CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:12

"Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay"

Chủ trì buổi tọa đàm có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Tham gia tọa đàm có các nhà quản lý, nhà báo, chuyên gia giàu kinh nghiệm đã và đang có nhiều đóng góp trong công cuộc chuyển đổi số, cùng hơn 200 đoàn viên, thanh niên, sinh viên.

Chuyển đổi số đến từ con người chứ không phải công nghệ

Tại buổi toạ đàm, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Chuyển đổi số là con đường khó khăn vô cùng. Chúng ta có thể tạo ra hàng trăm sản phẩm mới phát triển ứng dụng mới nhưng những sản phẩm đó chẳng giúp ích gì nếu chúng ta không có tư duy mới, nếu không giải quyết những vấn đền văn hoá cốt lõi, sự phối hợp, cách tương tác với độc giả và cả cách tương tác với nhau trong toà soạn thì chuyển đổi số không có tác dụng gì.

Ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm

Ông Lê Quốc Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm

"Chuyển đổi số đến từ con người chứ không phải công nghệ. Nhiều cơ quan báo chí cho rằng chỉ cần mua một số máy móc, phần mềm là chúng ta chuyển đổi số xong. Một số cơ quan báo chí địa phương khi gửi đề án chuyển đổi số để tham vấn trước khi báo cáo lên tỉnh uỷ, chính quyền chỉ là kế hoạch mua thêm bao nhiêu máy tính, máy ảnh, máy quay, phần mềm - đó không phải chuyển đổi số. Mua sắm thiết bị hay công nghệ không phải chuyện khó, khả năng thích nghi với tương lai digital của mỗi cơ quan tuỳ thuộc vào việc phát triển kỹ năng mới, thu hẹp khoảng cách cung cầu nhân lực chất lượng cao, khai phá tiềm năng của chính mình và những người khác để vượt qua những thử thách", ông Lê Quốc Minh nói.

Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số là tạo thêm giá trị tương tác với người dùng và khách hàng, chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục viết bài như thế, chụp ảnh như thế, làm chương trình phát thanh truyền hình như thế thì không gọi là chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải tạo ra những sản phẩm mới, thậm chí là văn hoá mới trong toà soạn. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hoá công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy, phân cấp trong toà soạn, mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm bên rìa mà thôi. 

Tận dụng sức mạnh của AI để phát triển

Theo anh Nguyễn Ngọc Long, Bí thư Đoàn Thanh niên Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, trên thực tế, việc triển khai chuyển đổi số trong tổ chức Đoàn hiện nay còn chậm, chưa đồng bộ nếu xét toàn diện trên phạm vi tổng thể cả nước. Một phần nguyên nhân trở ngại là do cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận đoàn viên, thanh niên còn tư duy ngại thay đổi trong việc tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ, chưa mạnh dạn nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó để thể hiện vai trò, năng lực của tuổi trẻ.

Trước làn sóng trí tuệ nhân tạo AI hiện nay, ông Đặng Hải Lộc - Founder nền tảng Theo dõi & Cảnh báo thông tin VnAlert cho rằng, sự chuẩn bị cho những xáo trộn do AI mang đến là không bao giờ thừa nhưng AI không chỉ mang lại toàn thách thức, mà nó cũng ẩn chứa rất nhiều cơ hội và mang đến sức mạnh để mỗi cá nhân tạo ra những sản phẩm tốt hơn, hiện thực hoá nhiều ý tưởng mà trước đây chúng ta chỉ dám mơ tới.

Bằng cách chuẩn bị sớm, chuẩn bị tốt, các đoàn viên, thanh niên sẽ tìm thấy cho mình, góp sức cho tổ chức mình, chiếm lĩnh những chỗ đứng có lợi thế trong làn sóng AI này và rộng hơn là giúp Việt Nam tận dụng được sức mạnh của AI để phát triển đất nước.

“Chúng ta hãy cập nhật hàng ngày thông tin về AI và việc AI đang được ứng dụng trong ngành, lĩnh vực mà mình quan tâm như nào; Học qua thực hành, bắt đầu dùng ngay ChatGPT, POE hay VnGPT, thử áp dụng ngay AI vào công việc của mình, để từ trải nghiệm thực tế hình thành tầm nhìn cho tương lai” - ông Đặng Hải Lộc cho biết.

Các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam cần xây dựng được nền tảng riêng và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực

Anh Hoàng Trọng Sang, Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn BKAP, Phó trưởng ban Biên tập Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt cho rằng, nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay rất chú trọng phát triển báo mạng điện tử. Báo mạng điện tử có những đóng góp rất quan trọng vào thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Để quá trình chuyển đổi số quốc gia có thể thành công, cần dựa vào sức mạnh của báo chí - truyền thông nói chung và đặc biệt là báo mạng điện tử nói riêng. Ngược lại, cần nhận thức đúng đắn vai trò của báo mạng điện tử trong quá trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh của báo mạng điện tử.

“Để phát huy tốt vai trò của báo mạng điện tử trong quá trình chuyển đổi số quốc gia hiện nay, các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam cần xây dựng được nền tảng riêng, kiểm soát, chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng. Chúng ta cần tổng hợp các giải pháp từ chính sách đến thực tiễn, trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nêu cao vai trò chủ động trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí và định hướng thông tin truyền tải đến công chúng để đạt được hiệu quả cao nhất”, anh Hoàng Trọng Sang chia sẻ.

TS Lê Vũ Điệp - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trình bày tham luận về công tác đào tạo sinh viên thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số

TS Lê Vũ Điệp - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trình bày tham luận về công tác đào tạo sinh viên thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số

Bàn về công tác đào tạo sinh viên thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số, TS. Lê Vũ Điệp - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: Thị trường lao động trong lĩnh vực báo chí đang thay đổi. Nhu cầu nhân lực của thị trường lao động trong lĩnh vực báo chí cần hướng đến mục tiêu đào tạo nhà báo đa năng (All – in – One). Với mục tiêu này, các nhân lực ngành có thể đảm trách đa nhiệm các công việc liên quan đến thực hành nghiệp vụ báo chí như phát hiện và xử lý thông tin, viết bài, thiết kế nội dung, chụp ảnh/ghi hình kĩ thuật số; xử lý dữ liệu phản hồi từ công cúng, quản trị hiệu quả truyền tải thông tin…

Việc đào tạo nhân lực cho ngành báo chí theo hướng số là nhằm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thông tin dữ liệu (big data) vào quản trị các nội dung thông tin, ứng dụng thực tế ảo (VR) hay UX/UI…trong các sản phẩm báo chí. Báo chí định hướng công nghệ, về cơ bản, tạo bước ngoặt cho sự phát triển của lĩnh vực này.

Theo TS. Lê Vũ Điệp, công tác đào tạo báo chí hướng đến cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đa năng (giỏi cả về chuyên môn nghiệp vụ báo chí thông tấn, giỏi về công nghệ đa phương tiện, có khả năng chủ động và tự lực trong sáng tạo các sản phẩm nội dung báo chí) là tất yếu khách quan.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng các diễn giả chụp ảnh lưu niệm với các đoàn viên, sinh viên tham dự tọa đàm

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng các diễn giả chụp ảnh lưu niệm với các đoàn viên, sinh viên tham dự tọa đàm

Đội ngũ nhân lực này, ngoài lĩnh vực báo chí, cũng có thể hoạt động trong nhiều ngành khác, chẳng hạn như truyền thông sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa giá trị….

Cũng tại buổi tọa đàm, các đoàn viên, sinh viên đã đặt các câu hỏi cho nhà báo Lê Quốc Minh xung quanh vấn đề chuyển đổi số, về hướng nghiệp cho thanh niên trước thách thức hiện nay...

AN NHIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh