Thanh Hoá vẫn còn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT
- Y học 360
- 21:46 - 18/07/2021
Gần 40.000 trường hợp vi phạm TT ATGT
Ngay từ đầu năm, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức ra quân đảm bảo ATGT năm 2021, ban hành các kế hoạch, phương án chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh theo chức năng; trong đó có Kế hoạch số 415/KH-CAT-PV01 ngày 31/12/2020 về huy động lực lượng phối hợp tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trên các tuyến đường bộ; Kế hoạch cao điểm đảm bảo TTATGT, TTCC trước, trong và sau các dịp lễ, tết.
Qua công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm 6 tháng đầu năm trên các tuyến đường bộ, các lực lượng CSGT, CSTT, CSCĐ đã lập biên bản xử lý 39.595 trường hợp (14.522 ô tô, 24.829 xe mô tô, xe máy điện, 244 xe khác), tạm giữ 6.671 phương tiện (1.252 ô tô, 5.330 xe mô tô, 89 xe khác), tước 3.142 GPLX, tịch thu 23 GFLX giả, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước trên 73 tỷ đồng. Trong đó xử phạt 2.927 trường hợp xe vi phạm tải trọng trên 15 tỷ đồng, xử phạt 2.487 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trên 8 tỷ đồng, xử phạt không đội mũ bảo hiểm 13.322 trường hợp, phạt tiền trên 3 tỷ đồng, xử phạt 1.473 trường hợp xe chở hàng quá thùng hàng trên 4 tỷ đồng.
Lực lượng thanh tra giao thông đã tuần tra kiểm soát lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 261 trường hợp, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn 86 trường hợp; tước phù hiệu xe 96 trường hợp; nộp KBNN 4 tỷ đồng. Về đường thuỷ nội địa, lực lượng CSGT đã kiểm tra địa bàn các huyện Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Yên Định, thị xã Nghi Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa … phát hiện xử lý 92 trường hợp vi phạm hành chính về ATGT đường thuỷ, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 647 triệu đồng.
Xử phạt vi phạm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm: xử lý 39.949 trường hợp, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 8.763 trường hợp vi phạm (giảm 17,9%); nộp Kho bạc Nhà nước với số tiền gần 78 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2020 số tiền phạt giảm 8,38 tỷ đồng (giảm 9,7%); trong đó, xử phạt vi phạm chở quá tải trọng. Các lực lượng chức năng Sở GTVT, Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp kiểm soát, xử lý xe ô tô vi phạm 24h/24h trong ngày và 7 ngày/tuần, đã lập biên bản xử lý trên các tuyến là 2.927 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước trên 15 tỷ đồng. Lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản xử phạt 205 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước gần 4 tỷ đồng. Tổng số tiền các lực lượng chức năng xử phạt phương tiện vi phạm tải trọng trong 6 tháng đầu năm trên 19 tỷ đồng.
Vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hoá luôn tăng cường các giải pháp nhằm đảm bảo TT ATGT trên địa bàn toàn tỉnh, song hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ cao (98,4% về số vụ, 94,5% số người chết, 100% số người bị thương); đã xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường tỉnh 530 qua địa bàn huyện lang Chánh làm 07 người tử vong vào ngày 23/3/2021 và 01 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên QL1 qua địa bàn tỉnh Nghệ An liên quan đến xe khách Thanh Hóa làm 02 người tử vong và nhiều người khác bị thương.
Nguyên nhân chính xảy ra các vụ tai nạn giao thông là do vi phạm tốc độ, thiếu chú ý, quan sát, đi sai phần đường; người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia quá nồng độ cho phép, sử dụng lòng, lề đường làm dịch vụ, tổ chức sự kiện, đậu đỗ xe trái quy định...
Do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao; hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông vẫn diễn ra, một số nơi hiệu quả đạt được chưa cao, đặc biệt là việc dựng rạp tổ chức đám cưới trên các tuyến giao thông ở một số địa phương chưa được xử lý dứt điểm.
Các phương tiện xe chở quá tải trọng vẫn né tránh các lực lượng chức năng lén lút hoạt động trên các tuyến giao thông, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT ở một số địa phương còn có những mặt hạn chế. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với sự gia tăng phương tiện và nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân.
"Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông"
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn cho biết: "Nhằm khắc phục những nguyên nhân trên, trong thời gian tới, tỉnh thanh Hoá tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBATGTQG, UBND tỉnh Thanh Hoá, Ban ATGT tỉnh về công tác đảm bảo trật tự ATGT, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung Kế hoạch số 01/KH-BATGT ngày 05/01/2021 của Ban ATGT tỉnh với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông" gắn với phòng chống dịch COVID-19. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành; trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo trật tự ATGT theo Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 28/01/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá.
Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT nhằm hạn chế, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị Số 08/CT-UBND ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh; tăng cường phối hợp đảm bảo các điều kiện an toàn hàng không.Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ vànâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, nâng cấp gắn với duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo hành lang ATGT, rà soát đề xuất cơ quan có thẩm quyền ưu tiên thực hiện các hạng mục bảo đảm an toàn giao thông như: điều chỉnh bổ sung biển báo, biển hướng dẫn; xử lý vị trí điểm đen, vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông; đặc biệt là trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, khu vực đô thị, những nơi có mật độ tham gia giao thông cao".
"Siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe;đề xuất các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giáo trình dạy học lái xe ô tô, mô tô (tăng số giờ thực hành, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc,...) nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng lái xe, xử lý tình huống cho học viên. Nâng caochất lượng đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ; thực hiện việc lưu trữ hình ảnh các phương tiện đến đăng kiểm để cung cấp cho các lực lượng chức năng trong trường hợp phương tiện sau khi đăng kiểm vi phạm các quy định khi tham gia giao thông. Kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới; đặc biệt là xử lý nghiêm đối với các phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định lưu thông trên các tuyến giao thông.
Nâng cao chất lượng xe buýt, xe khách liên tỉnh, xe đưa đón học sinh, công nhân để khuyến khích người dân và trẻ em đi lại bằng dịch vụ công cộng nhằm giảm mật độ phương tiệntrên đường bộ. Siết chặt quản lýkinh doanh vận tải; tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.Yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tiếp tục phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho đội ngũ lái xe; cung cấp thông tin lái xe sử dụng ma túy, chất kích thích, vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông cho ngành công an và các cơ quan tư phápđể có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất về đảm bảo ATGT đường thủy trên các tuyến sông, suối, hồ, đập...; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa trước, trong mùa mưa bão; tập trung kiểm tra rà soát công tác đảm bảo an toàn đối với các bến khách ngang sông, hoạt động đò ngang, cầu treo, cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh, xây dựng phương án sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra TNGT đường thủy; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa trong tình hình mới" - Chủ tịch Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.