Tết: Ép người dưới 18 tuổi uống rượu, có thể bị xử phạt?
- Sức khỏe
- 22:59 - 06/02/2019
Ảnh minh họa.
PV Báo Lao Động đã trao đổi với các luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội về vấn đề này.
Luật sư Quách Thành Lực (Cty Luật Hà Nội Tinh Hoa) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc ép người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia. Quy định mới nhất chỉ ở hình thức dự thảo của Luật phòng chống tác hại rượu bia vừa được đưa ra xin ý kiến.
"Trong dự thảo của Luật này có một trong những hành vi cấm là “cấm hành vi ép người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia”. Tuy nhiên, luật này dự kiến đến tháng 5.2019 mới được Quốc hội thông qua. Còn hiện nay, vẫn chưa có những quy định chế tài cho hành vi ép người dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia", Luật sư Lực nói.
Luật sư Quách Thành Lực.
Cùng trao đổi về vấn đề này Luật sư La Văn Thái (Cty Luật TNHH Tầm Nhìn & Thịnh Vượng) cho rằng tuy hành vi ép uống rượu bia vẫn chưa có hình thức chế tài xử phạt nhưng hành vi này gây ra nhiều hệ lụy không mong đợi, điển hình như tai nạn giao thông, đánh nhau, thậm chí đâm chém nhau chỉ vì "quá chén".
"Theo quy định pháp luật hiện nay, việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gây tai nạn hậu quả chết người, hoặc gây thương tích từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Thái khẳng định.
Cũng theo luật sư La Văn Thái, đối với việc sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn thì đây là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điểm B Khoản 2 của Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Khung hình phạt của tình tiết này là từ 3 năm tù đến 10 năm tù.
Cả hai vị luật sư đưa ra khuyến cáo đến bạn đọc của Báo Lao Động rằng: Niềm vui xuân mới khó có thể thiếu ly rượu chúc mừng nhưng hãy biết tiết chế khi sử dụng chúng để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Tuất 2018, cả nước đã xảy ra gần 220 vụ tai nạn giao thông làm chết 195 người, bị thương 199 người. Riêng ngày mùng 2 Tết có tới 42 vụ làm chết 36 người, bị thương 36 người.
Cũng theo thống kê trên, lực lượng CSGT đường bộ đã kiểm tra, xử lý trên 19.000 vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền hơn 12 tỷ đồng trong 7 ngày nghỉ Tết.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn giao thông là do lái xe uống rượu bia, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm; khu vực xảy ra tai nạn giao thông chủ yếu tại đường nông thôn, ngoài đô thị.