Thanh Hoá: Thành tựu sau nửa nhiệm kỳ
- Tây Y
- 13:30 - 20/10/2023
Dấu ấn giữa nhiệm kỳ
Trong nửa nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với cả nước, Thanh Hóa bước vào triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức khó lường và cả những vấn đề mới. Nhưng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm cao, Thanh Hóa đã vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước; tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung.
GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,3% năm 2020 xuống còn 13,8% năm 2023; ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 41,8% lên 48,4%; ngành dịch vụ chiếm 31,8% và thuế sản phẩm chiếm 6,0%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao và khá toàn diện, giữ vai trò nền tảng cho sự ổn định kinh tế xã hội.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,85%, cao hơn mục tiêu 3% mà Nghị quyết đã đề ra; sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 1,59 triệu tấn, đạt mục tiêu Nghị quyết. Hoạt động sản xuất nông nghiệp chuyển dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; lấy nông dân làm trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 48,15%), có 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 78,1%), 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP 5 sao.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá nguyên, nhiên, vật liệu biến động liên tục, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 15,41%/năm, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Có 20/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng sản phẩm năm 2023 tăng so với năm 2020; một số sản phẩm có sản lượng trong nhóm đầu của cả nước như: Lọc hóa dầu, xi măng, thép.
Giai đoạn 2021 - 2023, đã hoàn thành, đưa vào hoạt động một số cơ sở công nghiệp mới, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; đồng thời đã triển khai đầu tư một số dự án công nghiệp lớn.Tăng trưởng ngành xây dựng bình quân hằng năm ước đạt 10,11%. Công tác quy hoạch được đặc biệt quan tâm.
Thanh Hóa là tỉnh thứ tư trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra tầm nhìn, không gian, động lực mới cho sự phát triển của tỉnh nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 ước đạt 38%, tăng 3% so với đầu nhiệm kỳ.
Các ngành dịch vụ mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, song đã phục hồi nhanh, trong đó một số ngành phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,95%/năm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 13,5%/năm. Giá trị xuất khẩu vẫn ở mức khá, bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 đạt 11,6%; giá trị xuất khẩu năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa, sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng mạnh, tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm, từ 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao hằng năm; trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt trên 409.000 tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu của cả giai đoạn, gấp 1,25 lần giai đoạn 2016 - 2018.
Thu hút đầu tư, khởi công các dự án lớn
Đáng chú ý là cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh thu hút được 170 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 22 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 33.676 tỷ đồng và 214 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh cũng đã khởi công đầu tư một số dự án lớn, như: dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tổng vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng; dự án Flamingo Hải Tiến, tổng đầu tư 3.350 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân, tổng đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng; dự án nhà máy Điện mặt trời Thanh Hóa 1, tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng; dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn 2, tổng mức đầu tư gần 4.800 tỷ đồng.
Một số dự án lớn hoàn thành, đi vào hoạt động và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước của tỉnh như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2, tổng mức đầu tư gần 61.000 tỷ đồng; Kho đầu mối ngoại quan Anh Phát, tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng; Trạm nghiền xi măng Long Sơn, tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng.Giai đoạn 2020 – 2023, tỉnh đã khởi công xây dựng nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối các trung tâm kinh tế động lực, các vùng miền, các trục giao thông huyết mạch của cả nước; qua đó tạo điều kiện để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tăng cường kết nối, mở rộng không gian, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh có bước cải thiện rõ rệt; chỉ số PAPI năm 2022 xếp thứ 3 cả nước, chỉ số PAR INDEX xếp thứ 10 cả nước, chỉ số SIPAS xếp thứ 5 cả nước, tăng 19 bậc so với năm 2021. Công tác phát triển doanh nghiệp được quan tâm. Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 71,3% mục tiêu Nghị quyết, đứng thứ 7 cả nước, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 112.000 tỷ đồng. Ước hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 5,6 doanh nghiệp/1.000 dân.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ đồng bào sinh sống ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn; cấp đất, hỗ trợ làm nhà và tạo sinh kế cho đồng bào sinh sống trên sông lên bờ để ổn định cuộc sống; phối hợp với Bộ Công an xây dựng 600 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát. Công tác giảm nghèo đạt kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo ước đến hết năm 2023 chỉ còn 3,97%. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố bạn được tăng cường.
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế phía Bắc Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.