Thanh Hóa đảm bảo nước sạch cho Khu kinh tế Nghi Sơn
- Tây Y
- 01:27 - 22/03/2017
Theo quy hoạch chung, Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn (18.600 ha) được Thủ tướng phê duyệt, tổng nhu cầu cấp nước là 80.000 m3/ngày; đến năm 2015 là 140.000 m3/ngày.
Mới đây, KKT Nghi Sơn đã được Thủ tướng phê duyệt mở rộng quy hoạch lên 106.000 ha nên nhu cầu về nước sẽ rất lớn.
Thiếu nước sạch, phải nộp phạt 24,5 triệu USD/ngày
Nằm trong khu kinh tế, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (dự án NSRP) có tổng mức đầu tư lên tới hơn 9 tỷ USD - là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam, được cấp phép vào tháng 4/2018.
Chủ đầu tư của dự án là liên doanh có tên Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (25,1% vốn), Công ty dầu hỏa Kuwait quốc tế (KPI) (35,1%), Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1% và Công ty Hóa chất Mitsui (MCI) 4,7%.
Theo thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ Việt Nam (GGU), Chính phủ cam kết cấp nước đã qua xử lý cho dự án trong giai đoạn xây dựng 15.000 m3/ngày gấp đôi khi dự án đi vào hoạt động.
Nếu việc cấp nước không được đảm bảo, phía Việt Nam phải chịu phạt 24,5 triệu USD/ngày. Đây là phí phát sinh thiệt hại vì nếu thiếu nước, dự án sẽ phải dừng vận hành và Chính phủ phải chịu trách nhiệm.
Một góc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: T.S.
Năm 2007, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh (Công ty Bình Minh) làm chủ đầu tư dự án cấp nước. Công ty Bình Minh đã hoàn thành giai đoạn một (2007-2010) và đưa vào vận hành cung, cấp nước cho các dự án công nghiệp trong KKT Nghi Sơn với công suất 30.000 m3/ngày.
Tuy nhiên, đây đang chỉ là nhà máy nước duy nhất ở Nghi Sơn, trong khi khu kinh tế khổng lồ này đã và đang thu hút được hàng loạt dự án tỷ USD.
Buộc phải kêu gọi thêm nhà đầu tư
Ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết sau khi hoạt động một thời gian, Bình Minh không đáp ứng được nhu cầu lớn về nước của KKT Nghi Sơn.
"Cụ thể, liên tiếp từ 2015 đến nay, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có nhiều văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan ngại về nguồn cung cấp và chất lượng nước của nhà máy này. Trong các văn bản, Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng thường xuyên đốc thúc UBND tỉnh phải tìm giải pháp", ông Kỳ nói.
Công ty Bình Minh đang xây dựng giai đoạn 2015-2020 của dự án để nâng cấp lên 90.000 m3/ngày. Tuy nhiên, giai đoạn này triển khai rất chậm, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho KKT Nghi Sơn. Trong khi đó, hệ thống cấp nước hiện có cũng không đáp ứng được nhu cầu.
Nhà máy nước sạch thứ hai tại KKT Nghi Sơn đang dần được hoàn thành. Ảnh: T.S.
Theo ông Kỳ, nếu UBND tỉnh đứng ra vay vốn của ADB để phục vụ giai đoạn 2 thì không thể kịp do tiến độ phê duyệt khoản vay rất nhiều thủ tục, không đáp ứng được nhu cầu cung cấp nước trước 1/4/2017 của Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa lý giải, nếu vay vốn từ ADB, nhanh nhất phải tháng quý III/2017 khoản vay mới được phê duyệt. Sau đó là việc triển khai xây dựng nhà máy, đồng nghĩa với chậm tiến độ, không đáp ứng được cam kết.
"Như thế, Chính phủ sẽ phải chịu mức phạt 24,5 triệu USD/ngày, trung bình mỗi giờ 1 triệu USD, hậu quả rất lớn không chỉ về tài chính mà còn là hình ảnh uy tín của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư lớn của thế giới, nhất là Nhật Bản", ông Kỳ nói.
Mặt khác, lãi suất vay vốn của ADB cũng không hề thấp, tương đương với lãi suất của các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của vay vốn, tỉnh còn phải bỏ ra khoản tiền tương ứng 143 tỷ đồng vốn đối ứng.
Trước tình thế này, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định không vay ADB. Thay vào đó là việc kêu gọi trong nước để đầu tư xây dựng nhà máy nước thứ 2. Số tiền dự kiến đầu tư xây nhà máy nước và kéo ống từ hồ Sông Mực về Nghi Sơn là 1.100 tỷ đồng.
Nhà đầu tư này phải đáp ứng được tiến độ và chất lượng. Trong số các lựa chọn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận cho Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - Công ty cổ phần và Công ty TNHH MTV Sông Chu đồng ý tham gia xây dựng dự án cấp nước sạch cho khu kinh tế Nghi Sơn.
Theo đó, liên danh Anh Phát - Sông Chu sẽ sử dụng nguồn vốn của mình để triển khai ngay nhà máy nước thứ 2 tại Nghi Sơn.
Nhà đầu tư phải xây dựng tuyến đường ống có đường kính 1.200 mm, có chiều dài khoảng 49 km qua nhiều địa bàn phức tạp thông qua 4 trạm hút công suất lớn để vận chuyển 90.000 m3 nước thô mỗi ngày từ hồ Sông Mực về hồ Yên Mỹ, sau đó về hồ Quế Sơn (60.000 m3/ngày) và một nhánh chia vào hồ Đồng Chùa (30.000 m3/ngày).
Trong tổng lượng nước này có chia 30.000 m3 cho nhà máy của Công ty Bình Minh. Nhà máy nước của Bình Minh và liên danh Anh Phát - Sông Chu mới cách nhau khoảng 7 km.
Dự án khởi công từ đầu năm 2016, đến nay đã được hơn 90% tiến độ và sẽ hoàn thành trước thời điểm 1/4/2017 để cung cấp nước sạch cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn - giúp thực hiện đúng cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư quốc tế về cung cấp nước sạch. Sản phẩm đầu ra của Nhà máy nước Anh Phát - Sông Chu đạt chất lượng nước A1 - có thể uống được tại vòi.
Trước lo ngại về sự ảnh hưởng của nhà máy nước thứ hai với nhà máy đầu tiên, ông Ngô Hoàng Kỳ bác bỏ. Bởi, việc cung cấp của các đơn vị đã được phân vùng.
"Nguyên tắc là phải đảm bảo nước toàn bộ cho KKT Nghi Sơn. Một trong hai nhà máy sẽ hỗ trợ nhau nên việc cấp cho KKT không bị gián đoạn. Ngoài ra, việc cạnh tranh sẽ nâng cao chất lượng, phục vụ cho lợi ích dài lâu", ông Kỳ nói.