CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:05

Tham vấn xây dựng Đề án Đổi mới và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016- 2030

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm phát biểu khai mạc Hội thảo

Các đại biểu ghi nhận, trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng hệ thống chính sách TGXH của Việt Nam đã từng bước mở rộng về độ bao phủ, mức trợ cấp tăng nhanh, nếu thực hiện theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP thì nhóm đối tượng được hưởng cao nhất đã ngang bằng với mức sống tối thiểu. Chính sách TGXH đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo đời sống cho đại đa số đối tượng bảo trợ xã hội, giúp họ tăng thêm vị thế xã hội trong gia đìnhcộng đồng.

Tổng chi cho TGXH tăng nhanh

Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội cùng đại diện các bộ, ngành, Sở LĐ-TB&XH một số tỉnh, thành phố, các chuyên gia của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam… Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác an sinh xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan cùng sự hỗ trợ của UNDP và các tổ chức quốc tế. Đến nay, công tác an sinh xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đảm bảo thu nhập, duy trì mức sống tối thiểu, tạo điều kiện tiếp cận với các dịch vụ TGXH cơ bản, từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân.

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đề nghị các đại biểu: "Tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề về quan điểm, đối tượng, phạm vi chính sách, cơ chế thực hiện TGXH nhằm đảm bảo môi trường pháp lý, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với các đối tượng thụ hưởng; để đảm bảo Dự thảo Đề án khắc phục tối đa các hạn chế, đáp ứng được sự phát triển của xã hội; để Đề án đổi mới trợ giúp xã hội giai đoạn 2016- 2030 có được các nội dung đổi mới, tiếp cận với định hướng, tầm nhìn quốc tế và hướng tới các mục tiêu đặt ra”.

Đánh giá về độ bao phủ của chính sách, theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng: “Trong tổng số đối tượng thuộc diện TGXH có khoảng 2,643 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Đặc biệt, tổng chi của ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương cho TGXH tăng nhanh, từ 8,85 tỷ năm 2009 (0,53%) tăng trên 30,5 tỷ vào năm 2014 (0,74% GDP)”. Theo đó, trong giai đoạn 2016- 2030, mục tiêu tổng quát là xây dựng và hoàn thiện hệ thống TGXH phù hợp với Hiếp pháp năm 2013 và Nghị quyết số 15- NQ/TW; cơ bản bảo đảm hệ thống an sinh xã hội toàn dân, giúp người dân chủ động phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro và có cơ hội tham gia và quá trình phát triển; mở rộng diện bao phủ của TGXH, ưu tiên đối tượng khó khăn, đảm bảo công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững”.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trả lời phỏng vấn báo chí và truyền hình

Cụ thể, Đề án sẽ giúp nâng cao nhận thức, năng lực và phương pháp tiếp cận của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội dựa trên mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước; bảo đảm người dân có nhu cầu được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Bên cạnh đó, Đề án cũng nhằm phát triển hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển các mô hình chăm sóc đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão. Thực hiện tốt công tác trợ giúp khẩn cấp, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời; hoàn thiện cơ chế, chính sách và phương thức tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp khẩn cấp; mở rộng sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng. 

Đối tượng được trợ giúp là người dân gặp rủi ro do thiên tai, kinh tế, xã hội và rủi ro tự nhiên khác; ưu tiên nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi và người khuyết tật nặng; Các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp xã hội từ Trung ương đến địa phương. Phạm vi Đề án tập trung vào ba hợp phần cơ bản là chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên; trợ giúp khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp xã hội; được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  

Cần có mục tiêu lâu dài, tích hợp chính sách bảo đảm tính đồng bộ

Các tham luận đã đưa ra nhiều đóng góp quý báu, đánh giá cao các bước đi của chính sách, đem đến những tiếng nói tham mưu quan trọng cho cơ quan soạn thảo. Theo bà Puja Dutta, chuyên gia cao cấp của WB, TGXH không phải là một hình thức từ thiện, “do đó chúng ta cần có mục tiêu lâu dài, đồng thời cách tiếp cận cần dựa trên quyền, mức sống tối thiểu, mức bao phủ, đảm bảo cho đối tượng thụ hưởng không chỉ là nhóm yếu thế xã hội mà cả các nhóm khác như nhóm nghèo và cận nghèo. Không chỉ nhắm vào mục tiêu bảo trợ, mà nhắm vào thoát nghèo toàn dân. Đề án cũng cần cân nhắc những vấn đề nào liên quan đến phạm vi, tầm nhìn… Phạm vi không chỉ là vấn đề hỗ trợ tiền mặt, mà hiểu được bản chất của chính sách để có cơ cấu phù hợp; và đưa ra những dự báo nguồn lực…”, bà Puju Dutta tham vấn.

 

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi trả lời phỏng vấn, nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng Đề án trong giai đoạn hiện nay

Trong khuôn khổ hội thảo, đại biểu đến từ các tỉnh, thành, các chuyên gia đã có 3 phiên thảo luận về: Phạm vi TGXH. Vai trò các bộ, ngành liên quan trong hệ thống TGXH ( Ý kiến các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Y tế); Ngân sách, tài chính cho hệ thống TGXH và hiệu quả tác động; Đổi mới hệ thống triển khai thực hiện TGXH.

Trên cơ sở các phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi cách tiếp cận trong việc xác định đối tượng từ cách làm rời rạc như hiện nay sang tiếp cận vòng đời, với việc xác định những yếu tố rủi ro, dễ tổn thương có tính đặc trưng cho từng nhóm đối tượng; Cần tích hợp chính sách để bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, hạn chế việc chồng chéo chính sách hoặc có quá nhiều văn bản. Việc đề xuất ban hành các chính sách trợ giúp tập trung vào một cơ quan đầu mối là Bộ LĐ-TB&XH…

Những nội dung chính của Đề án gồm: 

Một là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi phương pháp tiếp cận về trợ giúp xã hội; thống nhất các khái niệm về trợ giúp xã hội; đối tượng trợ giúp xã hội, chính sách trợ cấp tiền mặt và hiện vật, trợ giúp khẩn cấp, dịch vụ trợ giúp xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội; chính sách trợ giúp xã hội theo vòng đời và tăng cường khả năng ứng phó với nhiều loại hình rủi ro khác nhau. 

Hai là, hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội theo hướng luật hóa, trong đó quy định phạm vi, đối tượng của trợ giúp xã hội; các quy định về trợ giúp tiền mặt, trợ giúp khẩn cấp, dịch vụ trợ giúp xã hội, nghề công tác xã hội, phát triển cơ sở trợ giúp xã hội, trợ giúp xã hội đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên nghèo và các đối tượng khó khăn khác; nguyên tắc nâng mức trợ cấp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội dựa trên mức sống tối thiểu, cấp bù lạm phát, bảo đảm tương quan với mức điều chỉnh lương hưu, trợ cấp người có công với cách mạng và mức tăng trưởng kinh tế. 

Ba là, hoàn thiện chính sách trợ giúp khẩn cấp theo hướng không bỏ sót đối tượng; quy định tiêu chí xác định mức độ thiệt hại; có chính sách khuyến khích cá nhân, gia đình, cộng đồng, tổ chức kinh tế - xã hội, nhất là doanh nghiệp, tổ chức NGOs tham gia trợ giúp khẩn cấp cho người dân. 

 Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội trình bày Đề án  

Bốn là, hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội; tiêu chuẩn nghiệp vụ nhân viên công tác xã hội và cấp giấy phép hành nghề công tác xã hội; tiêu chuẩn dịch vụ trợ giúp xã hội; khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội. 

Năm là, đổi mới và hoàn thiện về tổ chức quản lý rà soát chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan, giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về trợ giúp xã hội; có giải pháp đào tạo, xây dựng năng lực quản lý, tổ chức thực hiện trợ giúp xã hội. 

Sáu là, đổi mới và hoàn thiện cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực trợ giúp xã hội theo hướng hỗ trợ theo kết quả đầu ra; bình đẳng giữa cơ sở công lập và ngoài công lập; nâng định mức phân bổ chi bảo đảm xã hội cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tăng chi ngân sách nhà nước phù hợp với số lượng đối tượng tăng thêm hàng năm và tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công khai minh bạch về tài chính và tăng cường huy động nguồn lực từ cộng đồng. 

Bẩy là, đổi mới và hoàn thiện quy trình xác định đối tượng theo các tiêu chí mới, phù hợp với yêu cầu quản lý và xu thế hội nhập quốc tế như: xác định đối tượng theo mức độ khó khăn của đối tượng, nhu cầu của đối tượng, độ tuổi và giới tính của đối tượng. 

Tám là, đổi mới hệ thống theo dõi, giám sát đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Thiết lập hệ thống, thông tin,báo cáo hợp lý từ người dân, các hội, đoàn thể ở từng cấp, bảo đảm không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách; công khai, minh bạch và xây dựng được cơ sở dữ liệu.

Trước các ý kiến tâm huyết của đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, sự cần thiết phải xây dựng Đề án đổi mới hệ thống TGXH hiện nay ở Việt Nam; đề nghị việc xây dựng Đề án cần được dựa trên những yếu tố: thống nhất đầy đủ các quy định dựa trên quyền công dân, bám sát cam kết các Công ước quốc tế và Việt Nam. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị Tổ nghiên cứu tiếp tục chia nhỏ các vấn đề để giải quyết chuyên sâu hơn nữa, đồng thời chủ động soạn thảo các văn bản, tài liệu, chính sách cho Đề án.

 

Giai đoạn 2016- 2020, chỉ tiêu đặt ra là có 4% dân số được hưởng TCXH hàng tháng; có ít nhất 50% người cao tuổi không có người phụng dưỡng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình… được quản lý, tư vấn chăm sóc từ các cơ sở xã hội; 70% quận, huyện, thị xã thành phố thuộc tỉnh có trung tâm công tác xã hội hoạt động…

Và đến năm 2030, bảo đảm 100% người dân có nhu cầu được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trung tâm công tác xã hội hoạt động.

Thanh Nhung / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh