THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:21

Tết Độc lập của người Mông

Theo lời kể của những người Mông cao tuổi, kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó là Tết Độc lập của dân tộc. Cuối những năm 50 của thế kỷ XX, vào những ngày này, thị trấn Mộc Châu treo nhiều cờ đỏ mừng Quốc khánh. Thanh niên ở các bản làng xuống thị trấn chơi, thổi khèn, múa hát, nhận nhau là anh em, rủ nhau đi tâm tình thâu đêm. Đến sáng thì chia tay, hẹn nhau ngày này năm sau gặp lại. Chính vì vậy, Tết Độc lập còn có tên gọi là Tết Cờ đỏ sao vàng.

Tết Độc lập của người Mông - Ảnh 1.

Những tiếng khèn, điệu múa của các chàng trai cô gái trong ngày tết Độc lập

Tết Độc lập cũng như Tết năm mới, người Mông làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên. Trẻ con háo hức cùng mẹ xuống chợ. Nhưng chờ đợi ngày Tết Độc lập có lẽ là những chàng trai, cô gái Mông. Chàng trai thổi điệu khèn hay nhất, cô gái mặc chiếc váy hoa đẹp nhất, vòng bạc, đôi dép để dành đã lâu.

Cũng bởi phong tục kết bạn của người Mông là khi đã gặp nhau bên mâm cơm, dù bản làng xa cách bao nhiêu vẫn kết bạn, kết nghĩa anh em, kết duyên trai gái. Chính vì vậy mà theo thời gian, Tết mỗi năm lại đông hơn. Những năm 90 của thế kỷ XX, Tết Độc lập ngày một đông vui, hàng nghìn người Mông ở khắp các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Những năm 2000, lại thêm người Mông ở Việt Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và cả người Mông bên nước bạn Lào cũng về vui Tết với người Mông Mộc Châu. Các dân tộc anh em như: Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú ở các bản lân cận cũng kéo về thị trấn Mộc Châu vui Tết. Dần dần, Tết Độc lập ở Mộc Châu trở thành tết chung của đồng bào các dân tộc vùng cao, các dân tộc anh em.

Tết Độc lập của người Mông kéo dài từ 29/8 đến 2/9 nhưng đông vui nhất là ngày 1/9. Trong thời gian này tại thị trấn Mộc Châu liên tục diễn ra các hoạt động: Hội chợ thương mại, biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tung còn, tó má lẹ, đánh tu lu, ném pa pao, giã bánh dày, trò chơi rồng ấp trứng...

Tết Độc lập của người Mông - Ảnh 3.

Để tới lễ hội, bà con người Mông phải chuẩn bị từ nhiều ngày. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn. Gái rực rỡ áo váy, tay cầm đàn môi, leng keng nhạc ngựa.

Trên các đường phố dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái Mông ngồi trên lưng ngựa, nếp váy thổ cẩm rực rỡ phủ xòa trên lưng ngựa thồ đủng đỉnh gõ móng trên đường. Bên cạnh là tiếng reo hò từ các hoạt động vui chơi như thi ẩm thực (giã bánh dày), các trò chơi dân gian truyền thống... khiến cả một không gian vùng cao nguyên xanh rộn ràng trong âm thanh và sắc màu đắm say của ngày hội. Thị trấn nhỏ trên cao nguyên Mộc Châu trở thành điểm đến của hội ngộ, là dịp đồng bào Mông trao đổi tình cảm, gắn kết cộng đồng, nơi trai gái tìm nhau rồi nên nghĩa trăm năm.

Đến ngày 1/9, không khí Tết Độc lập đã bao trùm khắp các bản làng lan tỏa sang các bản khác... Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc phiên chợ tình duy nhất trong năm của người Mông tại Mộc Châu diễn ra. Chợ đẹp vì trang phục của người Mông chia thành nhiều dòng: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (Mông Mán)... Các sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau như một rừng hoa. Trai gái người Mông ở tuổi cập kê được dịp lý tưởng để hò hẹn, tìm kiếm bạn đời. Các chàng trai thi nhau thổi khèn bên những cô gái trẻ đẹp, váy áo sặc sỡ. Trai gái tụ tập thành từng nhóm, trêu đùa, hát giao duyên cho đến sáng.

Tết Độc lập của người Mông - Ảnh 4.

Các hoạt động vui chơi diễn ra tại thị trấn Mộc Châu, Sơn La.

Trên các trục đường chính, trai gái Mông thích thú với không khí chợ tình lãng mạn. Các cô gái đi thành từng tốp vừa đi vừa ngắm nhìn các gian hàng bày bán đồ dân tộc bên đường, vừa ngại ngùng liếc trộm các chàng trai Mông điển trai. Các chàng trai chủ yếu đến với mục đích tìm người con gái mình yêu, họ làm quen, kéo các cô đi chơi.

Chợ tình là đêm giao lưu của các chàng trai, cô gái gửi gắm những hò hẹn, nhớ thương và trao gửi tình cảm của không ít đôi lứa. Trải qua nhiều năm tháng, nhiều mối tình đã nên duyên chồng vợ, nhưng cũng nhiều đôi vì nhiều lý do mà chẳng đến được với nhau. Họ mong mỏi cả năm để tìm đến gặp lại bạn để tâm sự, để trút vợi niềm thương nhớ cho nhau.

Có lẽ không ở đâu có sự tụ hội để mừng ngày Tết Độc lập như ở cao nguyên Mộc Châu. Với những lễ hội sôi động, náo nhiệt, độc đáo và những khoảnh khắc giao hòa cùng thiên nhiên và con người nơi cao nguyên với tiếng sáo Mông vi vút gọi bạn, tiếng khèn xao xuyến và những nếp váy xòe thổ cẩm… tạo ấn tượng không thể nào quên với du khách về vùng đất cao nguyên Mộc Châu.

Tết Độc lập của người Mông - Ảnh 5.

Nguyễn Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh