THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:11

Thanh Hóa ngăn chặn tình trạng "giun tặc" lộng hành

Theo đó, khoảng từ tháng 8/2023 đến nay, trên địa bàn các tỉnh phía Bắc và tỉnh Thanh Hóa diễn ra tình trạng người dân sử dụng kích điện đánh bắt giun đất. Giun đất sấy khô được thương lái thu mua, bán sang thị trường Trung Quốc để kiếm lời.

Kích giun đất bằng điện được Công an huyện Thường Xuân thu giữ (Ảnh: CATH)

Kích giun đất bằng điện được Công an huyện Thường Xuân thu giữ (Ảnh: CATH)

Theo các chuyên gia, việc sử dụng kích điện tận diệt giun đất sẽ hủy hoại môi trường đất, làm chết các vi sinh vật có lợi trong đất, phá vỡ sự đa sinh học, làm giảm chất lượng đất canh tác, độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Nước thải trong quá trình chế biến giun đất bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, tại một số tỉnh, thành phố từng xảy ra tình trạng các thương lái Trung Quốc thu mua số lượng lớn các loại sản phẩm như lá, rễ cây,... với giá cao nhưng sau một thời gian ngắn, thương lái bất ngờ dừng giao dịch, để lại cho người dân hàng tấn thành phẩm, gây thiệt hại về kinh tế và hủy hoại môi trường.

Trước tình trạng trên, ngày 19/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền đến người dân về hậu quả, tác hại của việc sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất đối với đất sản xuất và môi trường.

Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật làm căn cứ pháp lý để xử lý hành vi sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất.

Phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc sử dụng kích điện để đánh bắt giun; các cơ sở thu mua, chế biến không có thủ tục pháp lý theo quy định, vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lực lượng thường xuyên nắm bắt, cập nhật tình hình hoạt động đánh bắt giun đất bằng kích điện trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất và các biện pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng trên.

Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, Ban Quản lý các Khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ các đối tượng sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất trong khu vực quản lý.

Sở phối hợp, tham gia kiểm tra, bắt giữ các đối tượng sử dụng kích điện đánh bắt giun đất; các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ giun có vi phạm về môi trường.

Hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để tạo môi trường thuận lợi cho giun đất sinh trưởng và phát triển, phân hủy chất hữu cơ, góp phần cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu cho đất sản xuất; đặc biệt đối với các khu vực đất sản xuất đã bị đánh bắt giun trái phép bằng kích điện, để phục hồi và cân bằng hệ sinh thái trong đất.

Công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp để nắm tình hình, không để tình trạng sử dụng kích điện bắt, chế biến, mua bán giun đất tiếp tục diễn biến phức tạp gây lo lắng, hoang mang trong Nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; giám sát chặt chẽ các đối tượng từ các địa phương khác đến địa bàn tỉnh thực hiện hành vi đánh bắt, chế biến, thu mua giun đất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất; phối hợp kiểm tra, xử lý các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ giun đất không có đủ giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan hoạt động kinh doanh, buôn bán, kinh doanh các loại kích điện, máy chế biến giun không rõ nguồn gốc xuất xứ, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, kinh doanh, buôn bán các thiết bị kích điện bắt giun đất, máy mổ giun đất không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không có nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn theo quy định pháp luật; các cơ sở thu gom, sơ chế, sấy khô, mua bán giun đất tự nhiên để có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền về thực trạng, tác hại, hậu quả và vận động toàn thể cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân không thực hiện hành vi sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất, không tham gia buôn bán, sơ chế giun, làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; đồng thời, kịp thời phát hiện, thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm để có biện pháp xử lý.

Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng, đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, phát hiện và kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý các đối tượng đánh bắt giun bằng kích điện, các cơ sở thu mua, chế biến có vi phạm. Tiến hành rà soát các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ giun đất trên địa bàn, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở không đảm bảo, vi phạm pháp luật; yêu cầu dừng hoạt động, buộc di dời, tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép để chế biến giun.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh