THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:34

Kêu gọi cả xã hội bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại

 

Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em” là cơ hội để kêu gọi toàn xã hội lên tiếng và hành động nhằm bảo vệ trẻ em, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại trẻ để các em được sống trong môi trường an toàn, có cơ hội phát triển toàn diện. 

Hoàn thiện văn bản pháp luật để bảo vệ trẻ em

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết: Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Nam Định.

 

Tháng hành động vì trẻ em năm nay, trẻ em có thêm món quà đặc biệt, đó là Luật trẻ em chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Luật trẻ em và Nghị định số 56 đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em trong tình hình mới; ghi nhận đầy đủ, toàn diện các quyền trẻ em theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề thực tiễn còn vướng mắc trong việc thực hiện các quyền của trẻ em.

“Việc bổ sung, sửa đổi pháp luật về quyền trẻ em đã hoàn thiện thêm một bước; quan điểm tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong nước với các công ước, điều ước quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, xuất hiện những vấn đề mới tác động đến trẻ em và thực quyền trẻ em, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em cần được giải quyết như vấn đề lao động trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em, vi phạm quyền trẻ em, những vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em đã được cả cộng đồng quan tâm rất nhiều; lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng đã có các văn bản chỉ đạo giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em”, Thứ trưởng Lan nhấn mạnh.

 

Thứ trưởng Đào Hồng Lan trao học bổng cho học sinh nghèo.

 

Thứ trưởng cho biết thêm, Điều 6 Luật trẻ em năm 2016 và các văn bản hướng dẫn liên quan cũng quy định nghiêm cấm việc xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bạo lực, bóc lột trẻ em. Để thúc đẩy thực hiện những giải pháp cụ thể, gần đây nhất ngày 16/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cần rà soát việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về giải quyết các vấn đề liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Các văn bản pháp luật và văn bản chỉ đạo gần đây như Chỉ thị 18 đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Phải can thiệp trẻ bị bạo lực, xâm hại nhanh nhất có thể

Ngày 1/7, Nghị định 56 quy định chi tiết một số điều về Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực. Nghị định quy định rõ quy trình khẩn cấp, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi...

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Đặng Hoa Nam cho hay, trước đây Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 23 về quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Tuy nhiên, với tính chất là một thông tư nên phạm vi hẹp và quy định chủ yếu thực hiện trong ngành LĐ-TB&XH. Nghị định 56 sẽ khắc phục và hoàn thiện các quy định này. Trong đó có nhiều điểm mới đáng lưu ý, đặc biệt là quy trình can thiệp khẩn cấp khi trẻ bị xâm hại, bạo lực...

 

Tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2017 và tặng xe đạp cho trẻ em nghèo.

 

Theo quy định, các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan LĐ-TB&XH các cấp, cơ quan công an các cấp, hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin. Khi tiếp nhận được thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cần được bảo vệ khẩn cấp thì các cơ quan chức năng phải thực hiện việc can thiệp trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ kể từ khi nhận được thông tin.

Trong đó, trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã là tiếp nhận thông tin, kết nối với cơ quan công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn xã; phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp và lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em do bị xâm hại để hỗ trợ việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em.

Một trong những nội dung của Nghị định là quy định rõ về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc bảo vệ trẻ em. Trước đây, chính quyền địa phương mà trực tiếp là UBND các xã không có người chuyên trách và chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Nghị định mới này sẽ quy định rất chi tiết việc này. Theo đó, các địa phương đều phải phân công một cán bộ chuyên trách tiếp nhận và xử lý thông tin về trẻ em.

UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc là nơi tiếp nhận thông tin về trẻ bị xâm hại đầu tiên. Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc chỉ đạo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của trẻ em để có cơ sở áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp.

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trực tiếp thực hiện một số hoạt động hỗ trợ, can thiệp và chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cụ thể như: Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ, can thiệp; kiến nghị Chủ tịch UBND cấp xã kịp thời điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thay đổi của cá nhân trẻ em và mức độ an toàn của môi trường trẻ em đang sinh sống; Kết nối dịch vụ, hoạt động trên địa bàn xã hoặc yêu cầu sự hỗ trợ của cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em các cấp, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ngoài địa bàn; vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia hỗ trợ.

Ông Nam cho biết thêm, đối với trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, chủ tịch UBND cấp xã phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp, hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ… “Như vậy, với nghị định này, vai trò của UBND xã, những người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã là hết sức quan trọng. Vì thế, việc đầu tiên là các tỉnh, xã phải bố trí những người chuyên trách về vấn đề này, có người mới làm được...”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.

 

Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 18001567 hoặc có thể báo thông tin đến: Cơ quan LĐ-TB&XH các cấp; cơ quan công an các cấp; UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

 

Sáng 27/5, tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao Quận Long Biên, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp UBND TP Hà Nội sẽ tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017. Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, với chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 là “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, không phải chỉ tập trung cho tháng 6 mà là cho cả năm nay và các năm tiếp theo. Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sở, ban ngành, đoàn thể, các gia đình và toàn xã hội sẽ cùng chung sức, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh