CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:21

Thách thức về ngân sách và nỗ lực để giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C

 

Thế giới sẽ đối mặt với thách thức về ngân sách và nỗ lực lớn gấp bội phần để duy trì mức gia tăng nhiệt độ dưới 1,5°C so với chi phí để duy trì mức tăng dưới 2°C. Báo cáo của IPCC ước tính “chi phí xử lý cận biên khí hậu” để kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình Trái đất dưới 1,5°C sẽ cao gấp 3-4 lần so với mục tiêu duy trì mức tăng dưới 2°C.

Thế giới đang đối mặt với nguy cơ hạn hán do nhiệt độ Trái đất tăng cao.

 

Trước đó, từ năm 2010, lần đầu tiên các nước trên thế giới thảo luận và đưa ra mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C. Năm 2015, Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu đặt ra mục tiêu mới với việc hướng tới giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C, trong đó có điều khoản linh hoạt là mục tiêu này có thể được xem xét điều chỉnh dựa trên những bằng chứng mới có liên quan.

Một số nước có khả năng cao bị tổn thương do biến đổi khí hậu gồm các quốc đảo ở vùng thấp, ven biển và nhiều nước châu Phi, đã đề nghị IPPC đưa ra đánh giá đặc biệt trong trường hợp quy định mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5°C, cũng như những hậu quả thế giới có thể phải gánh chịu nếu nới rộng biên độ này.

Trang mạng The South African đã có bài phân tích những thách thức mà khu vực Nam châu Phi đang đối mặt để đạt mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Miền Nam châu Phi đang gánh chịu tình hình khí hậu tồi tệ hơn so với các khu vực khác trên thế giới kể từ khi các số liệu về thời tiết được tập hợp một cách chính xác vào thế kỷ XX.

Trong khi nhiệt độ không khí trung bình toàn cầu tăng gần 1°C thì nhiệt độ trung bình ở miền Nam châu Phi đã tăng 2°C. Nghĩa là mức độ nóng lên trung bình của miền Nam châu Phi đã vượt qua ngưỡng 1,5°C, báo hiệu một tương lai không mấy tốt đẹp.

Dựa trên những cam kết cắt giảm lượng phát thải khí của các nước theo Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 3°C vào nửa cuối thế kỷ XXI, chứ không phải là tăng thêm 2°C như mục tiêu đề ra. Do đó, nhiệt độ tương ứng khi đó của miền Nam châu Phi sẽ tăng khoảng 5-6°C.

Mức độ nóng lên như vậy sẽ khiến đời sống của người dân và kinh tế các nước rơi vào tình trạng bất ổn. Các đợt nắng nóng gây hại sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Năng suất cây lương thực như ngô và lúa mì sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Tài nguyên nước, vốn đang ở tình trạng khan hiếm trên toàn khu vực Nam châu Phi, sẽ bị giảm đáng kể cả về chất lượng và số lượng. Ngành sản xuất sữa và chăn nuôi sẽ không thể tiếp tục duy trì ở miền Nam châu Phi.

Hậu quả thảm khốc sẽ không lập tức xảy ra khi nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5°C. Tuy nhiên, các nguy cơ về hậu quả tổng thể càng lớn hơn thì một thế giới vốn phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau càng có nguy cơ trượt xa hơn hình thái khí hậu quen thuộc.

Vấn đề là chúng ta không nhận biết được chính xác điểm bùng phát – điểm ngưỡng mà thế giới khi vượt qua sẽ không thể quay trở lại được. Ứng xử khôn ngoan nhất có lẽ là duy trì ở mức tiệm cận thoải mái nhất có thể.

 Nếu muốn duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất dưới 1,5°C, thế giới cần thay đổi một cách nhanh chóng, sâu sắc và triệt để ở hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống - từ những gì chúng ta ăn, cách thức di chuyển, phương thức sản xuất năng lượng đến cách thức chúng ta xây dựng nhà cửa.

Đặc biệt là, thế giới sẽ phải tiêu thụ ít thịt hơn, đi lại thông minh hơn và chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và xây dựng các mô hình nhà ở, văn phòng và nhà máy sử dụng hiệu quả năng lượng.

 Ngoài ra, miền Nam châu Phi cần thử nghiệm một số mô hình nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng khí hậu của khu vực.

Các nước miền Nam châu Phi phải khuyến khích cộng đồng quốc tế giảm triệt để biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu rủi ro đối với các xã hội và các hệ sinh thái vốn đặc biệt dễ bị tổn thương, chẳng hạn như các rạn san hô.

Báo cáo của IPCC kết luận rằng nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2°C sẽ dẫn đến sự biến mất của gần như toàn bộ các rạn san hô vốn đang hiện diện ở các khu vực hiện tại. Tuy nhiên, nếu giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình của thế giới ở 1,5°C, chúng ta có thể cứu được khoảng 30% các rạn san hô. Tình hình cũng sẽ diễn ra tương tự đối với sự tan chảy của các núi băng hay hoang mạc hóa của các vùng đất bán khô cằn.

Các nước miền Nam châu Phi cũng cần xem xét một cách nghiêm túc đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo. Về phần mình, Nam Phi cần nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào than đá. Nam Phi đã tích cực thực hiện chính sách năng lượng tái tạo, nhưng nước này cũng đã xây dựng thêm 2 nhà máy nhiệt điện khổng lồ phục vụ mục đích lâu dài và đang dự tính tiếp tục xây thêm các nhà máy nhiệt điện, điều này không phù hợp với mục tiêu giảm phát khí thải một cách khẩn cấp và với lượng lớn.

Trái đất sẽ khó tránh khỏi mức tăng nhiệt độ trung bình thêm 1,5°C , thậm chí cả mốc 2°C. Sau đó, để hạ nhiệt bầu khí quyển, nhân loại sẽ phải loại bỏ khoảng một nghìn tỷ tấn CO2. Hiện thế giới vẫn chưa có được công nghệ với giá cả phải chăng và được chứng minh khả thi để hoàn thành khối lượng việc khổng lồ như vậy.

 Biện pháp phổ biến nhất là trồng thêm thật nhiều cây xanh cũng chưa được bắt đầu ở hầu hết các nước miền Nam châu Phi hiện đang dành đất canh tác và nguồn nước cho sản xuất lương thực trong khi các vùng đất còn lại không phù hợp để trồng rừng do quá khô cằn.

Để đạt được mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình Trái đất dưới 1,5°C, trong thập kỷ tới, thế giới sẽ phải chi nguồn lực tài chính lớn chưa từng thấy để tìm kiếm và duy trì các nguồn năng lượng, hệ thống giao thông và đô thị mới.

Khoản đầu tư cần thiết để duy trì mức tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất dưới 2°C sẽ thấp hơn khi nhân loại có thể tận dụng lợi thế lớn hơn của việc giá năng lượng tái tạo giảm dần. Không phải ngay lập tức loại bỏ các công nghệ gây ô nhiễm hiện có trước khi các công nghệ này đạt đến ngày hoàn vốn.

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh