CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:49

Thành viên nhóm nghiên cứu bộ test KIT phát hiện SARS-CoV-2 made in Việt Nam: Ánh đèn labo không bao giờ tắt

Bộ sinh phẩm (test-KIT) real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 cho kết quả xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm trong khoảng thời gian hơn 2 giờ, với các tiêu chí độ nhạy, độ chính xác tương đương bộ sinh phẩm do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC-US) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sản xuất.

Sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Học viện Quân y chủ trì nhằm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Made in Việt Nam

TS.BS Hoàng Xuân Sử, trưởng phòng vi sinh và các mầm bệnh sinh học, Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y là một trong số những thành viên chính của nhóm nghiên cứu đã góp phần cho ra đời sản phẩm test Kit made in Việt Nam này. TS Hoàng Xuân Sử cho biết cuối tháng 12/2019, ở Vũ Hán, Trung Quốc xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ chưa rõ nguyên nhân. Như thói quen của người làm nghiên cứu khoa học, ngay từ đầu, anh đã theo dõi sát sao thông tin về tác nhân gây bệnh mới nổi này.

Bộ test KIT phát hiện SARS-CoV-2 made in Việt Nam - Ảnh 1.

TS.BS Hoàng Xuân Sử (đứng giữa) cùng nhóm nghiên cứu.

Nhưng mãi đến ngày 13/1, nhóm các nhà khoa học mới công bố “bắt” thành công virus gây bệnh, khi thông tin di truyền của virus này được giải mã thành công. “Rất nhanh sau đó, chúng tôi đã liên lạc với một đối tác lâu năm là ĐH Charite-Berlin, Viện Y học Nhiệt đới Bernhard Nocht, CHLB Đức để có thêm tư vấn, trao đổi về thông tin di truyền trình tự đầu tiên của SARS-CoV-2 được giải mã và công bố (kí hiệu MN908947), quy trình xét nghiệm xác định 2019- nCoV (lúc bấy giờ) và liên hệ gửi về Việt Nam” – TS Sử thông tin.

Sau khi được chấp thuận là thành viên của cơ sở dữ liệu chia sẻ cúm toàn cầu (GISAID), anh Sử mới thực sự có cơ hội để tiếp cận thông tin về trình tự gen của SARS-CoV-2 được các nhà khoa học công bố trên GISAID. Đúng ngày mùng 1 Tết cả buổi chiều hôm ấy, anh đã ôm máy tính để phân tích so sánh bộ gen của virus này. Từ đó kiểm tra và thiết kế một bộ mồi và probe của mình cũng như so sánh với Mỹ, Trung Quốc để chọn lựa bộ tối ưu cho kỹ thuật real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2.

Ngày 7/2 khi Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư công bố nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2 và Viện anh đã chủ động liên hệ để nhận được vật liệu di truyền ARN của virus này phục vụ cho quá trình nghiên cứu, phát triển và đánh giá bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2.

Anh Sử còn nhớ, chiều ngày 31/1, trong cuộc họp lấy ý kiến các nhà khoa học, Bộ KH&CN đã đưa ra ba nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu bộ test KIT. Với lợi thế tìm hiểu nghiên cứu từ rất sớm nên Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự đã gửi hồ sơ đề xuất nghiên cứu phát triển bộ test kit lên Bộ KH&CN. Sau khi Hội đồng khoa học do Bộ KH&CN tổ chức thông qua đã đồng ý giao cho Viện và Viện chỉ có 2 tuần để có KIT thử nghiệm, sau một tháng có sản phẩm đưa vào sử dụng. Thời gian quá gấp rút, tất cả các thành viên trong nhóm nghiên cứu phải tăng hiệu suất làm việc lên gấp 3 lần.

Để đạt được tiến độ, TS Hoàng Xuân Sử cho hay cả nhóm đã làm việc quên cả thời gian, trong đó nhiều hôm đến đêm muộn mới kết thúc công việc. TS Sử ví von “Ánh đèn labo không bao giờ tắt mà chỉ có công việc hoàn thành khi nào thôi”. Anh em trong nhóm sinh hoạt tại chỗ, ăn cơm hộp và tranh thủ chợp mắt khi máy realtime PCR đang chạy thí nghiệm. Công việc nghiên cứu diễn ra từ trước Tết nên cả nhóm nghiên cứu gần như không có Tết. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải nghiên cứu trong điều kiện gấp rút như vậy”, anh Sử thông tin.

Thông thường, một sản phẩm như test KIT phát hiện virus phải mất khoảng 2 năm nghiên cứu, trải qua quá trình phê duyệt thuyết minh đề tài, tổ chức đấu thầu mua hóa chất, đánh giá, tối ưu quy trình, đánh giá, thử nghiệm, nghiệm thu... và cũng phải mất 2 năm để chuyển giao sản xuất, đăng ký sản phẩm. Nhưng vì dịch bùng lên quá nhanh, mọi tiền lệ đều bị phá vỡ. Nếu tính tổng thời gian nghiên cứu và hoàn thiện thì nhóm của anh Sử chỉ có 2 tháng tức là rút ngắn hơn 8 lần so với quy trình thông thường.

Bước chuyển “ngang” đầy duyên nợ

Chia sẻ về mình, TS Hoàng Xuân Sử cho biết anh vốn học bác sĩ tại Học viện Quân y. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2005. Sau quãng thời gian một năm đi thực tế đơn vị tại Quân khu 2, năm 2006, anh nhận công tác tại Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y. Hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ tại Học viện Quân y, năm 2010, anh sang Pháp làm nghiên cứu sinh chuyên ngành vi sinh và miễn dịch học tại Viện Nghiên cứu sức khỏe Quốc gia Pháp (INSERM, U823), Đại học Grenoble Alpes. Năm 2014 tốt nghiệp, anh trở về Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y tiếp tục công tác cho đến nay.

Anh Sử cho biết, tốt nghiệp bác sĩ, nhưng anh lại chuyển sang làm chuyên ngành vi sinh y học, trong đó nghiên cứu sâu về vi sinh phân tử. Đây không phải lần đầu tiên anh Sử nghiên cứu về phát triển test KIT để phát hiện virus gây bệnh. Năm 2014, anh cũng đã thành công khi là chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Quốc gia nghiên cứu bộ test KIT phát hiện vi rút Ebola. Nghiên cứu này, anh vừa được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho bộ test KIT.

Bộ test KIT phát hiện SARS-CoV-2 made in Việt Nam - Ảnh 2.

Thành viên nhóm nghiên cứu đang làm việc trong phòng thí nghiệm


“Con đường nghiên cứu không phải lúc nào cũng thuận lợi và trải đầy hoa hồng. Từ ý tưởng nghiên cứu đến khi triển khai được đề tài có nhiều lúc phải “nín thở” để chờ kết quả. Không ít đề xuất nghiên cứu của anh đã không thực hiện được vì nhiều lý do. Nhưng mỗi lần thất bại đó lại cho anh thêm động lực để tìm những ý tưởng và hướng nghiên cứu khác”, anh Sử chia sẻ.

“Nghiên cứu để phục vụ điều gì” luôn là câu hỏi thường trực mỗi lần anh định bắt tay thực hiện một đề tài nào đó. Nếu không có thực tế tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng thận ở những ca ghép thận, anh sẽ không tìm đến chìa khóa vi rút BK (BK polyomavirus) gây ra. Cũng nhờ sự tìm tòi, học hỏi mà anh đã có công trình khoa học công bố “Đặc điểm kiểu gen của BK polyomavirus trên bệnh nhân sau ghép thận ở miền Bắc Việt Nam” công bố trên tạp chí quốc tế. Việc nghiên cứu ra bộ test KIT virus SARS-CoV-2, anh cũng đã có bài viết gửi tạp chí khoa học quốc tế và đã nhận được phản biện của ban biên tập. Cho đến nay, anh đã có hơn 10 bài báo khoa học công bố quốc tế cùng với hơn 20 bài công bố các tạp chí uy tín trong nước.

Theo Tiephong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh