CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:25

"Tham quan, học tập" hay đi tiêu tiền "chùa"?

 

Câu chuyện trên thực tế không chỉ diễn ra ở Tổng công ty Đường sắt - một doanh nghiệp nhà nước có thừa những chuyện bê bối trong nhiều năm qua. Nhưng cái hay của đợt thanh tra này, đã làm rõ chuyện việc đi chơi bằng tiền ngân sách- mà người ta nói thực sự đã được coi như "tiền chùa".

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Trong số gần 200 đoàn đi nước ngoài ấy, cơ quan thanh tra đã làm rõ được ít nhất 23 đoàn đi không hề có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác- một yêu cầu bắt buộc trong quy định của nhà nước về việc tổ chức cho cá nhân, hay cho các đoàn đi nước ngoài để "học tập" hiện nay.

Tiếng là tham quan, học tập nhưng xét rõ ra, nhiều đoàn đi như ở Tổng cổng ty Đường sắt đó là đi ăn, đi chơi, đi tiêu "tiền chùa". Bởi vì, qua thanh tra, ít nhất người ta đã phát hiện ra có những 5 đoàn đi do ký hợp đồng đi "tour" với công ty du lịch trong nước. Đi học tập, tham quan, sao phải như vậy ?

Nhưng không chỉ có Tổng công ty Đường sắt, thực tế ở nhiều bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay, việc mượn danh nghĩa đi hợp tác, đi học tập nhưng thực chất là đi chơi, đi "tây", đi "shopping"... là nhiều.

Ví dụ như ở Bộ Công Thương, cuối nhiệm kỳ của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, tranh thủ các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại song phương, có hàng trăm đoàn được tổ chức đi nước ngoài: Hàn Quốc, Nga, EU... Có những đoàn thực sự cần thiết. Nhưng có những đoàn, có nhiều người đi dưới dạng "tranh thủ" vì nhiều người đi không đúng chức năng, nhiệm vụ.

"Có những đoàn đi còn không ai biết tiếng Anh hay một ngoại ngữ nào nên sang toàn phải nhờ cán bộ Thương vụ hoặc thuê người phiên dịch. Có đoàn thường có việc gì thì họp hành qua loa cho xong rồi đi chơi, đi shopping là chính" - một cán bộ cấp Vụ ở Bộ Công thương trao đổi với Dân trí.

Có những thời điểm, nhìn vào lịch công tác trong tuần của Bộ, hoạt động của Bộ trưởng và hầu hết Thứ trưởng đều ghi: Đi công tác nước ngoài.

Cách đây mấy tuần, Dân trí còn đăng bức ảnh một đoàn công tác của Bộ Công thương, trong đó có nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sang châu Âu gọi là đi đàm phán FTA nhưng tranh thủ ra sân golf làm vài gậy.

Trong ảnh đó, có mặt khá nhiều người được nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hoặc lãnh đạo khác của Bộ Công thương ưu ái, bổ nhiệm. Nhiều người trong số đó vừa qua đã bị đoàn kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm việc để làm rõ có khuất tất gì trong việc bổ nhiệm hay không. Nhưng đáng chú ý, trong đoàn đi như vậy, luôn có mặt những doanh nghiệp như lãnh đạo Habeco, Halico... đi theo. Theo lời của cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp này, họ đi theo để "phục vụ" việc chi tiêu của đoàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2015 cũng có tới 170 đoàn đi nước ngoài. Như vậy, tính trung bình, cứ 2 ngày Bộ này lại có một đoàn đi.

Tình trạng này đã được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảnh báo từ cuối năm trước. Ông cho rằng, quá nhiều đoàn đi dẫn tới "trùng lặp, lãng phí không cần thiết". Cụ thể, năm 2015, đã có tới 2.015 đoàn cán bộ các ngành, địa phương gọi là đi công tác, "học hỏi kinh nghiệm nước ngoài".

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận thực tế, ở nhiều đoàn đi công tác của Thành phố này năm trước, giám đốc sở đi, phó giám đốc sở cũng đi. Chuyến này chưa xong đã thấy tên trong danh sách trong đoàn khác và tình trạng này giảm không đáng kể.

Báo chí vừa qua cũng đã phản ánh nhiều địa phương cho cán bộ sắp về hưu đi nước ngoài để "tri ân". Tại Tiền Giang, Bình Phước, cuối năm trước, còn có kế hoạch tổ chức cho cán bộ đi nước ngoài “học tập kinh nghiệm” làm xổ số.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh từng phải lên tiếng là cán bộ trong nước đi nước ngoài nhiều đến nỗi mà có cơ quan sứ quán Việt Nam ở nước ngoài mỗi năm phải đón trên 200 đoàn từ trong nước qua. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi làm việc mới đây với Liên minh các Hợp tác xã, nghe ông Võ Kim Cự, Chủ tịch đề xuất cho nhiều đoàn đi nước ngoài "thăm quan, học tập" cũng phải nói rằng: Nếu chỉ đi dăm ba hôm vui vẻ thì đi làm gì?

Theo lời kể của nhiều người đã từng tham gia các đoàn đi nước ngoài ở một số bộ, ngành, doanh nghiệp lớn, rất nhiều đoàn đi là để tiêu tiền ngân sách chứ kỳ thực hoạt động hội thảo, ký kết, đàm phán là "rất mờ nhạt".

Ai cũng biết chi phí ăn ở, đi lại ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển rất đắt đỏ. Với hàng ngàn đoàn công tác mỗi năm như vậy, mức độ tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Không biết Bộ Tài chính có rà soát, bao nhiêu đoàn đi do tiền đối tác mời, bao nhiêu đoàn đi chi tiền ngân sách nhà nước, tiền do doanh nghiệp trong nước chi hay không. Nếu có một đợt tổng rà soát như vậy, có lẽ sẽ còn rõ ra nhiều chuyện kinh khủng hơn kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Tổng công ty Đường sắt rất nhiều.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh