CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 12:04

Tết, lúc người Việt… khiếm nhã nhất

 

Bao giờ lấy chồng? bao giờ đẻ con? 

Khi được hỏi việc chuẩn bị Tết, cô em tôi chép miệng: “Em ngán Tết lắm rồi, chỉ thích bỏ đi chơi đâu xa”

“Sao thế? Dịp xum họp gia đình, gặp gỡ bạn bè mà!”

“Gặp rồi ai cũng hỏi sắp lấy chồng chưa, và sẽ phải trả lời cùng một câu hỏi đó suốt mấy ngày liền, nói đi nói lại. Có năm em định trốn ở nhà, nhưng rồi cũng có khách của bố mẹ đến, cũng phải tiếp, rồi cũng vẫn phải trả lời cùng câu hỏi ấy.”  

Nghĩ lại thì tôi thấy khó cho cô em thật. Tết là dịp người ta ‘tung ra’ vô số câu hỏi khiến người được hỏi bối rối, mặc định rằng đó là hình thức thể hiện sự quan tâm. Chưa chồng hỏi sắp lấy chồng chưa? Chưa đi học hỏi bao giờ đi? Đi làm rồi hỏi làm công ty nào? lương bao nhiêu: Nếu đối tượng mới cưới thì thể nào cũng hỏi sắp có em bé chưa, rồi chúc cuối năm có em bé… 

Nhìn bề ngoài, những câu hỏi thăm ấy có vẻ vô hại nhưng mang lại cho người bị hỏi áp lực tâm lý và sự khó xử không nhỏ. Cô gái “nhỡ thì” hay đánh mất tình yêu bị xoáy vào nỗi buồn. Người hiếm muộn cười gượng hay cậu trai mới đi làm bối rối về đồng lương khởi nghiệp.  

Khổ nỗi, với nhiều người, không hỏi những câu như thế thì họ không biết nói gì khác, hỏi những câu gì khác. Cách thức ấy đã thành thói quen giao tiếp hàng trăm năm của người Việt. Nhưng không phải cái gì tồn tại lâu thì được phép chấp nhận. Cuộc sống thay đổi đòi hỏi văn hoá giao tiếp cũng cần thay đổi, nhanh hay chậm là do ý thức của mỗi chúng ta và quan trọng hơn cả là định hướng giáo dục trẻ em về giao tiếp. Tránh trường hợp vô tình làm người khác khó chịu. 

Một lần, trong đám ma bà dì vợ, có một khách đến viếng, chắc chỉ hơn tôi vài tuổi nhận xét: “Sao mày để vợ gầy thế, vậy là không được rồi” Chưa nói tới cái nội dung thô thiển thì việc mày tao suồng sã lần đầu mới gặp đã đủ khiến tôi khó chịu. Giữa đám tang, tôi đành tặc lưỡi cho qua, bụng thầm nghĩ nếu cứ giữ kiểu giao tiếp ấy, thằng cha này sẽ có lúc ăn đòn ở một cuộc rượu nào đấy. Chưa hết, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, hỏi: “Ơ, vợ anh cao hơn anh à?” Tôi cười bảo: “Ừ, chẳng qua là do chân cô ấy dài, tôi biết làm sao được! Mà hình như luật hôn nhân và gia đình có cấm vợ cao hơn chồng đâu!”  

Một kiểu “tra tấn” khác: các ông bà già, thường là ở nông thôn, hay hỏi: “Thế cháu làm được bao nhiêu tiền mỗi tháng?” Hàng xóm của một cô bạn li dị chồng hỏi con gái của cô ấy lúc cháu mới 3 tuổi: “Thế bố cháu có cô nào mới chưa?” Khiến đứa bé khó chịu, đòi về nhà không đi chơi nữa.    

 

Tết sum vầy, nhưng cũng nhiều rắc rối

Tôi đến nhà anh, anh đến nhà tôi 

Nhiều năm liền, ông bạn tôi giám đốc một công ty thương mại phải chơi trò “trốn Tết”: mùng Một thăm nội ngoại xong là cả nhà lên máy bay đi nghỉ vì: “Người khoẻ hơn nhiều. Ở Hà Nội, chúc tụng rượu bia suốt mấy ngày chắc chết. Cả năm đã phải uống đủ kiểu với đối tác, bạn hàng rồi”. 

Hình thức trong giao tiếp đã chất lên vai người Việt gánh nặng vô hình. Tôi đã đến thăm anh thì mặc nhiên tôi cũng chờ đợi sự viếng thăm của anh. Khách đến là phải mâm bát, cụng ly. Vậy là lê la rồng rắn từ nhà này sang nhà khác, cuối ngày bải hoải, Tết đã thành một cực hình. Khổ nữa uống rượu là phải cạn chén, thế mới đẹp, mới hảo hán, mới chan chứa chân tình.  

Chỉ khổ mấy bác sỹ trực mấy ngày tết. Cứ phải mổ não, nẹp chân, nẹp cẳng suốt. Nhà nào xấu số hơn thì cuống lên đi tìm quan tài. Nhu cầu mặt hàng này bỗng tăng vọt.  

Mừng tuổi, biếu sếp: sự nhạy cảm khó xử 

Thay vì mừng tuổi trẻ em mấy đồng tiền lẻ để lấy may thì phong tục ấy lại biến thành một điều nhạy cảm khó nói. Tập tục mừng tuổi trở thành cách để thể hiện bản thân. Mà trong xã hội, người giàu kẻ nghèo đứng cạnh nhau là thường. Người không có tiền bỗng trở nên ngại ngần khi mừng tuổi con cháu nhà giàu, mừng nhiều thì quá sức, mừng ít thì dường như không phải phép với bạn.  

Tôi biết có vợ những đàn ông có chức sắc, cứ Tết đến là phải chầu trực trước ngõ sếp hay đối tác của chồng, chờ khi cổng nhà mở là lao vào đưa quà. Có trường hợp phải chầu trực cả buổi, bởi vị kia quyền cao chức trọng, có quá nhiều người đến biếu quà, chỉ được vợ sếp tiếp. Ra về còn lăn tăn không hiểu phu nhân của sếp có nói lại với sếp không? Nhiều người thế, bà ấy có nhớ mình là ai không? Liệu cái phong bì ấy có bị thất lạc không? Rồi không biết vụ tết này, chồng mình được biếu quà, có bù lại được cái chi phí này không?  

Cỗ bàn ngập mặt, nỗi kinh sợ của phụ nữ  

Đáng nhẽ ngày xuân, phụ nữ phải được thảnh thơi, váy áo đẹp đi chơi thì họ phải gập lưng xuống dọn nhà, làm cỗ với đủ các món truyền thống, đa phần những món ấy giống nhau đến chán ngấy: gà luộc, miến, măng, thịt đông, bánh chưng… Không làm thì bố mẹ chồng trách con dâu không chu đáo, mà không phải bố mẹ chồng thì ông bà tổ tiên trên bàn thờ có khi cũng không hài hòng.  

Vậy, bản chất chung của tất cả những vấn nạn Tết và giải pháp là gì?  

Đấy là hệ quả của một nền văn hoá mang nặng hình thức. Tết trở nên rườm rà, nặng nề và là nỗi kinh sợ của người lớn. Chính chúng ta tự làm khổ mình. Điều này cần phải thay đổi để con người Việt Nam được giải phóng khỏi những khổ ải mang tính thói quen văn hoá.  

Đừng hỏi hay quan tâm tới những gì mang tính riêng tư của người khác. Đàn ông đừng ngại từ chối uống rượu. Đừng làm hảo hán dưới âm phủ mà nên làm người đàn ông điềm đạm vui thú dài dài với vợ con. Phụ nữ chỉ nấu những món chồng con thích. Mừng tuổi trẻ con bao nhiêu là hoàn toàn theo tình cảm và khả năng của mình.  

Việc biếu sếp là khó nhất nhưng không phải không thay đổi được. Hãy đến với ai mình thực sự quý mến chứ không phải vì một sự tính toán hơn thiệt. Làm theo năng lực, đừng mong chờ ân huệ để lót đường cho công danh của mình.  

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh