THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:15

Tết của ấm no, hạnh phúc

“Không để một ai bị bỏ lại phía sau” - đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự cuộc họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 của đồng bào Khmer tại TP Cần Thơ vào sáng 6/4 vừa qua.

Thủ tướng khẳng định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Khmer; ưu tiên bố trí nguồn lực và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, đề án lớn; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, giúp đỡ chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer tu học...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các tỉnh vùng ĐBSCL cần chăm lo tốt hơn đời sống của đồng bào người Khmer

Khu vực Nam bộ nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng tuy được đầu tư từ nhiều năm và bằng nhiều nguồn lực nhưng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển. Đồng bào đã có nhiều cố gắng vươn lên, nhưng do điểm xuất phát thấp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn nên thu nhập, việc làm và đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Bản sắc văn hóa dân tộc tuy được giữ gìn và phát huy, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao và đa dạng của nhân dân... 

Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và các vị chư tăng Khmer tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nêu cao tinh thần tự lực vươn lên, quyết tâm vượt qua khó khăn để mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống tốt đẹp hơn; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới; ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm rút ngắn khoảng cách với cả nước; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phong phú. 

Đồng bào Khmer Nam bộ vui mừng chào đón tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây

Các vị chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer gương mẫu thực hiện chính sách, pháp luật, tích cực vận động đồng bào Phật tử tham gia các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống, thực hiện hiệu quả công tác Phật sự, tổ chức các hoạt động Phật giáo tuân thủ pháp luật và Hiến chương của Giáo hội, xây dựng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước ngày càng vững mạnh. 

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong khu vực tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, chủ động, tích cực triển khai thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào; Khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của đồng bào, giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, cần quan tâm, chú trọng chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, hộ nghèo dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Cần quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.

“Từ nay đến ngày diễn ra tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thăm hỏi, kịp thời giúp đỡ các hộ nghèo dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trọn vẹn tết Chôl Chnăm Thmây trong không khí vui tươi, đầm ấm”, Thủ tướng chỉ đạo.

 

Những cô gái Khmer xinh đẹp trong các vũ điệu duyên dáng đón chào năm mới

Tết Chôl Chnăm Thmây tổ chức vào đầu tháng Pôsăk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa, rơi vào các ngày 14, 15 và 16/4 Dương lịch. Đây là lúc tiết trời khô ráo, mùa màng đã thu hoạch xong. Mọi người ăn Tết xong chuẩn bị đón mùa mưa, gieo sạ lúa. Mọi sinh hoạt Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ đều diễn ra tại chùa.

Tết Chôl Chnăm Thmây còn gọi là tết “chịu tuổi”, diễn ra trong ba ngày với những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Sang-kran có nghĩa là “bước đi”. Ngày thứ hai gọi là Won-bot có nghĩa là “thiếu hoặc thừa”. Ngày thứ ba gọi là Lon-sătk có nghĩa là “tăng lên”. Những ngôi chùa vào dịp này đều được tu bổ, trang trí lại với nhiều màu sắc sặc sỡ.

Bánh nùm-chrụt (gần giống bánh tét của người Kinh Nam Bộ), và bánh nùm-tiên (gần giống bánh ít Nam Bộ) là hai thứ không thể thiếu của các gia đình Khmer, tượng trưng cho sự no ấm, làm ăn thịnh vượng. Gần Tết là thời điểm các cô gái Khmer luôn bận rộn để chuẩn bị những nồi bánh cùng gia đình đón năm mới.

Mọi hoạt động đón tết đều diễn ra ở chùa, với nhiều nghi thức đang đậm đặc trưng của người Khmer Nam bộ

Vào đêm giao thừa, mọi nhà đều thắp đèn sáng, cúng bánh, trái cây, hương hoa trên bàn thờ tổ tiên để tiễn thần Tê vô đa cũ về nhà trời, và rước thần Tê vô đa mới xuống cai quản đất đai, thổ trạch trong một năm. Người ta tin rằng các vị thần Tê vô đa được nhà Trời sai xuống để thay phiên cai quản dương thế.

Sáng ngày Tết thứ nhất Sang-kran, mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa để lễ, tụng kinh, niệm Phật. Theo sự điều khiển của Acha (một vị sư có uy tín) mọi người đứng xếp hàng đi vòng quanh chánh điện ba lần để chào mừng năm mới. Sau đó tổ chức rước “thần bốn mặt”. Đến đêm những người lớn tuổi tụ tập trong nhà nghe sư thuyết pháp, còn thanh niên nam nữ ra sân chùa múa hát, vui chơi.

Trong ba ngày Tết, nam nữ thanh niên Khmer ca hát các điệu dù kê, rô băm, múa lăm thôn… tại sân chùa. Vui nhất là hát dù kê. Hai bên nam nữ hát đối đáp, ném chơ hung (những chiếc khăn màu sắc sặc sỡ kết tròn lại như hình trái bóng, nam nữ ném qua, ném lại cho nhau). Phần thưởng thường thuộc về phía các cô gái. Bởi họ tin rằng phụ nữ gắn liền với mặt trăng, với nước, là biểu tượng cho mùa màng tốt tươi, ấm no hạnh phúc. Đây cũng là dịp để các lứa đôi tìm hiểu, hẹn hò…

LỆ HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh