CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:52

Thanh Hóa tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em về công tác phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em.

Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích và tai nạn đuối nước cho trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, gia đình, thôn, bản, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em; rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng, các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích đối với trẻ em để phát hiện kịp thời và có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em. 

Thanh Hóa: Tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em  - Ảnh 1.

Vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngày 23/4/2021 tại khu vực biển xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), khiến 4 em nhỏ gặp nạn. (Ảnh: Sỹ Đức)

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị đuối nước; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực, địa điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước đối với trẻ em; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước. Kịp thời phát hiện, có biện pháp hỗ trợ, trợ giúp đối với các trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước.

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Trong đó, 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số trường hợp đuối nước xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Tại Thanh Hóa, trong những năm qua công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đạt được những kết quả đáng kích lệ. Số vụ trẻ em bị đuối nước ngày càng giảm; số trẻ em được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước tăng dần. Số bể bơi, biển cấm, biển cảnh báo được xây dựng và lắp đặt ngày càng nhiều... Tuy nhiên, hằng năm trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra từ 20 - 30 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh