chừng 163-164 kg. Tôi nghĩ muốn tranh chấp huy chương, tôi phải đạt tổng cử trên 300 kg. Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng", anh cho biết.

Trước khi đến Brazil, đô cử này chính là hy vọng số một của thể thao Việt Nam (TTVN) Trong việc tranh chấp tấm HCV (chứ không phải Hoàng Xuân Vinh). Vì thế, thất bại của Thạch Kim Tuấn là bài học đắt giá cho bản thân anh cũng như những người làm cử tạ Việt Nam, đặc biệt trong việc điều trị chấn thương, chăm lo cho VĐV.

Thi đấu bên cạnh Thạch Kim Tuấn, người đàn anh Trần Lê Quốc Toàn cũng thi đấu không thành công. Anh chỉ vượt qua mức 275 kg (121 kg cử giật, 154 kg cử đẩy). Thống kê cho thấy, thành tích của đô cử người Đà Nẵng kém hơn so với ở Olympic 2012, nơi anh vượt qua mức tạ 284 kg (125 cử giật, 159 cử đẩy).

Trước đó ở hạng cân 48 kg của nữ, á quân thế giới Vương Thị Huyền cũng thất bại theo cách không thế tin được. Cô không thể vượt qua mức 83 và 84 kg trong cả 3 lần cử giật, do đó không được tính thành tích. Còn nhớ ở giải VĐTG 2015, Huyền đã đạt tổng cử 194 kg (85 kg cử giật, 109 kg cử đẩy).

Ngày thi đấu dưới sức: Ngoài Kim Tuấn và Quốc Toàn, những VĐV hàng đầu khác của Việt Nam cũng thi đấu không thành công trong ngày thi đấu 7/8 (giờ địa phương). Nguyễn Thị Ánh Viên đạt thành tích 4 phút 16 giây 32 ở nội dung 400 m tự do, kém xa thành tích 4 phút 7 giây 96 giây cô lập được ở giải bơi lội Arena Pro Swim Series 2016. Hoàng Quý Phước chỉ cán đích ở vị trí thứ 7 sau 1 phút 50 giây 39 giây (xếp thứ 41 trên 47 vận động viên tham dự vòng loại) nội dung 200 m tự do. Thành tích này kém xa kỷ lục SEA Games (1 phút 48 giây 96 giây) mà Quý Phước lập được ở Singapore cách đây gần 1 năm.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh