THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:11

Thận trọng với bể bơi mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày, nền nhiệt ngoài tại Hà Nội thường xuyên vượt ngưỡng 40 độ C, khiến cho không khí trở nên vô cùng nóng bức. Chính vì vậy, nhiều người muốn tìm đến những nơi như bể bơi để giải nhiệt, do nhu cầu của người dân tăng đột biến khiến cho hầu hết các bể bơi dù hoạt động hết công suất cũng không đáp ứng kịp.

Tình trạng trên khiến cho một số bể bơi không xử lý nguồn nước, thau rửa bồn bể, dẫn tới việc không đáp ứng đủ các điều kiện vệ sinh bề bơi. Vấn đề xử lý nguồn nước bằng Clo quá đậm, gây ra các hiện tượng cay mắt buồn nuôn cho người bơi. Dư lượng Clo và các chất tẩy rửa chưa có sự kiểm soát nghiêm ngặt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đang là nỗi e ngại của nhiều khách hàng.

 

Những ngày nắng nóng, lượng khách tăng cao khiến các bể bơi luôn trong tình trạng quá tải

Bể bơi bình dân hút khách

Có mặt tại bể bơi Trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam, nằm trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) từ 16h chiều đã có rất đông các bậc phụ huynh đưa con em mình đến bơi. Các hoạt động của bể bơi diễn ra cũng tương đối quy củ và sạch sẽ. Hệ thống loa phổ biến quy định của bể bơi, đội ngũ nhân viên bảo vệ thường xuyên túc trực để đảm bảo an toàn cho khách bơi. Các em nhỏ và ngươi thân vẫn đang vô tư thả mình vào dòng nước xanh mát tại bể bơi, nhìn bằng mắt thường dòng nước xanh trong khiến nhiều người yên tâm.

Chị Nguyễn Thu Hoa (Dương Nội, Hà Đông) cho biết “ Thời tiết nắng nóng thế này việc tìm kiếm bể bơi cho các con rất quan trọng, mùa hè này mình cũng đã chuyển mấy bể vì các cháu tắm về kêu ngứa. Mình chọn bể này vì thấy các khu vệ sinh, thay đồ sạch sẽ, công tác bảo vệ tốt và các cháu đi tắm về không bị ngứa chứ còn chất lượng nước thì mình nhìn mắt thường khó mà phân biệt được”.

Bể bơi trở thành những địa điểm tránh nóng của nhiều gia đình trong những ngày nắng nóng.

Hiện nay nhu cầu cho trẻ tiếp xúc với nước, công tác dạy bơi cho trẻ của các bậc phụ huynh là rất lớn, nhưng những bể bơi dành riêng cho thiếu nhi tại Hà Nội hiện nay không nhiều. Chính vì vậy, vào mỗi dịp hè khi trẻ em được nghỉ học, lượng người đổ đến đăng ký học bơi cho trẻ em luôn quá tải, vì vậy mà nhiều bậc phụ huynh đành cho con học bơi tại tại những bể hỗn hợp dành cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Hà Nội hiện đang bước vào những ngày nắng nóng cao điểm, nhiều bể bơi rơi vào tình trạng quá tải, không đủ thời gian và điều kiện thực hiện quy trình xử lý nước và thực các công tác bảo vệ an toàn tại bể bơi. Chính vì vậy, ngoài sự kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng cần có những tiêu chí lựa chọn bể bơi cho phù hợp, đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.

Đề phòng mắc bệnh từ bể bơi

Một trong những vẫn đề lớn đối với những người đi bơi tại các bể là nếu nhìn bằng mắt thường rất khó để phân biệt bể bơi nào sạch, bể bơi nào chưa đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt với các bể bơi bình dân, giá cả hợp túi tiền của người dân lao động, trong điều kiện luôn hoạt động quá tải trong mùa nắng nóng, thì không phải bể bơi nào cũng trang bị đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là chất lượng nguồn nước.

Một số bể bơi tại Hà Nội được xây dựng nhiều năm, xuống cấp mà chưa được đầu tư nâng cấp dẫn đến chất lượng hoạt động chưa cao. Có mặt tại các bể bơi như Nhà thi đấu Cầu Giấy, bể bơi số 1 Tăng Bạt Hổ… có thể thấy nhiều hạng mục sau nhiều năm hoạt động đã xuống cấp, cũ kỹ. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có rất đông khách hàng đến bơi, đặc biệt là vào những dịp cao điểm mùa hè. Chính bởi điều này mà nhiều người tỏ ra lo ngại về việc với lượng khách hàng đông như vậy, liệu các cơ sở có xử lý kịp nguồn nước trong các bể hay không?

 

Vấn để xử lý nguồn nước bằng Clo quá đậm, gây ra các hiện tượng cay mắt buồn nuôn cho người bơi.

Chất lượng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh luôn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh các bệnh ngoài da, tai mũi và mắt…Anh Vũ Văn Đạt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết “ Vào mùa nắng nóng tôi cũng thường xuyên đi tắm tại các bể bơi, những ngày đông khách, tuy bể nước vẫn xanh nhưng hơi hắc mùi clo, nhiều hôm tắm xong cảm thấy cay mắt, nhưng đây là thực trạng chung rồi, đã đi tắm trong bể thì đành chấp nhận”.

Theo đại diện Trung tâm Y tế Dự Phòng Hà Nội, do nhu cầu bơi lội của người dân tăng cao vào mùa hè, đặc biệt là những ngày thời tiết nắng, nóng, lượng người bơi lội tại các bể sẽ đông hơn, có thể có nguy cơ ô nhiễm do người dùng hồ bơi (bao gồm mồ hôi, nước tiểu, xà phòng, mỹ phẩm). Tình trạng một số người dân bị mẩn ngứa, da nổi mẩn có thể là do có cơ địa dị ứng với thời tiết như khi gặp lạnh quá, nóng hoặc có thể do kích ứng bởi hóa chất khử trùng trong nước bể bơi như Clo.

 

Chất lượng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh luôn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh các bệnh ngoài da, tai mũi và mắt.

Clo là 1 trong các hóa chất dùng để khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt, trong đó có nước bể bơi chúng có mùi khá đặc trưng. Nồng độ cho phép sử dụng khử trùng trong nước sinh hoạt là từ 0,3 – 0,5mg/L.

Hằng năm Trung tâm Y tế Dự Phòng Hà Nội xây dựng kế hoạch và phối hợp Trung tâm Y tế 30 quận huyện thực hiện  giám sát vệ sinh, chất lượng nước bể bơi. Chất lượng nước ở các bể bơi về cơ bản đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 272 bể, trong đó: Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã giám sát 100% bể bơi, khu vui chơi dưới nước hoạt động dịch vụ trên địa bàn, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội giám sát đột xuất 1 lần/năm tối thiểu 50% số bể bơi trên địa bàn.

Mỗi người cần có những tiêu chí lựa chọn bể bơi cho phù hợp, đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.

Theo kết quả giám sát từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã giám sát vệ sinh chất lượng nước của 35 đơn vị, trong đó có lấy mẫu làm xét nghiệm chất lượng nước. Kết quả cho thấy (34/35 cơ sở),  có 97,1% có mẫu nước đạt quy chuẩn kỹ thuật, chỉ có 1/35 cơ sở (2,8 %) có chỉ tiêu vi sinh là Coliforms không đạt quy chuẩn kỹ thuật.

Theo đại diện công ty nước sạch Hà Đông (Hà Nội) cho biết ” Nguồn nước cấp cho các bể bơi luôn đảm bảo điều kiện vệ sinh theo Thông tư số 14/2014/TT-BVHTTDL (sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL) quy định, nước bể bơi phải đạt cấp độ II của nước sinh hoạt quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT); còn trong quá trình khai thác sử dụng tại bể, chất lượng nước còn phụ thuộc vào quy trình lọc xử lý, thay nước và vệ sinh thau rửa bồn bể tại mỗi cơ sở”.

Theo Thông tư 2/2011/TT-BVHTTDL (quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức bơi, lặn). Trong đó, nước bể bơi được quy định: Bảo đảm thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất. Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước.

TUẤN ANH - ĐỨC LONG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh