THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:27

Thanh tra Dự án buýt nhanh BRT: Thiết kế bất cập, chi hơn 42 tỉ đồng không rõ ràng

Mới chỉ đáp ứng chưa đầy 50% công suất

Ghi nhận của PV Báo Lao Động vào khung giờ cao điểm ngày 8 và 9.10 trên dọc tuyến đường của BRT hoạt động cho thấy, vào khung giờ này lượng khách trên xe không quá đông đúc, chật chội.

Theo con số báo cáo của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, tuyến xe buýt nhanh BRT đã đạt được 92.838 lượt xe. Số lượng hành khách là 3,72 triệu lượt khách. Trung bình 40,2 khách/mỗi lượt/tuyến trong khi công suất tiêu chuẩn là 90 khách/lượt. Tức là mới chỉ đáp ứng được chưa đầy 50% công suất.

Thực tế này càng chứng minh cho Kết luận số 1468/KL-TTCP ký ngày 4.9.2018 của TTCP về dự án này. Theo đó, TTCP đánh giá việc đầu tư dự án chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

Hoạt động của tuyến buýt BRT qua trạm Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

TTCP nhận định, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra và có nhiều vấn đề trong suốt quá trình khảo sát, đầu tư xây dựng dự án. Cụ thể, dự án chậm tiến độ 6 năm so với thời gian phê duyệt, còn trước đó, UBND TP.Hà Nội tổ chức 3 đoàn đi nghiên cứu, khảo sát tại Brazil, Colombia, Ecuador, Indonesia nhưng 1 đoàn không có báo cáo kết quả và 2 đoàn có báo cáo nhưng không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát. Các tổ được cử đi không có tài liệu để tham gia, đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe BRT, không đạt mục tiêu của việc khảo sát. Việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu từ năm 2008-2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt, vi phạm quy định.

Trong dự toán 7 gói thầu xây lắp có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung nhưng chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền 332,380 triệu đồng.

Không chứng minh được khoản giải ngân 42,4 tỉ đồng

Liên quan tới gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị, đoàn xe BRT (35 xe), TTCP xác định chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp rắp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu) nên không có cơ sở quản lý giá và căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.

Không chỉ vậy, một trong 2 nhà thầu là Cty cổ phần Thiên Thành An được giải ngân 42,405 tỉ đồng mà không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.

Ngoài ra, chủ đầu tư đã bổ sung các thiết bị vào gói thầu CP08 có tổng giá trị là 17,687 tỉ đồng, không tổ chức đấu thầu mà ký phụ lục hợp đồng bổ sung với nhà thầu vi phạm quy định. Đối với dịch vụ kiểm tra xe và vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ: chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí (tiền ăn, thuê xe,...) số tiền vượt so với hợp đồng đã ký 206,83 triệu đồng gây thất thoát ngân sách nhà nước.

TTCP xác định trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc UBND TP.Hà Nội, Sở GTVT, Ban QLDA, Tư vấn thiết kế.

Theo Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh