THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:09

Thanh Hoá: Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo - Đổi mới theo chiều sâu

Thanh Hóa không chỉ tự hào là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, sản sinh ra “Tam vương, nhị Chúa”, nhiều anh hùng dân tộc, mà còn là vùng văn hóa đặc sắc, phong phú, trong đó nổi bật là truyền thống hiếu học và khoa bảng. Trải qua ngàn năm lịch sử, mảnh đất này như vùng trời sáng của cả nước về truyền thống học hành khoa cử.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, kết thúc năm học 2022-2023, ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá đã hoàn thành tốt kế hoạch giáo dục đề ra. Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được quan tâm xây dựng, quy hoạch khang trang với tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt 90,09%.

Phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều chuyển biến, toàn tỉnh đã có 1.691/1.988 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 85,06%. Trong đó: mầm non 574/678 trường, đạt tỷ lệ 84,66%; tiểu học 544/595 trường, đạt tỷ lệ 91,43%; THCS 522/615 trường, đạt tỷ lệ 84,88%; THPT 51/100 trường, đạt tỷ lệ 51%. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh và giáo viên có học sinh đạt giải Khuyến khích tại Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 23 (APhO) năm 2023

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho học sinh và giáo viên có học sinh đạt giải Khuyến khích tại Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 23 (APhO) năm 2023

Trong năm học vừa qua, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng được nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các phòng GD&ĐT chủ động tham mưu UBND cấp huyện, rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ nhằm từng bước khắc phục thừa thiếu cục bộ. Cùng với đó, ngành đã tổ chức thực hiện có chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 theo đúng Kế hoạch của Bộ GD&ĐT và được Bộ GD&ĐT đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước trong công tác bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý.

Trong năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT cũng đã cử 325 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo và bồi dưỡng theo kế hoạch của UBND tỉnh và các cơ sở đào tạo. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng đại trà cho hàng nghìn cán bộ quản lý, giáo viên... Trong năm học, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được duy trì ổn định. Ở bậc học mầm non, số trẻ đến trường đạt tỷ lệ 69,9%. Ở cấp tiểu học, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,5%; học sinh xếp loại đạt trở lên về phẩm chất chiếm trên 99%, học sinh xếp loại đạt về năng lực chiếm trên 99%. Ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh đạt hạnh kiểm/rèn luyện loại tốt chiếm 88,27%; tỷ lệ xếp loại học lực/học tập loại giỏi/tốt đạt 17,58%. Ở cấp THPT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thanh Hóa xếp thứ 21 trong top các tỉnh có điểm thi cao nhất, là tỉnh có điểm 10 nhiều thứ 3 toàn quốc sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và có 1 học sinh thủ khoa khối B00.

Cùng với chất lượng đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững trong tốp đầu cả nước. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa có 78 thí sinh tham gia dự thi, kết quả đạt 61 giải, đạt tỷ lệ 78,21%, xếp thứ 6 toàn quốc. Với thành tích này, Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh có tổng số học sinh đạt giải cao nhất toàn quốc (từ 50 giải trở lên). Đặc biệt, trong năm học Thanh Hóa có 1 học sinh đoạt HCB Olympic quốc tế môn Vật lý lần thứ 53 tại Nhật Bản là em Lê Viết Hoàng Anh, học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Thành tích của Hoàng Anh đã được đã góp phần đưa đội tuyển Việt Nam giành thắng lợi trên đấu trường trí tuệ quốc tế với 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước.

Đại diện Hội Khuyến học tỉnh TH và Quỹ học bổng Nguyễn Chích trao thưởng cho học sinh đạt 29 điểm trở lên ở tổ hợp 3 môn xét điểm đại học.

Đại diện Hội Khuyến học tỉnh TH và Quỹ học bổng Nguyễn Chích trao thưởng cho học sinh đạt 29 điểm trở lên ở tổ hợp 3 môn xét điểm đại học.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá Trần Văn Thức cho biết: “Thành tích của ngành giáo dục trong những năm qua là kết quả của sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền của sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ CBGV, HS. Đây là kết quả của sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hướng đi đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của ngành giáo dục đối với các đơn vị trường. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Thanh Hoá tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; tăng cường kỷ cương, nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục và dạy học, xây dựng trường chuẩn quốc gia; chỉ đạo bảo đảm an ninh, an toàn - xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học". Tiếp tục quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng với dạy học trực tuyến, đào tạo từ xa. Tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất trường học; thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học”.

"Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới quản trị nhà trường, căn cứ Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Kế hoạch tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trong đó mục tiêu chính là tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới hoạt động GDĐT; đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDĐT; tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục; người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số. Đến năm 2025, Hoàn thiện hạ tầng CNTT, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số tại các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục; Đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học; Đổi mới phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục. Đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số" - ông Trần Văn Thức chia sẻ thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng cho biết: “Không chỉ hài lòng với những kết quả mà ngành GD&ĐT Thanh Hoá đã đạt được trong những năm qua. Thanh Hoá cần tiếp tục tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho năm học mới 2023-2024, nhất là việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ phòng học, phòng học bộ môn và các công trình phụ trợ. Trang cấp đầy đủ thiết bị dạy học, phòng học tin học, ngoại ngữ theo quy định. Có phương án đảm bảo sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024 theo Công điện số 747/CĐ-TTG ngày 16-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ.Trong thời gian tới toàn ngành giáo dục Thanh Hoá cần tập trung cao độ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm học mới 2023-2024 cũng như trong cả giai đoạn 2021-2025. Tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho năm học mới 2023-2024. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đổi mới theo chiều sâu”.

“Trong những năm tới toàn ngành giáo dục tiếp tục quan tâm thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu với nâng cao chất lượng dạy và học. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các trường, điểm trường bán trú bảo đảm điều kiện học tập của học sinh miền núi để thu hẹp chênh lệch chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đa dạng hóa các hình thức giáo dục, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học của học sinh; triển khai ứng dụng công nghệ số trong dạy và học. Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý dạy học, thi kiểm tra đánh giá trực tuyến; hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông” – Giám đốc Trần Văn Thức nhấn mạnh. 

Với những kết quả đã đạt được trong năm học vừa qua, với truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá sẽ khắc phục những khó khăn, cùng với sự nhiệt huyết, chung tay của đội ngũ giáo viên và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học ở tất cả các bậc học, ngành học, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm dẫn đầu cả nước.   

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh