THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:18

Tết nhậu, Tết bê bết!

 

Đặc sản Tết quen thuộc là hoa đào, hoa mai, bánh chưng, chả giò rồi những hoạt động như đi thăm viếng chúc Tết, lì xì… Nhưng “món” to nhất trong dịp Tết bây giờ phải nói là bia rượu và… nhậu.

Bắt đầu những ngày cuối năm, từ 23 tháng Chạp, ở Sài Gòn trong các con hẻm nhỏ rất dễ bắt gặp 5, 7 người quy tụ bên những bàn nhậu trước cửa nhà. Không ít những con hẻm nhỏ chật chội nhưng không quá 20 bước chân lại một bàn nhậu được lập nên. Sáng có, trưa có, chiều có, cho đến tối rồi xuyên đêm. “Chuyên nghiệp” đến nỗi cứ anh nhà này bê cái bàn ra trước cửa thì như công tắc được bật tự động anh nhà bên cạnh lại xách rượu, anh nhà cạnh nữa xách bia, xách mồi.

 

Món "đặc sản" lớn nhất của Tết Việt là chén chú chén anh (Ảnh: Hoài Nam)

Ở bàn nhậu mọi khoảng cách về giàu - nghèo, già - trẻ, lớn - bé, đàn ông – đàn bà… đều tan biến!

Nói không quá, nhậu nhẹt “bao trùm” hết mọi hoạt động ngày Tết. Người người nhậu từ trong nhà ra tới hẻm. Nhậu từ nhà mình tới nhà họ hàng, qua nhà thông gia, thăm nhà bạn thân sang nhà bạn cũ đến nhà đồng nghiệp. Nhậu ở nhà, ngoài hẻm chưa đủ, sang mùng Hai, nhiều quán nhậu đã lập tức mở hàng đón khách nườm nượp.

Những ngày trước Tết, bia rượu luôn được các siêu thị đến các tạp hóa lớn nhỏ “ưu tiên”. Bấp chấp giá tăng chóng mặt thì đây là mặt hàng không thiếu trong giỏ hàng của mỗi nhà. Thậm chí, nhiều nhà phải thuê ô tô chở bia rượu về ăn Tết.

Tết bề ngoài rộn ràng vậy thôi chứ trong nhiều gia đình, đằng sau chén chú chén anh của các ông chồng là nỗi đau... của các bà vợ. Có chị vợ, nghĩ đến những ngày Tết khi còn sống với chồng cách đây mấy năm vẫn cứ ám ảnh: “Ba mẹ con đứng nhìn mâm nhậu ngổn ngang, bát chén bừa bộn dưới sàn. Rồi nhìn đoàn thanh niên trai tráng nhậu xong thản nhiên nổ máy phóng xe đi mà ứa nước mắt”.

Có bia rượu là có cãi vã, có bạo hành gia đình, có đổ vỡ. Bao nhiêu người phụ nữ thảm thiết mong chồng đừng bia rượu nhưng ngày Tết, quẹt nước mắt hay thâm tím mặt mày khi chồng say. Nhưng cũng chính tay họ, trước đó còn sắm sanh rất nhiều bia, nhiều rượu về chất trong nhà với cái tặc lưỡi: Tết mà!

Các nhà máy bia rượu hết công suất phục vụ Tết thì các bệnh viện lớn, bệnh viện nhỏ khắp cả nước cũng “chạy” bở hơi tai. Người nhập viện do đánh nhau, do tai nạn giao thông mà nhiều người khi nằm trên băng ca gãy chân, vỡ đầu vẫn còn sặc mùi bia rượu. Hoặc đến khi ngáp ngắn ngáp dài tỉnh dậy “thủ phạm” còn chẳng nhớ mình đánh người, đâm người.

Có nơi nào như xứ mình, sau ngày Tết truyền thống, vốn được xem là nét đẹp văn hóa, của tình thân thì trên các mặt báo, nhiều nhất lại là thông tin có bao nhiêu vụ đánh nhau, bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông.

Tết 2015, chỉ 9 ngày nghỉ có đến 317 người chết vì tai nạn giao thông cùng 6.200 vụ đánh nhau với số người nhập viện thì… không thống kê nổi. Trong đó, kể cả người thân như cha con, anh em, bạn bè cũng có thể đánh nhau, giết nhau. Lỗi không phải do bia rượu mà do người sử dụng bia rượu.

 

Nhiều vụ tai nạn thảm khốc trong dịp Tết do tác động trực tiếp của rượu bia 

Phải nói bia rượu, nhậu nhẹt trở thành đặc trưng của ngày Tết. Đã uống không chỉ nhấm nháp vài ngụm, vài ly khai xuân mà cứ phải không say không về, mà đã say rồi thì hiển nhiên hết đường về.

Nếu chỉ Tết vui mới nhậu còn may. Không, Tết nhậu, quanh năm suốt tháng, chẳng chờ ngày lễ lạt, ngày thường đâu đâu cũng nhậu. Từng người, từng nhà góp sức cho Việt Nam năm vừa rồi đạt đến “đỉnh cao” khi vào top 5 nước ở châu Á về tiêu thụ rượu bia.

TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ, việc nhậu nhẹt bù khú “lên ngôi” trong dịp Tết phản ánh đời sống tinh thần, văn hóa kiệt quệ và nghèo nàn. Từ người lớn đến người bé đang ngày càng xa lạ với những giá trị dân tộc, mức độ hiểu biết và thưởng thức nghệ thuật thấp, kể cả giới tri thức. Những nguy hại tác động đến lối sống nhân cách như nhậu nhẹt, chửi tục chửi bậy, đánh nhau trở thành phong trào được xem như là chuyện bình thường là thể hiện sự xuống cấp của đạo đức.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh