THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:13

Tháng 7 – Mùa tri ân

Vào những ngày này, trên khắp cả nước, các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020) đang bước vào giai đoạn cao điểm. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhà nhà hưởng ứng chương trình, hoạt động tri ân, thể hiện trách nhiệm chăm sóc thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Trên bình diện quốc gia, theo Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã, đang và sẽ có các hoạt động tri ân mang tính nổi bật với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, đoàn thể. Các tỉnh, thành phố đồng loạt tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công, gia đình liệt sĩ... Trong dịp này diễn ra Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân gia đình liệt sĩ và Hội nghị gặp mặt các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định số 1097/QĐ-CTN ngày 8-7-2020 về việc tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh...

Tháng 7 – mùa của các hoạt động tri ân - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Cũng giống như mọi năm, vào lúc 20 giờ ngày 26/7, hàng triệu ngọn nến tri ân được thắp lên, lung linh, huyền ảo bên hàng triệu ngôi mộ trên khắp các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Những ngọn nến và những nén tâm hương của thế hệ trẻ hôm nay để tỏ lòng hiếu kính với vong linh các anh hùng liệt sĩ- những người đã vì quê hương, đất nước, Tổ quốc mà ngã xuống.

Thực hiện chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức các hoạt động "Tuổi trẻ tri ân các anh hùng liệt sĩ" nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020).

Theo đó, cùng với các hoạt động tuyên truyền, các cấp bộ Đoàn hướng dẫn, động viên các cơ sở Đoàn, Hội và đoàn viên, thanh thiếu niên tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" như: Đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ liệt sĩ; động viên, thăm hỏi, tặng quà các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, các cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, người có công với cách mạng, người nhiễm chất độc da cam/dioxin có hoàn cảnh khó khăn.

Tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi, tặng quà tại trung tâm điều dưỡng và chăm sóc người có công; các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách và các gia đình tại vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ, phụ giúp việc nhà, tu sửa nhà cửa, xây nhà tình nghĩa, các công trình phục vụ đời sống cho các gia đình cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Vận động nguồn lực, tổ chức tặng quà, sổ tiết kiệm, khám, cấp thuốc miễn phí cho các cựu thanh niên xung phong và gia đình cựu thanh niên xung phong.

Tổ chức các hoạt động tình nguyện vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang, làm vệ sinh các bia, đài tưởng niệm liệt sĩ; tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ, phần mộ các liệt sĩ, đền thờ, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ, các di tích lịch sử văn hóa. Khảo sát, vận động hỗ trợ, đóng góp ngày công xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, các công trình phục vụ đời sống, sinh hoạt cho các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn. Chăm lo, biểu dương, tuyên dương, khen thưởng, tặng học bổng cho con em thương binh, liệt sĩ có thành tích học tập, lao động tốt. Nhận đỡ đầu cho con thương binh liệt sĩ, gia đình thương binh liệt sĩ có con em bị nhiễm chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn.

Tháng 7 – mùa của các hoạt động tri ân - Ảnh 2.

Thành Đoàn Hà Nội tặng quà người có công với cách mạng.

Các cấp bộ Đoàn đồng loạt tổ chức hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh" năm 2020 vào ngày 18/7 hoặc 25/7 với các hoạt động cụ thể: Ra quân tình nguyện làm vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang, làm vệ sinh các bia, đài tưởng niệm liệt sỹ; tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ, phần mộ các liệt sĩ, đền thờ, trồng thêm cây xanh, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ...

Bên cạnh các hoạt động của Trung ương, các bộ, ban ngành, đoàn thể , các địa phương cũng đã thiết thực triển khai các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" tri ân người có công. Cụ thể, Thành phố Hà Nội và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt chính sách, chương trình chăm sóc người có công, vận động nhân dân phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tích cực tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Năm ngoái, chỉ tính riêng thành phố Hà Nội đã vận động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đạt hơn 37,5 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 450 nhà ở và tặng sổ tiết kiệm cho gần 4.800 người có công...

Còn với Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về thực hiện chính sách đối với người có công, hàng năm ngoài thực hiện các chính sách chung của Đảng, Nhà nước, Hải Phòng còn dành hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách địa phương tặng quà các đối tượng người có công với cách mạng nhân các dịp lễ, tết. Cụ thể, nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, Thành phố Hải Phòng đã dành tặng 191,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố năm 2020 tặng quà 47.650 người có công và thân nhân người có công với mức quà trị giá 4.000.000 đồng/người, trong đó tiền mặt là 3.800.000 đồng/người, quà bằng hiện vật trị giá 200.000 đồng/người; 3 cơ sở sản xuất kinh doanh tiêu biểu của thương binh, bệnh binh; 28 gia đình người có công và 3 Trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng ở các tỉnh: Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nam có người Hải Phòng đang điều trị, điều dưỡng. Cùng với việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công, Hải Phòng còn đẩy mạnh các hoạt động xây dựng "Nhà tình nghĩa"; lập Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; tặng sổ "tiết kiệm tình nghĩa"; ổn định đời sống thương binh, bệnh binh nặng ở gia đình; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, đỡ đầu con liệt sĩ mồ côi.

Tại thành phố Đà Nẵng, trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, thành phố truy tặng danh hiệu 7 Mẹ Việt Nam anh hùng, tìm kiếm và quy tập 6 mộ liệt sĩ thành phố; thăm hỏi và trao quà tri ân hơn 45 ngàn đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng.

Tháng 7 – mùa của các hoạt động tri ân - Ảnh 4.

Thắp nến tri ân tại Ngã ba Đồng Lộc (Quảng Trị).

Tương tự tại Đăk Lăk, từ ngày 17/7, lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk bắt đầu tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng . Hơn 15 nghìn người có công được nhận quà và hỗ trợ vật chất trong dịp này. Tổng kinh phí quà tặng cho các đối tượng chính sách là hơn 6 tỷ 500 triệu đồng. Cùng với việc thăm hỏi, tặng quà, dịp này, các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk cũng thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo cho các đối tượng chính sách, như tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ vốn làm ăn…

Tại Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1032/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020). Kế hoạch sẽ bao gồm các hoạt động, cụ thể: Tiếp tục kiểm tra, rà soát giải quyết kịp thời hồ sơ tồn đọng chưa được xác nhận chế độ theo quy định hiện hành; phấn đấu giải quyết hồ sơ thanh niên xung phong tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH đến ngày 31/12/2020 cơ bản hoàn thành; tiến hành chi trả đầy đủ, kịp thời chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân; tăng cường đối thoại trực tiếp với người có công, triển khai tốt công tác tiếp dân và tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người có công và thân nhân trong thực hiện chính sách; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về chính sách đối với người có công với cách mạng.

Bên cạnh hoạt động chăm sóc nghĩa trang, công trình ghi công Liệt sĩ, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác vận động xây dựng, đóng góp ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và triển khai tốt việc xây dựng, đóng góp ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2020 ở các cấp, đồng thời thực hiện tốt phong trào "Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân Liệt sĩ và người có công với cách mạng" bằng việc làm cụ thể….

Đó chỉ là một số phần việc cụ thể nằm trong tổng thể chương trình, đề án, việc làm nhằm tiếp tục thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc người có công với cách mạng trong suốt 73 năm qua. Chính sách giàu tính nhân văn đó không chỉ thể hiện đạo lý và truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" mà còn là sự thể hiện hình mẫu ứng xử có tác dụng soi đường cho thế hệ trẻ, khích lệ họ tiếp bước tiền nhân làm điều có ích cho đất nước và nhân dân.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh