Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tạo mọi cơ hội tốt nhất cho nhà đầu tư
- Tây Y
- 20:19 - 19/05/2017
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết: “Thanh Hóa là tỉnh có đầy đủ 3 vùng kinh tế: Trung du miền núi, đồng bằng và ven biển. Trong những năm qua, để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường tốt nhất thu hút đầu tư”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa
tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2017
Theo đó, đến nay hệ thống giao thông của tỉnh đã đầy đủ cả đường bộ - đường sắt – đường thuỷ - đường hàng không. “Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào” - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm.
Đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tham dự hội nghị
Ông Xứng cho hay, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, “đảm bảo hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đến chân hàng rào các dự án đầu tư”. Bên cạnh đó, Khu kinh tế Nghi Sơn là khu kinh tế được đặc biệt ưu đãi về thuê đất và các chính sách thuế : “Tỉnh Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định”, ông nói.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp
Để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ tịch tỉnh UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ doanh nghiệp như: Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư; chỉ đạo các ngành, các đơn vị, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017 Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, Trung tâm hành chính công các huyện, thị xã, thành phố đều đi vào hoạt động; việc giải quyết thủ tục hành chính được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch. Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. “Vào ngày 21 hàng tháng Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp doanh nghiệp. Đồng thời cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải bố trí ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, ông Xứng cho biết.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết thêm, với những chủ trương và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, đã và đang triển khai tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 “nhất”: Hạ tầng thiết yếu phục vụ doanh nghiệp đồng bộ nhất; Chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; Giải quyết các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất. Ông Xứng nhấn mạnh: “Tỉnh Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư hoạt động thông suốt, hoàn vốn nhanh và phát triển bền vững”.
Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư tại hội nghị
Được biết, để chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư, trước đó UBND tỉnh Thanh Hóa đã hợp tác với Công ty tư vấn BCG (Mỹ) điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất lựa chọn 5 trụ cột thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, đó là: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế và phát triển hạ tầng, đô thị. Đây là các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, hội tụ các điều kiện để phát triển bền vững. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung làm việc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để giới thiệu, hoàn chỉnh hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phát biểu và chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh. Cũng là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với ba vùng miền rõ rệt, như đất nước Việt Nam thu nhỏ. Đồng thời cũng là vùng đất giàu tiềm năng, có sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư tốt nhất trong và ngoài nước đầu tư về Thanh Hóa. Bên cạnh đấy, tỉnh Thanh Hóa cũng cần phải triển khai chiến lược phát triển toàn diện, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các thế mạnh để gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, phát triển về Công nghiệp, Nông nghiệp, Du lịch … Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ (Du lịch sinh thái, du lịch làng nghề)… Quy hoạch đúng hướng là thế “kiềng ba chân” phát triển toàn diện cho Thanh Hóa”.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Thanh Hóa cần định hướng chú trọng đạt mục tiêu 3 nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ các dự án đầu tư của doanh nghiệp đồng bộ nhất, chi phí thuê đất và lao động cạnh tranh nhất. Đặc biệt là giải quyết các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kịp thời nhất”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược phát triển toàn diện, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các thế mạnh để gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Không có nhà đầu tư, không có những dự án lớn thì khó có thể thành công”.
Các đại biểu, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự tại hội nghị
Thủ tướng cũng yêu cầu: “Thanh Hóa cần nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa. Tăng cường tính minh bạch trong cộng đồng kinh doanh. Cụ thể hóa cho các nhà đầu tư. Đặc biệt là chú trọng đào tạo phát triển du lịch, đào tạo lao động có tay nghề giỏi… Phát huy vai trò các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh… cùng phát triển trong một thể thống nhất với tầm nhìn vươn ra thị trường Thế giới và toàn cầu”. Thủ tướng cũng hy vọng: “Thanh Hóa đổi mới tư duy, cách làm, cùng với một chính quyền năng động, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công và phát triển toàn diện, trở thành “một tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ đã từng nói về Thanh Hóa”.
Cũng tại hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa 2017, dưới sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.
Đại diện Đại sứ quán Kuwait tại Việt Nam cùng đại diện các nhà đầu tư,
doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tới thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư
tại KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, vào chiều 18/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017. Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Chiều cùng ngày, đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và đại diện Đại sứ quán Kuwait tại Việt Nam cùng đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tới thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cũng nằm trong khuôn khổ chương trình, sáng 19/5 tại TP. Sầm Sơn sẽ diễn ra hội nghị Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt – Mỹ.