CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:30

Thành tựu Đổi mới là hướng về con người

 

Việt Nam đạt chỉ số phát triển tốt suốt 10 năm

Theo các chuyên gia, trong những năm đầu Đổi mới, chỉ số phát triển con người (HDI) tại Việt Nam và các nước có mức phát triển tương đồng. HDI đã tăng nhanh hơn kể từ cuối những năm 90 và Việt Nam là nước có kết quả tốt nhất tiến bộ về HDI giai đoạn 1990 - 2000, tuy nhiên vị trí này bị chậm dần trong các giai đoạn sau đó đến nay. Đáng lưu ý, phát triển HDI còn thấp hơn so với phát triển kinh tế (GDP) dẫn đến mức gia tăng bất bình đẳng thấp hơn một số nước trong khu vực.  Xem xét tiến bộ HDI trên toàn quốc, Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015 cho thấy các tỉnh đều có tiến bộ tích cực, nhưng không đồng đều. Những tỉnh tiến bộ nhất đều hướng phát triển kinh tế cùng với cân bằng với tiến bộ xã hội. Ví dụ hai đô thị TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có mức phát triển con người cao tương tự như tại Ba Lan hoặc Croatia. 

Các tỉnh nghèo như Hà Giang hay Lai Châu có mức phát triển HDI  tương đương các nước Guatemala hay Ghana. Còn Hậu Giang, Tiền Giang, Bình Phước, Thái Nguyên và Phú Yên là những tỉnh có phát triển vượt bậc. Trong khi các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Phú Thọ, Hà Tĩnh có mức tiến bộ chậm. Cũng theo các chuyên gia, thách thức đối với một nước có thu nhập trung bình như Việt Nam, là việc chuyển đổi từ giai đoạn phát triển dựa chủ yếu vào gia tăng sử dụng nguồn lực sang dựa vào nâng cao hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực cũng như gia tăng việc ứng dụng công nghệ và phát huy sáng tạo.

Khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi.

Những thách thức gặp phải trong khoảng 10 năm trở lại đây do tăng trưởng kinh tế chậm lại chủ yếu bởi các động lực tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đã đến ngưỡng giới hạn. Do vậy, Việt Nam cần có những cải cách chính sách và thể chế rộng khắp để có thể đạt được tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh phát triển mới này. Báo cáo cũng xem xét 3 trụ cột chính sách, tập trung đưa ra giải pháp cải cách thể chế và chính sách toàn diện để mở rộng việc làm có năng suất, cải thiện hệ thống dịch vụ giáo dục và y tế cũng như đổi mới hệ thống an sinh xã hội.

Theo các tác giả của Báo cáo Phát triển con người 2015, để tăng việc làm có năng suất, Việt Nam cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng hiệu suất kinh tế và sự kết nối công nghệ cũng như nuôi dưỡng sáng tạo.

Để cải thiện hệ thống giáo dục và y tế, cần cải thiện chất lượng và mở rộng tiếp cận giáo dục mầm non, giáo dục bậc cao và đào tạo nghề, đồng thời cần tiến hành đánh giá toàn diện các cải cách xã hội hóa trước khi nhân rộng.

Khuyến nghị đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội

 Trong bản Báo cáo Phát triển con người Việt Nam 2015, bên cạnh ghi nhận sự đầu tư khá lớn của Chính phủ cho việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo đói, các chuyên gia UNDP  đưa ra khuyến nghị: Cần tiếp tục đầu tư đổi mới hệ thống bảo trợ xã hội. Việt Nam cần thực hiện các biện pháp khuyến khích để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, hệ thống bảo hiểm xã hội tự chi trả, xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội dựa trên nguyên tắc “vòng đời”. Có mặt tại buổi lễ, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú UNDP nhận định: Việt Nam có tiếp tục phát triển thành công hay không phụ thuộc vào khả năng xây dựng một nền kinh tế vì mọi người và công bằng. Tuy nhiên, điều này cần bắt nguồn từ khả năng cung cấp việc làm đầy đủ, cơ hội và bảo trợ cho tất cả mọi người.

“Cần tập trung nhóm người nghèo và nhóm thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt với những người có thu nhập không cao hơn nhiều so với chuẩn nghèo, những người làm việc trong khu vực không chính thức, người di cư đến đô thị và nông dân bởi cơ hội phát triển và được bảo vệ của họ rất hạn chế.Năng lực của họ chưa được sử dụng hết, sự tham gia và năng suất lao động của họ rất quan trọng đối với phát triển thành công ở Việt Nam...”- bà Pratibha Mehta lưu ý. Theo đó, năng suất lao động của những nhóm người này đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển thành công ở Việt Nam. Bà Pratibha Mehta khẳng định sự phát triển và thành công của Việt Nam phụ thuộc vào khả năng xây dựng một nền kinh tế vì mọi người và công bằng, bắt nguồn từ khả năng cung cấp việc làm đầy đủ, cơ hội và bảo trợ cho tất cả mọi người.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng bình luận, những thông tin chính thức của Báo cáo Phát triển con người năm 2015 đưa ra những thông điệp, nhiều kiến nghị và chính sách đúng thời điểm Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và chuẩn bị triển khai Chương trình Nghị sự Phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó trọng tâm là tăng trưởng bao trùm và xóa bỏ đói nghèo. Đây được coi là luận cứ quan trọng góp phần cụ thể hóa đường lối chính sách phát triển kinh tế xã hội Việt Nam như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra.

MINH HOÀNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh