Thảm kịch chết chóc tại các lễ hội âm nhạc trên thế giới
- Tây Y
- 15:23 - 18/09/2018
1. Xả súng tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas năm 2017
Gần 60 người đã thiệt mạng và 527 người bị thương sau khi một tay súng tấn công một lễ hội âm nhạc gần sòng bạc Mandalay, Las Vegas (Mỹ) hôm 2/10/2017. Đây là vụ xả súng giết người hàng loạt đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ.
Vụ việc xảy ra khi mọi người đang thưởng thức màn trình diễn tại lễ hội âm nhạc Route 91 Harvest. Các nhân chứng cho hay, tiếng súng nổ vang lên trong lúc ca sĩ nhạc đồng quê Jason Aldean đang biểu diễn.
Hiện trường vụ thảm sát. (Ảnh: AP)
Cảnh sát xác định nghi phạm là Stephen Paddock, 64 tuổi, cư dân ở Nevada. Họ tin ông ta xả đạn rồi tự sát trên tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay, nằm đối diện với nơi tổ chức lễ hội âm nhạc. Ít nhất 17 khẩu súng được tìm thấy trong phòng khách sạn của Paddock. Thêm 18 vũ khí, thiết bị nổ và hàng nghìn viên đạn được tìm thấy trong phòng của nghi phạm ở Mesquite, Nevada.
2. Sập nắp thông gió tại lễ hội âm nhạc tại Hàn Quốc năm 2012
17h chiều ngày 17/10/2014, một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra trong đêm nhạc của The 1st Pangyo Techno Valley Festival.
Nắp thông gió có chiều rộng 3-4m và ở độ cao 10m. (Ảnh: Allkpop)
Theo lịch trình, 4Minute, T-ara, JungGiGo và Cherry Filter sẽ có phần trình diễn trên sân khấu tại khu phức hợp đa năng tại Seongnam, Seoul, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, khi phần trình diễn của 4Minute đang diễn ra thì nắp thông gió có chiều rộng khoảng 3-4m bất ngờ sập xuống. Lúc đó, có rất nhiều khán giả đã đứng trên nắp thông gió. Tai nạn bất ngờ khiến 16 người thiệt mạng, trong đó 12 người chết ngay tại chỗ và 4 người khác tử vong trên đường đi cấp cứu, 11 người khác bị thương nặng.
Một quan chức địa phương tự tử ngay sau đó vì áp lực trước trách nhiệm liên quan tới thảm kịch này.
3. Giẫm đạp tại lễ hội âm nhạc Love Parade năm 2010
Một vụ giẫm đạp bất ngờ xảy ra trong lễ hội âm nhạc mang tên Love Parade ở thành phố Duisburg, phía tây nước Đức vào ngày 23/7/2010 đã khiến 18 người thiệt mạng và 100 người bị thương.
Vụ giẫm đạp tại lễ hội âm nhạc ở Đức cướp đi sinh mạng của 18 người trong độ tuổi 20-40. (Ảnh: NBC)
Nguyên nhân chính dẫn đến sự hỗn loạn chết người này là do sự tính toán thiếu cẩn trọng của các nhà tổ chức. Có đến 1,4 triệu người tới từ khắp nơi trên thế giới tham dự lễ hội nhưng ban tổ chức lại quyết định chỉ mở một lối vào duy nhất vào khu vực sân khấu.
Đám đông khán giả đã trở thành nên hỗn loạn khi cảnh sát quyết định đóng cửa đường hầm do quá đông người muốn vào bên trong. Mọi người đã đổ xô đi tìm con đường khác để vào bằng được phía bên trong. Các nhà chức trách cho rằng những người thiệt mạng trong vụ lộn xộn là do họ trèo qua hàng rào và bị ngã.
"Các bạn trẻ đến dự cuộc vui, nhưng thay vào đó là chết chóc và thương vong. Tôi bàng hoàng và buồn bã vì những nỗi đau và sự mất mát", Thủ tướng Đức Angela Merkel gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân.
4. Hỏa hoạn tại hộp đêm The Station (Mỹ) vào năm 2003
Ít nhất 65 người thiệt mạng và 164 người bị thương trong một vụ hỏa hoạn lớn tại hộp đêm The Station ở thị trấn West Warwick, bang Rhode Island, Mỹ, hôm 20/2/2003.
Hiện trường vụ hỏa hoạn. (Ảnh: Oddee)
Vụ cháy xảy ra vào lúc 11 giờ đêm, trong buổi biểu diễn có sử dụng pháo hoa của ban nhạc rock Great White nổi tiếng. Ngay lập tức, đám đông rơi vào cảnh hỗn loạn. Một số nhân chứng cho biết nhiều người tìm cách chạy đến lối thoát hiểm, trong khi một số người khác đập vỡ cửa sổ để thoát ra ngoài. Lúc đó, có khoảng từ 300 - 400 người đang ở trong hộp đêm.
Ông Wolfgang Bauer, người đứng đầu thị trấn West Warwick, cho biết một ngọn lửa từ pháo hoa đã bắt lên trần nhà và nhấn chìm hộp đêm trong biển lửa trong vòng 5 phút. Đây được xem là vụ cháy tồi tệ nhất của bang Rhode Island kể từ năm 1977.
5. Thảm kịch tại lễ hội âm nhạc Roskilde, Đan Mạch vào năm 2000
Tổng cộng 9 người đã chết và 26 người bị thương trong buổi biểu diễn của Pearl Jam tại Lễ hội âm nhạc Roskilde, Đan Mạch vào ngày 30/6/2000.
Hoa tưởng nhớ các nạn nhân tại hiện trường vụ giẫm đạp. (Ảnh: AP)
Mưa to và hành động phấn khích nâng từng khán giả lên và chuyền tay nhau trên biển người (còn được gọi là crowd surfing) được cho là nguyên nhân chính gây ra thảm kịch. Sự kiện này đã dẫn tới việc cấm 'crowd surfing' tại rất nhiều các lễ hội âm nhạc tại châu Âu sau đó.