Thanh tra lao động lĩnh vực xây dựng tại Đồng Nai: Đụng đâu sai đó
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:24 - 12/05/2016
Kết quả thanh tra cho thấy doanh nghiệp xây dựng vi phạm khá nhiều lỗi (trung bình 17 lỗi/doanh nghiệp); riêng tại 2 doanh nghiệp không có công trình được kiểm tra vi phạm 13 lỗi/doanh nghiệp.
Giàn giáo tại công trình xây dựng Trường THCS Long Khánh (Đồng Nai) không đảm bảo an toàn
Theo đó, đoàn thanh tra đã đình chỉ hoạt động đối với 6 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động hết hạn kiểm định vẫn sử dụng; Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp tổng số tiền 72.000.000 đồng, do vi phạm Quy chuẩn an toàn lao động trong xây dựng và không cấp đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Những vi phạm cụ thể là: Thiết bị không đảm bảo an toàn; Vi phạm về an toàn điện; Vi phạm an toàn giàn giáo; Vi phạm quy chuẩn an toàn máy hàn điện; Vi phạm về ghi sổ nhật ký an toàn công trường. “Sổ nhật ký an toàn không được xác nhận của Chủ đầu tư hoặc tư vấn giám sát, không có đủ các chữ ký của người có trách nhiệm, không ghi cụ thể các yếu tố nguy cơ được đánh giá, biện pháp an toàn đã thực hiện và người vi phạm (nếu có) mà chỉ ghi chung là “đảm bảo an toàn”- ông Lê Mạnh Kiểm, Phó trưởng phòng Thanh tra An toàn vệ sinh lao động (Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH), trưởng đoàn thanh tra cho biết.
Cũng theo ông Kiểm, nguyên nhân vi phạm từ 2 phía, cả do nhận thức của doanh nghiệp lẫn người làm công tác an toàn lao động. “Các lỗi không phân loại đầy đủ lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện các chế độ liên quan là do nhận thức của người sử dụng lao động và cán bộ nhân sự. Việc doanh nghiệp không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, không khám sức khỏe khi tuyển lao động, không trang bị đủ các bộ phận để giàn giáo đảm bảo an toàn, là đã cắt bớt chi phí cho công tác an toàn vệ sinh lao động”, ông Kiểm thông tin.
Cùng với đó, kiến thức an toàn lao động của người làm công tác an toàn lao động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm. Việc không nhận diện các yếu tố nguy hiểm về rò điện, bộ phận chuyển động của máy hở, nguy cơ nghiêng sập giàn giáo, rơi ngã khi làm việc trên cao… là do kiến thức an toàn vệ sinh lao động của chủ doanh nghiệp và người làm công tác an toàn vệ sinh lao động chưa đầy đủ. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã thuê tổ chức dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động nhưng nhận thức, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp không nâng lên; doanh nghiệp vẫn chưa có đủ quy trình, biện pháp an toàn đối với các công việc có yếu tố nguy hiểm; tài liệu huấn luyện không có hoặc nội dung không phù hợp đối với yếu tố nguy hiểm thực tế tại công trình.
“Một số doanh nghiệp đã được Đoàn kiểm tra về an toàn lao động liên ngành của địa phương kiểm tra (trong dịp Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động năm 2016), nhưng không được chỉ ra các vi phạm quy chuẩn an toàn trong xây dựng cụ thể để xử lý và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Thực thế thanh tra lại vẫn phát hiện trung bình lỗi 17 lỗi/doanh nghiệp có thi công công trình xây dựng”, ông Kiểm cho biết thêm.
Neo giàn giáo được lắp đặt không đúng thiết kế
Vi phạm về an toàn điện: không trang bị phích cắm điện - cắm dây trực tiếp vào ổ cắm điện
Cùng với đó, việc thẩm định hồ sơ dự thầu của các cơ quan có thẩm quyền chưa chặt chẽ về biện pháp an toàn thi công ứng với yếu tố nguy hiểm trên thực địa, do vậy vẫn có yếu tố nguy hiểm nhưng biện pháp an toàn chưa cụ thể; các sổ nhật ký thi công chưa được xác nhận của chủ đầu tư theo quy định tại Điều 18 Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng; sổ nhật ký an toàn lao động thì ghi chép sơ sài, chung chung là “đảm bảo an toàn”.
Theo đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật cho người sử dụng lao động trên địa bàn, trong đó chú trọng các nội dung doanh nghiệp thường vi phạm: ghi hợp đồng lao động, phân loại chức danh nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ghi hợp đồng lao động và kê khai làm sổ bảo hiểm xã hội đúng với chức danh nghề do Bộ LĐ-TB&XH quy định; đánh giá các yếu tố nguy hiểm trên công trường và các biện pháp xử lý.
Tăng cường giám sát chất lượng các tổ chức dịch vụ huấn luyện trên địa bàn tỉnh. Việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp xây dựng thì chương trình,tài liệu, giảng viên phải phù hợp với các Quy chuẩn về an toàn trong xây dựng và thực tế các yếu tố nguy hiểm thực tế tại công trình; Tiếp tục thực hiện Chiến dịch thanh tra lĩnh vực xây dựng năm 2016, rà soát các dự án xây dựng và tiếp tục thanh tra các công trình nhà cao tầng, nhà xưởng, cầu, cảng đang thi công trên địa bàn tỉnh.