CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:03

Thầm lặng hoá giải những "sát thủ" im tiếng sau chiến tranh

 

Phải nói đến BOMICEN
Chúng tôi vẫn thường đùa vui rằng: “Phá bom, gỡ mìn” phải nói đến Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (BOMICEN). Đây là đơn vị đầu ngành toàn quân tham mưu cho Binh chủng Công binh và Bộ Quốc phòng về kỹ thuật dò tìm xử lý bom mìn (XLBM), vật nổ. 
Đơn vị không chỉ huấn luyện chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành mà còn có chức năng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, trực tiếp triển khai việc xử lý và dò tìm bom, mìn, đạn dược, vật nổ. Là nơi quy tụ những chuyên gia đầu ngành, đội ngũ cán bộ, sĩ quan có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao,  được giao thực hiện chức năng Văn phòng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 504 (Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh).

Vận hành dây chuyền lấy thuốc bằng lò hơi.
Thời gian qua, BOMICEN XLBM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đơn vị đã tổ chức và thực hiện thành công các dự án điều tra, đánh giá hiện trạng bom, mìn, vật nổ ở nhiều khu vực trên cả nước; nghiên cứu các đề tài khoa học: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập và phân tích tín hiệu dò tìm bom, đạn ở độ sâu lớn”; 
“Nghiên cứu áp dụng máy tính nhúng lắp cho máy dò bom”; “Nghiên cứu, tính toán, thiết kế mẫu nguyên lý lượng nổ lõm dùng để phá rách vỏ bom”... nâng cao hiệu quả, tiến độ và chất lượng dò tìm, XLBM, vật nổ. Trung tâm đã nghiên cứu, biên soạn các bộ quy trình, định mức, hướng dẫn, tài liệu kỹ thuật dò tìm, XLBM, vật nổ, cập nhật các thông tin kịp thời ứng dụng, thử nghiệm, tiêu chuẩn hóa để phổ biến chung. 
Đặc biệt, vừa qua BOMICEN đã tăng cường hợp tác với các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực điều tra, khảo sát và rà phá bom, mìn, vật nổ... Trong hai năm qua, đơn vị đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo khoa học, được các chuyên gia đầu ngành và các tổ chức quốc tế tín nhiệm, đánh giá cao.
Áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến
Phát huy kết quả, hướng nghiên cứu của BOMICEN XLBM là tập trung vào hoàn thành dự án “Điều tra lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh trên phạm vi toàn quốc”; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để có thể phát hiện chính xác bom, đạn, giảm công sức đào tìm, bảo đảm an toàn trong quá trình xử lý, thông qua thiết bị nhận dạng tín hiệu được hiển thị qua màn hình lắp trên máy để vẽ được biên dạng, trọng lượng, độ sâu và góc nghiêng của tín hiệu. 
Công tác rà phá được thực hiện rất cẩn trọng (ảnh MH)
Trung tâm cũng nghiên cứu đề xuất các biện pháp kỹ thuật RPBM vật nổ phù hợp với điều kiện địa hình phức tạp, núi cao, rừng rậm, ruộng nước, lầy lội; nghiên cứu ứng dụng các trang thiết bị tiên tiến vào thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý các loại bom, đạn phát hiện được khi dò tìm tại các vùng biển xa bờ có độ sâu nước lớn hơn 15m. 
Cùng với đó là công tác nghiên cứu xây dựng định hướng, chương trình đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật dò tìm, XLBM, vật nổ và nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào xử lý các loại bom, mìn, vật nổ dò tìm được sau chiến tranh cũng đang được Trung tâm đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, góp phần tích cực, hiệu quả thực hiện Chương trình 504.
Đại uý Phạm Phúc Khang - Trạm trưởng Trạm xử lý đạn cấp 5, Cụm 1, BOMICEN - chia sẻ: “Do tính chất phức tạp, nguy hiểm của các loại đạn cấp 5, trước khi bước vào xử lý, đơn vị tổ chức tập huấn cho bộ đội về quy trình xử lý đối với từng loại đạn, nhất là chấp hành nghiêm túc các bước trong công tác xử lý”. 
Mục sở thị các dây chuyền xử lý hiện đại, chúng tôi thấy khâm phục những người “lính thợ” thời bình. Cụm 1 đã ứng dụng nhiều biện pháp tháo thuốc, cắt vỏ bom, đạn theo quy trình mới. Với các thiết bị, máy móc hiện đại như lò hơi nước nóng hỗ trợ cho người lao động, việc tập kết, phân loại, tháo gỡ, xì lấy thuốc bom, đạn được dùng bằng máy thay cho quy trình thủ công nguy hiểm. 
Thâm nhập đơn vị vào lúc xưởng kỹ thuật đang “cắt bom” để lấy thuốc bằng máy cắt MEBA 800-600 (ảnh), chúng tôi mới thấy hết tính sáng tạo của những người lính công binh. Từ những quy trình công nghệ có sẵn, các kỹ sư bom mìn đã nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới hiện đại hơn. 
Ngoài hiệu quả công việc thì công tác an toàn là thành tựu lớn nhất mà những người lính thợ đã đạt được. Việc lấy thuốc, cắt bom hoàn toàn bằng máy, thay thế cho quy trình tháo gỡ thủ công vừa tiết kiệm được chi phí, giảm nhân công mà quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện, khí tài.
Sứ mệnh bảo vệ an toàn cho đồng đội và nhân dân
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Minh Triệu - Tổ trưởng vận hành xì bom, đạn bằng hơi nước nóng - cho hay: “Theo nguyên tắc, những loại đạn thông thường có thể hấp trong lò ở nhiệt độ hơn 1000oC thì chỉ khoảng 2 đến 3 giờ là thuốc có thể chảy ra theo máng, còn vỏ đạn sẽ được kiểm tra kỹ và đưa vào lưu cất. Tuy nhiên, cũng có nhiều loại đạn ví dụ như đạn cối 160mm thì phải cần 10 đến 12 giờ thuốc mới tan chảy...”.
Rất nhiều vật liệu nổ được tập kết để xử lý (ảnh MH Internet)
Nhờ các thiết bị máy móc vận hành giảm tối đa sức người nhưng việc chuyển đạn vào hấp và chuyển ra, đặc biệt là công tác kiểm tra chặt chẽ lượng thuốc tồn dư đều cần sự tiếp xúc trực tiếp từ bàn tay, ánh mắt và sự cẩn trọng của những người lính thợ.
Xử lý bom, đạn cấp 5 và dò tìm bom, mìn sót lại sau chiến tranh là công việc nguy hiểm, nặng nhọc và rất độc hại. Để có được từng héc ta đất an toàn, tránh nguy hiểm cho đồng bào vùng chịu ảnh hưởng của chiến tranh là bao mồ hôi công sức của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài thực địa. 
Những đóng góp về sức lực, trí tuệ của các anh sẽ còn được ghi nhận mãi cho nhiều thế hệ. Những người lính thợ ít nói về mình nhưng sự hy sinh của họ trên mặt trận gian khó là quá lớn. 
Các anh không quản ngại khó khăn, gian khổ, thầm lặng trên mặt trận chiến đấu thời bình để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ an toàn cho đồng đội và nhân dân.

AP (Theo PLO)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh