Thanh thiếu niên yêu cầu môi trường thực phẩm lành mạnh hơn
- Tây Y
- 11:13 - 28/02/2023
Hệ thống thực phẩm ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, được biết tới với nền văn hóa ẩm thực đa dạng và đặc sắc đang thay đổi nhanh chóng. Chế độ ăn gồm những thực phẩm truyền thống, tươi ngon và lành mạnh đang bị thay thế bởi sự gia tăng tiêu thụ thực phẩm 'rác' đã qua chế biến kỹ và đồ uống chứa nhiều đường, muối và chất béo không tốt cho sức khỏe.
Trẻ em trên toàn khu vực đang lớn lên trong môi trường đẩy mạnh việc bán và tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống 'rác' này, thay vì những lựa chọn khác lành mạnh hơn. Kết quả là, cứ ba thanh thiếu niên thì có hơn một em uống ít nhất một loại đồ uống có đường mỗi ngày; hơn một nửa các em tiêu thụ thức ăn nhanh một lần hoặc hơn trong vòng một tuần; và ít hơn một nửa các em đang ăn đủ trái cây và rau quả mỗi ngày. “Hiện nay, trẻ em và thanh thiếu niên bị bủa vây bởi các hoạt động tiếp thị đồ ăn vặt ở mọi nơi: trên mạng, trên đường đến trường, trên truyền hình và thậm chí khi đang đứng xếp hàng thanh toán ở cửa hàng tạp hóa. Kết quả là có quá nhiều trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương có chế độ ăn nghèo nàn, không lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của các em. Đã đến lúc chúng ta thay đổi điều này!” Bà Debora Comini, Giám đốc UNICEF tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương chia sẻ.
UNICEF đã hợp tác chặt chẽ với các chính phủ và đối tác để ban hành các chính sách và điều luật nhằm hạn chế sự gia tăng việc tiếp thị thực phẩm và đồ uống không lành mạnh, chẳng hạn như cấm quảng cáo và bán thực phẩm không lành mạnh trong và xung quanh trường học, ghi chú nhãn dinh dưỡng rõ ràng trước bao bì sản phẩm, và thu thuế đối với đồ uống có đường bên cạnh các điều luật khác.
Để thúc đẩy nhu cầu về môi trường thực phẩm lành mạnh hơn, UNICEF đang hỗ trợ chiến dịch “Fix My Food” do các bạn trẻ lãnh đạo nhằm nâng cao nhận thức về nhu cầu tạo ra môi trường thực phẩm lành mạnh hơn ở Trung Quốc, Campuchia, Liên bang Micronesia, Fiji, Mông Cổ, Quần đảo Solomon, Timor-Leste và Việt Nam.
Các bạn thanh thiếu niên, cùng với những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng từ tám quốc gia này đã tham gia hội thảo đồng sáng tạo “Fix My Food” kéo dài hai ngày ở Băng Cốc để lên ý tưởng và xác định các đối tác tiềm năng, giúp triển khai chiến dịch ở từng quốc gia tương ứng.
Đầu bếp Nak, cô Ros Rotanak, nữ đầu bếp nổi tiếng đầu tiên của Campuchia và Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019, cô Lương Thùy Linh cũng là tham gia hội thảo sáng tạo và sự kiện ra mắt.
Chia sẻ suy nghĩ của mình, Chef Nak cho biết “Tôi rất tin tưởng vào việc bảo tồn và phát huy các món ăn truyền thống để tôn vinh văn hóa Khmer thông qua các món ăn ở quê hương tôi. Thực phẩm không chỉ là những gì chúng ta ăn, nó là một phần của văn hóa, gia đình và truyền thống cộng đồng của chúng ta. Tôi rất vui khi được hỗ trợ những nhà vô địch trẻ tuổi này, để bảo tồn, bảo vệ và đảm bảo rằng môi trường thực phẩm của chúng ta có thể được tiếp cận môt cách bình đẳng và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người’.
“Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào việc ăn uống lành mạnh và lối sống lành mạnh. Tôi tham gia chiến dịch này với hy vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau thay đổi hệ thống thực phẩm yếu kém. Chúng ta cần đảm bảo rằng mọi người, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, có cơ hội và quyền được lựa chọn thực phẩm lành mạnh, dù các em ở đâu, ở nhà, trong và xung quanh trường học hay trong chính cộng đồng của mình”, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019 Lương Thùy Linh phát biểu.
Với sự dẫn dắt của các bạn thanh thiếu niên trong chiến dịch “Fix My Food” và sự hỗ trợ từ những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng, UNICEF hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về tác động của việc thay đổi môi trường thực phẩm đối với cuộc sống của các trẻ em trai và trẻ em gái, cũng như nhu cầu cấp thiết đối với các chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội nhằm thực hiện hành động tập thể để xây dựng một môi trường thực phẩm lành mạnh hơn trên toàn khu vực.
Phát biểu tại sự kiện, anh Ricardo Valente Basmeri dos Reis Araujo, 24 tuổi, đến từ Timor-Leste cho biết “Chiến dịch này rất độc đáo, được thiết kế và lãnh đạo bởi chính chúng tôi và sẽ được thực hiện bởi mỗi cá nhân theo cách riêng của mỗi quốc gia. Chúng tôi rất vui mừng được trở thành một phần của phong trào này để giúp môi trường thực phẩm lành mạnh hơn và dễ tiếp cận hơn đối với mọi trẻ em và mọi thanh niên ở Đông Á và Thái Bình Dương.”
Là một phần công việc của UNICEF nhằm huy động và trao quyền cho thanh thiếu niên hành động, sáng kiến này sẽ được thực hiện ở tám quốc gia tham gia và sẽ được hỗ trợ bởi các văn phòng và đối tác của UNICEF tại các quốc gia.